Tại Hải Dương, bão số 5 không gây thiệt hại về người, chỉ có gần 1.000 ha lúa, ngô bị đổ, tập trung ở Bình Giang, Ninh Giang và TP Hải Dương.
* Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra công tác đối phó với bão số 5 tại Cẩm Giàng và Bình Giang
>>Tích cực, khẩn trương đối phó với bão số 5
>>
Bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp, tiếp tục đi sâu vào đất liền tan dần
Chiều 30-9, sau khi đi vào đất liền giữa Quảng Ninh - Hải Phòng, tiếp tục đi sâu vào địa phận các tỉnh phía Đông Bắc bộ, bão số 5 đã nhanh chóng suy yếu thành một vùng thấp và tan dần.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão số 5 đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng... Tại Hải Dương, bão số 5 làm đổ gần 1.000 ha lúa, ngô của bà con nông dân các huyện, thành phố: Ninh Giang, Bình Giang và TP Hải Dương.
Hải Dương chủ động khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra
* Chiều 30-9,
đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và phòng, chống cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh đã đi kiểm tra công tác đối phó với bão số 5 tại các huyện Cẩm Giàng và Bình Giang.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra công tác sẵn sàng bơm tiêu úng
tại Trạm bơm Văn Thai (Cẩm Giàng). Ảnh: Vị Thủy
Sau khi kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Văn Thai (Cẩm Giàng), Trạm bơm Cầu Sộp (Bình Giang) và một số cánh đồng có diện tích lúa đổ tại các huyện trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động phòng tránh và triển khai phương án kịp thời, hiệu quả. Các xã thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ lúa mùa, rau màu hè thu và diện tích cây vụ đông mới trồng. Các biện pháp phòng chống bão cho nhà cửa, kho tàng, trường học, các công trình đang thi công, đặc biệt chú ý các nhà mái lợp tôn, mái vẩy, nhà tạm...
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra công tác sẵn sàng bơm tiêu úng
tại Trạm bơm Cầu Sộp (Bình Giang). Ảnh: Vị Thủy
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp tục bơm gạn tháo nước đệm, chuẩn bị mọi phương tiện máy bơm và khơi thông dòng chảy; chủ động tiêu úng kịp thời, chống úng ngập cho lúa mùa và cây vụ đông sớm. Có kế hoạch khoanh vùng ưu tiên bơm, tát, tiêu nhanh những diện tích trũng, bị ngập nặng. Chuẩn bị đủ lượng giống rau màu bảo đảm chất lượng để tiếp tục trồng cây vụ đông khi mưa bão tan, bảo đảm kế hoạch sản xuất và ứng phó kịp thời nếu diện tích vụ đông sớm đã gieo trồng bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ việc tiêu úng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra diện tích lúa đổ
do bão gây ra tại xã Tân Việt (Bình Giang). Ảnh: Vị Thủy
*
Sau khi bản tin thời tiết sáng 30-9 của Đài Truyền hình Việt Nam dự báo bão số 5 có thể đổ bộ vào tỉnh Hải Dương từ trưa 30-9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học để tránh bão. Học sinh các khối: mầm non, tiểu học và THCS được nghỉ từ sáng 30-9. Riêng khối THPT, học sinh bắt đầu nghỉ từ chiều 30-9.
Để bảo đảm an toàn cho các em học sinh khối tiểu học, mầm non, ban giám hiệu các trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm liên lạc với gia đình để đón các em về nhà. Những học sinh nhà ở xa, không có người thân đón, giáo viên chủ nhiệm phải quản lý học sinh trong lớp.Thứ hai (ngày 3-10), học sinh các khối tiểu học và mầm non đi học bình thường. "Đối với khối THCS và THPT, nếu bão tan, ngày 1-10 học sinh đi học bình thường", ông Hoàng Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.*
Để đối phó với bão số 5, Viễn thông Hải Dương (VNPT Hải Dương) chỉ đạo VNPT 12 huyện, thành phố, thị xã và cử lực lượng kiểm tra hệ thống đường dây, cột, trạm thu phát sóng; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng như máy phát điện, nhiên liệu chạy máy..., khắc phục ngay khi có sự cố xảy ra. Phân công trực tại các vị trí trọng điểm, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn thiết bị và ứng cứu sự cố khi bão đổ bộ. Chủ động giữ liên lạc với ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các địa phương để nắm bắt nhu cầu bảo đảm thông tin phục vụ sự chỉ đạo của các cấp. Bố trí trực liên tục 24/24 giờ để xử lý các sự cố. Công nhân tại các trạm chủ động phát quang cây cối, đề phòng cây đổ làm đứt dây, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc.
