Bão số 3 tàn phá nặng nề hạ tầng giao thông với ước tính thiệt hại lên tới 3.000 tỷ đồng.
Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng
Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 70 năm qua càn quét đất liền Việt Nam, ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa.
Thống kê các cơn bão trong 30 năm qua, bão số 3 gây thiệt hại về người đứng thứ ba, chỉ sau Linda (1997) và Frankie (1996).
Còn Bộ Kế hoạch - Đầu tư tạm tính đến ngày 21/9, thiệt hại kinh tế do cơn bão này gây ra ước tính 61.000 tỷ đồng - tương đương 65% tổng mức đầu tư của tuyến đường vành đai 4 đi qua Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Bên cạnh thiệt hại về người thì bão số 3 cũng tàn phá nặng nề hệ thống hạ tầng giao thông. Núi lở, đá trôi vùi lấp 4.177 vị trí làm nhiều tuyến giao thông tê liệt, hơn 700 cảng, bến thủy không đảm bảo an toàn buộc phải dừng hoạt động, hàng trăm điểm sạt lở buộc phải hủy hàng chục chuyến tàu hỏa.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, bão số 3 gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc trong đó có 4.177 vị trí đoạn đường bị thiệt hại và ảnh hưởng với 3.924 vị trí bị thiệt hại do sạt lở đất, sụt nền đường, đứt đường và hư hỏng cầu cống, 253 vị trí mặt đường bị ngập nước. Hàng trăm biển báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ và nhiều hư hại khác cần được sửa chữa và thay thế.
Đáng lưu ý, ở Phú Thọ xảy ra sập 2 nhịp cầu Phong Châu. Ngoài ra, do mưa lũ, nước dâng cao, chảy xiết 4 cầu khác trên một số tuyến quốc lộ phải dừng khai thác.
820 vị trí ách tắc giao thông, trong đó có 567 vị trí do sạt lở, sụt nền đường hư hỏng cầu cống, và 253 vị trí do nước lũ dâng.
Theo tính toán ban đầu của Cục Đường bộ ước tính thiệt hại cần khắc phục khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí đảm bảo giao thông gồm chi phí để hót sụt, đắp lại nền đường, xây dựng tạm đường tránh, cầu, cống tạm, bổ sung thay thế biển báo hiệu và khôi phục giao thông tạm trên các quốc lộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng.
Để xây dựng lại các tuyến quốc lộ bị thiệt hại, hư hỏng do bão, mưa lũ, sạt lở đất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ước tính 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu).
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, thống kê ban đầu cho thấy bão số 3 có trên 30 vị trí sạt lở, đất lấp đường sắt, trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá.
Hàng trăm vị trí cây đổ vào đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu đường sắt, nhiều máy móc, thiết bị thông tin tín hiệu đường sắt bị hư hỏng do ngập nước. 22 chuyến tàu hàng và 54 chuyến tàu khách trên các tuyến đường sắt: Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (đoạn Hà Nội – Vinh), Yên Viên - Lào Cai, Gia Lâm - Hải Phòng đã phải hủy ước tính thiệt hại 28 tỷ đồng.
“Kinh phí khắc phục dự kiến trên 130 tỷ đồng”, ông Trần Thiện Cảnh thông tin.
Chạy đua mở đường, thông tuyến
Trong suốt đợt bão, nhiều công điện của Bộ GTVT liên tục được ban hành, chế độ ứng trực 24/24h với phương châm “4 tại chỗ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các chỉ đạo từ Bộ.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, trước, trong và sau bão Bộ đã liên tục chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất.
Đặc biệt với những tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối vùng dân cư còn bị cô lập, các trục giao thông chính được xác định phải chạy đua với thời gian với mục tiêu thông đường sớm nhất.
Khu Quản lý đường bộ I, đơn vị quản lý hầu hết các tuyến quốc lộ thuộc các tỉnh phía Bắc “hứng trọn” sự tàn phá của cơn bão số 3, trong đó cả Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) bị lũ cuốn phăng. Các tuyến đường dẫn vào làng đều sạt lở, ách tắc. Lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được hiện trường.
Nhớ về những ngày cam go nhất, đại diện Khu Quản lý đường bộ I cho biết ngay khi nhận tin, trực tiếp giám đốc Khu đã đến hiện trường trong đêm để huy động toàn bộ lực lượng, máy móc thiết bị của các đơn vị hót dọn.
“Thực hiện vào ban đêm, trời tối, điện mất, mưa vẫn còn, nguy cơ sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Chúng tôi vừa phải chạy đua từng giờ từng phút nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho anh em thực hiện nhiệm vụ. Đến 23 giờ thông tạm xe 1 làn. Cùng thời điểm này, lực lượng cứu hộ, y tế từ Lào Cai đã về được đến Phố Ràng, sau đó lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí sạt lở ngay trong đêm”, đại diện Khu Quản lý đường bộ I cho hay.
Thông tin từ Khu Quản lý đường bộ I cho biết, hiện nay các tuyến quốc lộ đã thông xe hoàn toàn. Tuy nhiên công tác sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng giao thông còn cần thời gian, kinh phí. Theo tính toán của Bộ GTVT, ước tính cần 3.000 tỷ để sửa chữa, khôi phục.
Nói về công tác khắc phục hậu quả do bão, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cấp bổ sung kinh phí (từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương) để bộ tổ chức triển khai sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ cũng đề nghị các địa phương phối hợp hỗ trợ cơ quan quản lý đường bộ trong việc bố trí khu vực đổ đất, đá bị sụt trượt, tạo thuận lợi cho công tác khắc phục sự cố sụt trượt taluy; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp khắc phục hư hỏng lớn phải mở rộng đường về phía taluy dương hoặc cả tuyến để đảm bảo an toàn.
T.H (tổng hợp)