Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 10 sẽ mạnh cấp 12 và giật cấp 13 khi đổ bộ vào các khu vực Trung bộ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ngày 29-9, bão số 10 (bão Wulip) di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, sau đó có khả năng đổi hướng theo hướng Tây, đến 16h, vị trí tâm bão trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (từ 118 - 149km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi từ chiều nay (29-9) gió sẽ mạnh dần lên đến cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua gió giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng biển vịnh Bắc Bộ từ sáng sớm ngày mai (30-9) có gió mạnh dần lên đến cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Từ trưa mai, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm hôm nay có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triền cao 3 - 4 mét.
Hình ảnh đường đi của cơn bão số 10. (Ảnh: nchmf) |
* Chiều 28-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 71 yêu cầu các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ; tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; tăng cường công tác tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các tình huống có thể xảy ra; thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin trên để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.
Trước đó, 10h sáng ngày 28-9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã có Công điện số 70 yêu cầu các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh chủ động xác định thời điểm cấm biển, cũng như chỉ đạo việc thu hoạch ngay các trà lúa đã chín để hạn chế thiệt hại.
Các tỉnh ven biển phải tổ chức neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, các chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; kiểm tra, rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.
(Nguồn: CAND)