* Chiều 30-9,
Chi nhánh Viettel Hải Dương tiến hành rà soát toàn bộ các trạm mạng trên địa bàn tỉnh. Máy móc, thiết bị trong các nhà trạm ở các huyện Kinh Môn, Thanh Hà và TP Hải Dương có nguy cơ ngập úng được đưa lên cao, sử dụng các loại vật tư ngăn không cho nước lọt, thấm, dột vào phòng; bổ sung ủng, áo mưa, đèn pin cho nhân viên trạm; bố trí mỗi huyện 1 máy nổ và 1 người thường trực đề phòng khi mất điện. Ngoài ra, chi nhánh chủ động phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các đơn vị sử dụng dịch vụ của Viettel, nhằm bảo đảm an toàn đường truyền, thông tin liên lạc được thông suốt.
*
Tại huyện Gia Lộc, sáng 30-9, nhiều cây chuối, đu đủ, bạch đàn ven quốc lộ 38B bị đổ nghiêng ngả, tướp lá do gió bão. Nhiều diện tích lúa mùa, ngô ở các xã: Đoàn Thượng, Toàn Thắng chuẩn bị cho thu hoạch đã bị đổ.
Ngô và đu đủ ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) bị gió bão quật đổ. Ảnh: Ninh Tuân
Lượng mưa còn nhỏ nên nước ở các chân ruộng lúa, rau màu còn ít. Các hộ dân khẩn trương cắt tỉa cành cây, thu hoạch chuối, đu đủ, bảo vệ hoa trái còn xanh trước khi bão đổ bộ trực tiếp vào chiều 30-9.
Nông dân xã Đoàn Thượng tháo cạn nước ở ruộng trồng su hào. Ảnh: Ninh Tuân
Trên các cánh đồng, nông dân tích cực bảo vệ rau màu vụ đông và lúa mùa. Nông dân xã Liên Hồng kiểm tra lại khung che giống rau màu, làm rạch ở ruộng lúa vừa mới thu hoạch để nước thoát nhanh hơn. Chị Nguyễn Thị Kiều ở thôn Đươi (xã Đoàn Thượng) đã làm khung che chắn cho luống su hào giống mới gieo. Hôm nay thấy gió bão mạnh, chị lại ra ruộng để kiểm tra. “Gió bão đã giật tung một số chỗ nên tôi phải buộc lại cho chắc thêm. Chiều nay bão đổ bộ mới đáng lo hơn”, chị Kiều cho biết. Gần đó, bà Hoàng Thị Mến đã đi tháo nước ở ruộng trồng su hào ra ngoài mương.
Nông dân xã Toàn Thắng kiểm tra và buộc chặt lại khung che rau màu. Ảnh: Ninh Tuân
Tại xã Thượng Đạt (TP Hải Dương), anh Đỗ Xuân Khi cho biết những ruộng trồng cà chua ở đầu gió đã bị đổ và nông dân đang đi buộc lại. Tuy nhiên, gió bão ảnh hướng đến hoa cà chua nên năng suất sẽ giảm.
Nông dân xã Liên Hồng làm rạch trên ruộng lúa để nước. Ảnh: Ninh Tuân
* Đến 10 giờ sáng 30 – 9, cây xanh trên các tuyến phố ở
TP Hải Dương đã được cắt tỉa cành, các trạm biến áp, các cột điện xuống cấp được kiểm tra để có biện pháp ứng phó, nước tại các hồ chứa đang được bơm tiêu...Chiều 29 – 9, UBND TP Hải Dương tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị chống bão. TP Hải Dương chỉ đạo Xí nghiệp Giao thông vận tải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị... triển khai ngay việc cắt tỉa cành cây xanh trên các đường phố nhằm hạn chế đổ gãy, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân. Bơm rút nước tại các hồ chứa, rà soát các trạm bơm tiêu trên địa bàn để phòng chống úng trong khu vực nội thành. Các xã tập trung chỉ đạo nông dân gặt nhanh các diện tích lúa chín để hạn chế thiệt hại. Ngành điện bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm, các đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão. UBND thành phố cũng hoãn, giảm bớt các cuộc họp không cần thiết để đối phó với cơn bão số 5...
