Do ảnh hưởng của bão số 5, từ chiều tối 17-8 và rạng sáng 18-8, ở Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Rạng sáng 18-8, bão số 5 đã đi sâu vào đất liền thuộc các tỉnh đông bắc Bắc Bộ, suy yếu và tan dần. Tuy nhiên, bão đã gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10, gây mưa vừa, mưa to đến rất to ở một số tỉnh. Chủ động đối phó với mưa bão
Tính đến 1 giờ ngày 18-8, tổng lượng mưa đo được phổ biến trong khoảng từ 70 – 100 mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 185mm; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 187mm; Đại Từ (Thái Nguyên) 127mm; Sơn Tây (Hà Nội) 159mm; Tại Móng Cái (Quảng Ninh) có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 25m/s (cấp 10); Quảng Hà 17m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); Phủ Liễn 12m/s (cấp 6), giật 21 m/s (cấp 9); ở Cô Tô 15m/s (cấp 7), giật 25m/s (cấp 10); đảo Bạch Long Vĩ 16m/s (cấp 7), giật 24m/s (cấp 9); Lạng Sơn 12m/s (cấp 6), giật 20m/s (cấp 8).
Để chủ động đối phó với bão số 5, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã và các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, có phương án chuẩn bị cho việc nước các triền sông sẽ dâng lên do mưa sau bão. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã chủ động bơm gạn, tháo, hạ thấp mực nước trong các sông trục theo quy trình và triển khai phương án phòng, chống úng, trong đó ưu tiên chống úng cho lúa mùa, các khu rau, màu, khu nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt là khu ngoài bãi sông. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng. Các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành tăng cường kiểm tra các trọng điểm phòng, chống lụt, bão để chủ động triển khai phương án bảo vệ, xử lý.
Hà Nội: Bão số 5 đổ bộ gây nhiều thiệt hại
Do ảnh hưởng của bão số 5, đêm 17 và rạng sáng 18-8, khu vực Hà Nội có mưa với cường độ lớn kèm theo gió giật mạnh. Nhiều tuyến đường bị ngập chìm trong nước. Gió mạnh làm nhiều cây bị gãy đổ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Sự việc đau lòng xảy ra vào khoảng 17 giờ 15 ngày 17-8, tại trước cửa ngôi nhà số 95 Lò Đúc, P.Phạm Đình Hổ, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.
Theo những người dân sinh sống trong khu vực, đồng thời chứng kiến từ đầu sự việc kể lại, thời điểm trên trời mưa to kèm gió lớn, chiếc taxi 4 chỗ mang BKS 29A-268.80 của hãng Mai Linh đang lưu thông theo chiều Lò Đúc - Phan Chu Trinh, thì một cây xà cừ cổ thụ có thân vài người ôm bất ngờ bật gốc, rồi đổ ụp xuống lòng đường.
Thân cây xà cừ đổ chắn ngang lòng đường cũng là lúc chiếc taxi vừa lao tới. Hậu quả chiếc taxi bị biến dạng, còn người tài xế được xác định tên Tuấn Anh, khoảng 30 tuổi, tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng cảnh sát giao thông, Công an Q.Hai Bà Trưng cũng đã kịp thời có mặt bảo vệ hiện trường, phong tỏa hai đầu đường dẫn tới vị trí cây đổ. Cùng thời gian trên, Công ty Cây xanh Hà Nội cũng đã cử người tới cắt tỉa thân, cành để đưa thi thể người lái xe xấu số ra khỏi xe.
Tới 18 giờ 30 phút, các nhân viên của Công ty Cây xanh Hà Nội vẫn khẩn trương dùng cưa máy để cưa các phần thân cây thành nhiều đoạn nhỏ để nhanh tróng đưa chiếc xe ra ngoài.
Được biết, vào thời điểm xảy ra sự việc, trên chiếc taxi chỉ có người tài xế.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Cũng trong con mưa chiều 17-8, một cây xanh đầu đường Trần Huy Liệu (Q.Ba Đình) cũng đã bị đổ. Thân cây này bị đổ kéo theo hai chiếc cột điện gãy gập và đè vào đầu một chiếc taxi 4 chỗ mang BKS 30L-4649, tuy nhiên người tài xế này đã may mắn thoát nạn.
May mắn hơn, tài xế chiếc taxi này đã thoát được
|
Toàn TP.Móng Cái mất điện
Khoảng 18 giờ chiều 17-8, do ảnh hưởng của bão số 5 đang trên đường “nhằm” thẳng vào TP.Móng Cái, toàn thành phố đã bắt đầu có mưa to từng đợt, gió mạnh. Để đảm bảo an toàn trong mưa bão, từ 17 giờ, Móng Cái đã chủ động cắt điện.
Lúc 19 giờ cùng ngày, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Tại Móng Cái, hiện đã có mưa rất to, ồ ạt từng đợt. Gió cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 11. Đây là cơn bão đi rất nhanh, mỗi giờ đi được từ 25 - 30 km và có diễn biến rất phức tạp nên chúng tôi đang tập trung theo dõi và chỉ đạo sát sao tình hình. Một số phương án tìm kiếm cứu nạn và đối phó với cơn bão số 5 đã sẵn sàng. Theo tính toán của chúng tôi, mưa bão sẽ còn kéo dài trong cả buổi tối hôm nay”.
Trước đó, TP.Móng Cái đã chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện như phao cứu sinh, áo phao, rọ sắt, đá hộc, bao tải, nhà bạt, xuồng cứu nạn… để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong bão.
1.258 phương tiện tàu, thuyền đã về nơi neo đậu. Gần 2.000 đò vận tải trên sông Ka Long đã được di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. 5 hồ chứa Tràng Vinh, Quất Đông, Kim Tinh, Đoan Tĩnh, Dân Tiến đã được kiểm tra, rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn.
Hiện có 86 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu nằm trong vùng có thể xảy ra nguy hiểm đã có phương án sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi có sự cố xảy ra.
|
Ngoài Móng Cái là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 5, các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh như Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên và huyện đảo Cô Tô cũng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão.
Tính đến trước 16 giờ chiều 17.8, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Quảng Yên đã vào bờ tránh trú an toàn; các khu nuôi trồng thủy sản đã có phương án phòng chống khi bão đổ bộ. Toàn bộ ngư dân đã lên bờ; các tuyến đê, cống dưới đê được gia cố, sửa chữa kịp thời.
Tại Cô Tô, tính đến 15 giờ chiều 17.8, đã có khoảng 500 phương tiện thủy (tàu, bè, mủng, mảng...) đã về nơi tránh trú bão an toàn tại Vụng Kho Gạo (Cô Tô).
Hải Phòng: Cây to gãy đổ, một số tuyến đường ngập lụt
Khoảng 16 giờ chiều 17-8, Hải Phòng đã bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 5, mưa bắt đầu to gây ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường chính. Gió cũng mạnh dần khiến một số cây to bị đổ.
Tại huyện đảo Cát Hải, từ chiều 17-8, gió đã mạnh lên cấp 6 đến cấp 7.
Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã yêu cầu một số tàu biển neo đậu tại khu vực Bến Gót, Ninh Tiếp… di chuyển về nơi tránh, trú bão an toàn.
Các ngành, các địa phương, lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố cũng đã có kế hoạch, phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện như bố trí lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hơn 28.000 người, 20.000 tấn lương thực, 12.000 áo phao... sẵn sàng tham gia ứng phó cơn bão.
|
|