*
Sáng 30-9, huyện Bình Giang yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết, tập trung cho công tác phòng, chống bão số 5. Huyện thành lập 2 đoàn kiểm tra tình hình phòng, chống lụt, bão trên địa bàn huyện. Đài Phát thanh huyện cập nhật thường xuyên và đưa tin về diễn biến của bão số 5 tới tất cả hệ thống truyền thanh các xã, thị trấn. HTX dịch vụ nông nghiệp của 18 xã, thị trấn hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, tháo nước đệm cho diện tích rau màu. Chặt tỉa bớt cành cây để tránh tình trạng cây đổ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Đối với các trang trại chăn nuôi tại xã Bình Xuyên cần che chắn để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm ... Các xã: Tráng Liệt, Tân Việt, Hùng Thắng, nông dân chủ động thu hoạch và có biện pháp chống đổ giàn cho cây bí xanh.
Theo thông báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Giang, đến 10 giờ ngày 30-9, đã có khoảng 5-10% diện tích lúa bị đổ, chủ yếu ở các giống lúa Bắc thơm số 7 và các loại lúa nếp.
*
Ngay từ đêm 29-9,
trên địa bàn huyện Ninh Giang trời liên tục có mưa kèm theo gió to. Lượng mưa đo được đến 15 giờ ngày 30-9 là 30 mm. Mưa kéo dài kèm theo gió giật mạnh làm cho nhiều diện tích lúa mùa đang trong thời kỳ chắc xanh bị đổ, gần 200 ha rau màu vụ đông sớm bị ảnh hưởng. Để chủ động đề phòng mưa bão, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện đã có công điện khẩn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng ban liên quan thực hiện ngay các biện pháp đối phó và khắc phục hậu quả sau mưa bão. Từ chiều 29-9, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện đã tiến hành hoành triệt các cửa cống và vận hành 15 trạm bơm tiêu úng. Trước khi bơm tiêu, Xí nghiệp đã cho gạn tháo tự chảy ra sông ngoài. Hiện nay, huyện chưa có diện tích bị úng, ngập.
Trạm bơm Dốc Bùng, xã Vạn Phúc (Ninh Giang) bơm tiêu úng. Ảnh: Ninh Tuân
*
Sáng 30-9, tất cả các thành viên của Ban chỉ huy Phòng, chống lụt, bão huyện Tứ Kỳ được tăng cường về các xã, thị trấn để giám sát, đôn đốc chỉ đạo các biện pháp đối phó với bão số 5. Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi huyện cử lực lượng chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức khơi thông dòng chảy, vật cản tại các tuyến kênh mương chính, ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực bơm tiêu úng. Hạt quản lý đê huyện tuần tra, kiểm soát các tuyến đê, đề phòng sự cố. Điện lực huyện tập trung duy trì nguồn điện ổn định, phục vụ tại các trạm bơm tiêu úng, sẵn sàng xử lý khi có sự cố...
Nông dân xã Hồng Đức (Ninh Giang) buộc lúa mùa bị đổ. Ảnh: Ninh Tuân
Đến chiều 30-9, mưa bão khiến hàng chục ha lúa mùa của xã Ngọc Kỳ bị đổ. Nhiều diện tích dưa hấu ở Nguyên Giáp bị lật dây. Huyện chỉ đạo bà con nông dân chủ động bám đồng ruộng, sử dụng các máy bơm nhỏ tiêu úng cho số diện tích trồng rau màu vụ đông sớm. Che chắn chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Buộc túm dựng diện tích lúa bị đổ, tháo gạn nước tại các chân ruộng trũng, tổ chức lực lượng phối hợp với các thôn khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh mương.
* Sáng 30-9,
tại khu vực chợ Bóng, xã Quang Minh (Gia Lộc), nhiều cửa hàng buôn bán dịch vụ đóng cửa, không bán hàng. Các mặt hàng thực phẩm như rau quả, thịt lợn bán rất ít. Chị Nguyễn Thị Len ở xã Đoàn Thượng cho biết: “Sáng nay, con tôi đi chợ về nhưng không mua được thứ gì về ăn vì ít người bán hàng... Hiện điện ở khu vực này đã bị cắt”.
Cửa hàng xăng dầu tại xã Minh Đức đóng cửa không bán hàng. Ảnh: Ninh Tuân
Trưa 30-9, các cửa hàng xăng dầu ở cầu Ràm (Ninh Giang), Minh Đức (Tứ Kỳ) không bán hàng nên nhiều người phải dắt xe đi tìm trạm xăng khác. Tại thị trấn Tứ Kỳ, một khu vực dân cư đã bị cắt điện.
*
Bão số 5 đã gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của nhân dân. Do ảnh hưởng của bão nên trong ngày 30- 9, nhiều chợ ở TP Hải Dương đã nghỉ họp. Tình trạng các chợ trong khu vực nội thành nghỉ họp, người buôn bán rau nghỉ đi chợ đã khiến cho giá thực phẩm và rau xanh tăng mạnh. Rau muống giá 8-9 nghìn đồng/bó, tăng 2 nghìn đồng/bó, cà chua 25-26 nghìn đồng/kg, tăng 2 - 3 nghìn đồng/kg, khoai tây từ 12-15 nghìn đồng/kg, tăng 3 nghìn đồng/kg, thịt lợn thăn 130-140 nghìn đồng/kg, tăng 10-20 nghìn/kg, thịt bò 160-190 nghìn đồng/kg, tăng 20-30 nghìn đồng/kg so với hôm trước. Nhiều chợ không có cá tươi bán. Theo một số tiểu thương kinh doanh tại chợ Phú Yên và Bắc Kinh, tình trạng khan hiếm rau xanh, thực phẩm sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới vì mưa bão sẽ ảnh hưởng tới diện tích rau đang chuẩn bị cho thu hoạch của nông dân.
*
Ở Kinh Môn, lúc 15 giờ ngày 30-9 mưa rất to và gió mạnh. Huyện đã cho tháo bớt nước ở các hệ thống thủy nông nội đồng ra sông ngoài đề phòng ngập úng lúa, rau màu; chỉ đạo các địa phương tích cực thu hoạch các diện tích lúa sớm. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, đến ngày 30-9, Kinh Môn đã thu hoạch được 1200 ha lúa, đạt 98% diện tích lúa chín. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa to cộng với gió đã làm cho khoảng 1700 ha lúa bị đổ, tập trung ở các xã An Phụ, Thái Sơn, An Sinh, Bạch Đằng. Diện tích lúa bị đổ nhiều tập trung vào các giống Khang dân 18, Q5, nếp 352415. Có khoảng 250 ha cà chua, rau cải, dưa đỏ tại các xã Thăng Long, Hiến Thành, Hiệp An, Thất Hùng bị táp lá. Huyện cũng chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các xã tiến hành kiểm tra rà soát nhà ở của nhân dân, đặc biệt là các hộ có nhà ở xuống cấp, hư hỏng để có biện pháp hỗ trợ việc chống bão. Với các diện tích nuôi trồng thủy sản chủ động các vật liệu đắp giữ bờ, đồng thời yêu cầu nhân dân có biện pháp hỗ trợ nhau khi cần thiết tránh thất thoát tài sản.
*
Ở Chí Linh, các công trình thủy lợi trọng điểm như đập Bến Tắm trong và đập Bến Tắm ngoài mực nước đều ở mức an toàn. Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thị xã đã mở các cống qua đê nhằm tháo nước trong nội đồng ra sông ngoài từ chiều 29 – 9. Đập Bến Tắm đã mở các cửa xả nước nhằm bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố tràn hay vỡ đập khi có mưa to. Riêng trạm bơm Vạn Thắng ở xã Tân Dân có 14 máy bơm với công suất 4000 m3/giờ đã sẵn sàng hoạt động liên tục để chống úng nội đồng khi có mưa lớn.
*
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, đến 15 giờ 30 phút ngày 30 - 9, trên địa bàn huyện vẫn chưa xảy ra tình trạng ngập úng. Huyện chỉ đạo 23 HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn nông dân chủ động phòng, chống úng ngập do mưa lớn sau bão.
*
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương cho biết, đến 16 giờ ngày 30 - 9, trên địa bàn tỉnh không có sự cố lớn về điện xảy ra. Các trạm biến áp 110 kV đang hoạt động bình thường. Riêng một số đường dây 10 kV trên địa bàn các huyện Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kinh Môn và một phần Thanh Miện do sự cố nhỏ (vỡ sứ) đã gây mất điện; đường dây 378 tại xã Gia Xuyên (Gia Lộc) mất điện do cành cây gẫy đổ vào… Công ty đã chỉ đạo nhanh chóng khắc phục sự cố, chỉ sau 1 giờ, việc cung cấp điện trở lại bình thường.
*
Theo Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hải Hưng, đến chiều ngày 30-9, qua kiểm tra, các ngăn kho, vùng kho tại các khu vực Cẩm Bình, Ninh Thanh, Kim Thi... vẫn được bảo quản an toàn. Để tránh thời tiết ẩm ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa, hầu hết các vùng kho đang tiến hành hút chân không và kiểm tra các hệ thống màng bảo vệ để bảo đảm thóc, gạo không bị ẩm.
Đến 4 giờ 30 chiều 30-9,
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Hải Dương cho biết, bão số 5 không gây thiệt hại về người, chỉ có lúa, rau màu bị đổ. Một số huyện, thành phố thống kê diện tích lúa, rau màu bị đổ đến chiều 30-9 như sau: Ninh Giang khoảng 350 ha lúa và 70 ha ngô; TP Hải Dương đổ hơn 100 ha lúa; Bình Giang đổ 300-400 ha lúa. Do lượng mưa ít nên tỉnh ta không có diện tích bị ngập, úng. Toàn tỉnh chỉ có huyện Ninh Giang, Thanh Miện, thị xã Chí Linh phải bơm tiêu nước.
Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương và nông dân cần khẩn trương nâng, buộc lại diện tích lúa, rau màu bị đổ, tiêu thoát nước kịp thời, không để xảy ra ngập, úng. Khẩn trương thu hoạch lúa đã chín để giải phóng đất trồng cây vụ đông. Áp dụng các biện pháp để trồng cây vụ đông trên nền đất ướt. Chuấn bị đủ nguồn giống rau màu vụ đông để gieo trồng lại khi có thiệt hại do bão gây ra.
Triển khai phương án đối phó mưa, bão, lũ
Chiều 29-9, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tỉnh Hải Dương đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, triển khai phương án đối phó mưa, bão, lũ theo kế hoạch.
Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ lúa mùa, rau màu hè thu và diện tích cây vụ đông mới trồng; phòng, chống bão cho nhà cửa, kho tàng, trường học, các công trình đang thi công, đặc biệt chú ý các nhà mái lợp tôn, mái vẩy, nhà tạm...
Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã chủ động bơm gạn tháo, hạ thấp mực nước trong các sông trục theo quy trình, triển khai đồng bộ phương án phòng, chống úng, ưu tiên cho diện tích lúa mùa sắp thu hoạch, các khu vực trồng rau màu và nuôi trồng thuỷ sản. Công ty CP Quản lý đô thị Hải Dương chống ngập úng cho TP Hải Dương. Thị xã Chí Linh bảo vệ các hồ đập và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Kiểm tra và cho đóng kín các cống dưới đê, rà soát, kiểm tra các công trình tu bổ đê điều, các bờ kênh Bắc Hưng Hải, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Công ty Điện lực Hải Dương ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng. Tổ chức thường trực, trực ban theo đúng quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. |
Quảng Ninh: Nhiều nhà tốc mái |
Nhiều tuyến đường tại Bãi Cháy, Quảng Ninh ngập lụt do mưa lớn
|
|
Gió lớn khiến nhiều cây đổ tại Quảng Ninh |
|
Mưa lớn trên quốc lộ 18
|
|
Gió lớn khiến cột biển quảng cáo xiêu vẹo |
Ông Phạm Đình Hòa, thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh, cho biết khoảng 8g sáng bão đã gây mưa to, gió trên cấp 7 và giật cấp 8-9 trên diện rộng. Đến khoảng 10g sáng, tâm bão đổ bộ vào khu vực phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả gây thiệt hại nặng cho khu vực này.
Theo thống kê sơ bộ đến 11g30, toàn tỉnh đã có 212 nhà bị tốc mái, 5 tàu thuyền bị chìm, 22 nhà mảng bị vỡ, trôi dạt trên khu vực biển và 1 tàu chở 500 tấn than chìm thuộc khu vực biển thị xã Cẩm Phả. Hơn 270 ha lúa, ngô, mía bị thiệt hại nặng...
Tại huyện đảo Cô Tô, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện cho biết đến 13g30, các lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến cứu hộ đối với một thuyền có hai ngư dân bị đứt dây neo trôi ra biển.
Tuy nhiên, do mưa gió và sóng lớn nên việc cứu hộ vẫn đang rất khó khăn, các lực lượng đều đang cố gắng hết sức để tiếp cận đưa thuyền và người vào đảo an toàn. Về thông tin có một nạn nhân tại Cô Tô tử vong trong cơn bão, ông Thành khẳng định là thông tin không chính xác vì đến thời điểm này chưa có báo cáo thiệt hại về người.
Khoảng 11g sáng, mưa to và gió mạnh đã quần thảo trên diện rộng từ khu vực huyện An Lão, Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) kéo dài sang đến các huyện Uông Bí, Yên Hưng, TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh). Nhiều cây xăng từ địa bàn huyện An Lão đã đóng cửa ngừng bán hàng, chằng chống cây xăng, nhà cửa đón bão.
Trên tuyến quốc lộ 18, mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường. Điển hình như đoạn từ Tuần Châu đến Cái Dăm (Bãi Cháy) bị úng ngập cục bộ buộc ô tô, xe máy phải đi đường vòng để tránh.
Đến 13g ngày 30-9, theo ông Phạm Đình Hòa cơn bão số 5 cơ bản đã đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh và không gây thiệt hại nặng. Hiện tỉnh đã cử các đoàn công tác do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão và giải quyết các thiệt hại do bão gây ra. Đến thời điểm này, địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn có gió mạnh và mưa lớn nhưng chưa có báo cáo thêm thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng người dân.
|
Các lực lượng bộ đội, công an của tỉnh Nam Định luôn túc trực đối phó bão |
Tại Hải Phòng, khoảng 11g sáng, mưa to và gió mạnh đã quần thảo trên diện rộng từ khu vực huyện An Lão, Thủy Nguyên kéo dài sang đến các huyện Uông Bí, Yên Hưng, TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, huyện Vân Đồn (thuộc tỉnh Quảng Ninh). Nhiều cây xăng từ địa bàn huyện An Lão đã đóng cửa ngừng bán hàng, chằng chống cây xăng, nhà cửa đón bão.
Trên tuyến quốc lộ 18, mưa lớn gây ngập nhiều đoạn đường. Điển hình như đoạn từ Tuần Châu đến Cái Dăm (Bãi Cháy) bị úng ngập cục bộ buộc ô tô, xe máy phải đi đường vòng để tránh.
10g30 trưa nay, bão số 5 bắt đầu hoành hành ở khu vực đảo Cát Hải và Cát Bà, gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10 kèm mưa lớn. Tuy nhiên, do thủy triều thấp nên sóng biển không lớn và đến thời điểm này toàn bộ tuyến đê biển trọng yếu bảo vệ thị trấn và 4 xã trên đảo vẫn an toàn.
|
Gió mạnh thổi bay mái tôn và biển quảng cáo ở bến phà Gót, thị trấn Cát Hải
|
Trước đó nhiều nhà dân ở ven tuyến đường 2B chạy dọc đê bảo vệ thị trấn Cát Hải đã ngăn bao cát trước cổng đề phòng nước biển vào nhà.
Trước đó, trong sáng 30-9, tại xã Đồng Bài, chính quyền địa phương đã vận động 290 người dân ở những nơi thấp trũng vào 5 điểm kiên cố để tránh bão.
|
Tuyến đê biển trọng yếu bảo vệ thị trấn Cát Hải vẫn an toàn
|
|
Nhiều nhà dân dọc đê biển Cát Hải đắp bao cát phòng nước biển vào nhà
|
Đến 14g, gió ở Cát Hải tăng cấp với cường độ mạnh hơn kèm mưa lớn. Sức gió lên đến cấp 11 -12, một số biển quảng cáo, mái tôn ở bến phà Gót đã bị thổi bay.
|
Các lực lượng bộ đội, công an của tỉnh Nam Định luôn túc trực đối phó bão |
Hà Nội: Hai cây xà cừ lớn bị quật ngã
Khoảng 12 giờ 30 ngày 30-9, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mưa to gió lớn đã làm đổ 2 cây xà cừ lớn ở sân khu tập thể nhà B6, thuộc phường Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội).
“May mà cây đổ giữa ban trưa, trời lại mưa nên không có ai ở sân, chứ nếu có người thì chưa biết hậu quả thế nào”, chị Nguyễn Ngọc Hà ở một căn hộ trên tầng 2 khu tập thể cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, nhà ở khu tập thể thì, “Lúc đó, trời mưa gió to, tôi đang nghỉ trưa thì nghe thấy tiếng cành cây sàn sạt rồi nghe tiếng uỳnh uỳnh. Tôi vội chạy ra thì thấy hai cây xà cừ đã đổ ra sân khu tập thể. Cột điện gãy nghiêng, chập điện nổ lốp bốp…”, ông Mạnh nói.
Lúc 13 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại đây thì điện vẫn chưa được cắt, thỉnh thoảng vẫn chập nổ sáng chói trên cây cột đổ nghiêng. Hơn 14 giờ, điện vẫn chưa được cắt mặc dù công nhân ngành điện đã có mặt. Nhiều hộ gia đình phải chủ động ngắt nguồn điện trong nhà để tránh chập cháy.
Hai cây xà cừ hơn 30 năm tuổi có tán um tùm bị bật gốc đổ ngang sân khu tập thể. Theo người dân ở đây, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị cắt tỉa cành nhưng khoảng hơn 3 năm nay, nhiều cây xanh ở khu vực nhà tập thể B6 này không được cắt tỉa tán, khi gió to kèm theo mưa nhiều ngày, đất bở nên cây bị bật gốc.
Hai cây xà cừ lớn ở sân khu tập thể nhà B6 thuộc phường Thanh Xuân Bắc đổ do ảnh hưởng của bão số 5
Cây đổ đè lên dây điện khiến cột điện cũng bị nghiêng gây chập điện
Cây bật gốc làm bung một đoạn tường rào ở sân khu tập thể
Hai cây xà cừ lớn đổ ngang, rất may vào thời điểm đó không có người ở sân nên không ai bị thương
Xà cừ là loại cây rễ chùm không ăn sâu vào đất. Tán cây nhiều năm không được cắt tỉa cộng với mưa to gió lớn, đất bở nên bị đổ |
Nam Định: trực chiến bảo vệ đêTrên đê Hải Triều, huyện Hải Hậu, tuyến đê biển xung yếu nhất của tỉnh Nam Định, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng túc trực sẵn sàng hộ đê khi bão đổ bộ.
Theo chỉ đạo từ Ban chỉ huy PCLB Trung ương, ngày từ chiều tối 29-9, tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu các huyện ven biển lên phương án và thực hiện di dân. Tại huyện Nghĩa Hưng, hơn 1.000 dân sinh sống và sản xuất nuôi ngao ngoài khu vực bãi bồi Ngọc Lâm được nhanh chóng di dời vào trong đê chính nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.
Ông Trần Văn Công, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, cho biết việc di dời nhân dân tại bãi bồi Ngọc Lâm được hoàn tất vào 23g ngày 29-9, đảm bảo tuyệt đối không còn người bám trụ tại các trại nuôi ngao. Đồng thời, huyện được sự hỗ trợ lực lượng và vật tư cùa tỉnh đã tập trung gia cố đê Cồn Xanh, tuyến đê biển có nguy cơ cao trên địa bàn huyện.
Đến 7g ngày 30-9, dù dự báo tâm bão không đổ bộ vào Nam Định nhưng tất cả các lực lượng đều được huy động lên đê Cồn Xanh sẵn sàng trực chiến.
|
Cấc thuyền bè của các ngư dân được kéo về triền đê tránh bão
|
|
Không khí khẩn trương túc trực đối phó bão |
Trong khi đó, tại đê Hải Triều, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Long đã tới thị sát. Vì vậy, chỉ đạo ứng cứu cho tuyến đê xung yếu này.
8g, các lực lượng cảnh sát cơ động, bộ đội địa phương và hàng chục thanh niên được huy động, tập trung tại trụ sở UBND xã Hải Triều chờ đón bão. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, tuyến đê này hiện chưa được bê tông hóa nên có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào nếu thủy triều lên và sóng lớn ập vào. Hàng nghìn bao tải cát, vải chống tràn, rọ đá và cừ tràm được tập kết tại chân đê sẵn sàng triển khai hộ đê.
Ngay trên triền đê phía biển, hàng chục thuyền của ngư dân được kéo lên, chằng néo vào các trụ sắt trong đê để tránh bão.
|
Người dân thôn Việt Tiến, xã Hải Triều, Nam Định chằng nhà chống bão
|
|
Các vật tư chuẩn bị tại xã Hải Triều, Nam Định
|
|
Người dân kiểm tra việc neo thuyền tránh bão tại xã Hải Triều, Nam Định
|
Trong đê, toàn bộ nhà cấp 4 đã được chằng néo, chặn bao cát lên mái nhà và có thể chịu đựng được gió to cấp 7-8, tránh thiệt hại khi bão về.
Theo ông Bùi Đức Long, đến sáng cùng ngày, toàn tỉnh có trên 8.000 dân phải di chuyển ra khỏi các vùng nguy hiểm bãi bồi và các tuyến đê xung yếu. Đến 9g, tất cả số dân này đều được thông báo và chuyển đến nơi an toàn. Đến thời điểm này, tỉnh Nam Định đã sẵn sàng đón bão.
Khẩn cấp di dời dân trước 9 giờ ngày 30-9
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư họp bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9); Cô Tô có gió mạnh 26m/s (cấp 10), giật 30m/s (cấp 11); Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh 12m/s (cấp 6); giật 17m/s (cấp 7); Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 25m/s (cấp 10), giật 29m/s (cấp 11); Thái Bình có gió mạnh 11m/s (cấp 6); giật 18m/s (cấp 8). Chiều 29-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn bàn và triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 5 (tên quốc tế là bão Nesat). Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, đây là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm, các bộ ngành liên quan, địa phương và người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của bão phải chủ động, quyết liệt đề phòng, hạn chế đến mức thấp nhấp có thể thiệt hại do thiên tai gây ra. Phó thủ tướng yêu cầu cấm biển từ chiều nay đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tại các nơi neo đậu, nếu không đủ chỗ cho tàu thuyền trú tránh bão, địa phương phải tổ chức kéo tàu lên bờ. “Phải kiên quyết đưa người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ lên bờ an toàn trước 20 giờ tối nay. Việc sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm, chậm nhất phải hoàn thành trước 9 giờ sáng mai”, Phó thủ tướng chỉ đạo. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa bão, quyết định cho học sinh nghỉ học trong ngày mai, tiến hành tiêu nước đệm trên đồng ruộng, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, chuẩn bị lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn… sẵn sàng “đón” bão. Phó thủ tướng quyết định thành lập 3 đoàn công tác của trung ương, sau cuộc họp sẽ lên đường về các địa phương trọng yếu để chỉ đạo và tham gia phòng chống bão. Theo đó, một đoàn do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chủ trì sẽ về Quảng Ninh, một đoàn do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn sẽ về Nam Định và Thái Bình, đoàn còn lại sẽ về Hải Phòng.
|
Hải Dương Online