Chiều 16.6, Báo Hưng Yên kỷ niệm 80 năm xuất bản số đầu (tháng 6.1943-tháng 6.2023).
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tặng hoa chúc mừng Báo Hưng Yên
Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên tới dự.
Diễn văn do đồng chí Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Tổng Biên tập Báo Hưng Yên đọc tại lễ kỷ niệm đã ôn lại lịch sử 80 năm truyền thống vẻ vang của báo Hưng Yên. Tháng 6.1943, báo Bãi Sậy, cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh ra số đầu, là tiền thân của báo Hưng Yên ngày nay. Tên báo Bãi Sậy với ý nghĩa kế thừa truyền thống chống giặc ngoại xâm của cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thế kỷ XIX do Nguyễn Thiện Thuật đứng đầu, thể hiện quyết tâm phát huy truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh. Trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, hết sức khó khăn nhưng báo Bãi Sậy vẫn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trực tiếp biên soạn, xuất bản.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trao bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên với dòng chữ "Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" cho Báo Hưng Yên
Sau khi phát hành 10 số báo, phong trào cách mạng ở Hưng Yên bị khủng bố. Báo Bãi Sậy phải ngừng xuất bản. Tuy vậy, những số báo đầu tiên đã gây được tiếng vang, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, củng cố lòng tin tưởng của quần chúng vào sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Ngày 19.12.1946, để động viên, kêu gọi toàn dân hưởng ứng cuộc kháng chiến toàn quốc, báo Bãi Sậy được tái bản.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên trao bằng khen cho Báo Hưng Yên
Sau đó, báo Bãi Sậy có một số lần đổi tên. Ngày 1.3.1962, theo gợi ý của Bác Hồ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên quyết định đổi tên báo Tên lửa thành báo Hưng Yên. Thời kỳ 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng, những người làm báo của tỉnh hợp nhất cùng chung vai gánh vác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tháng 1.1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Ngày 2.1.1997, báo Hưng Yên số đầu (bộ mới) được xuất bản.
Đồng chí Lê Công Tuấn, Tổng Biên tập Báo Hưng Yên phát biểu tại buổi lễ
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Báo Hưng Yên không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, báo Hưng Yên (báo in) được xuất bản 5 kỳ/tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) với số lượng hơn 18.300 tờ/kỳ. Báo điện tử Hưng Yên có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, thường xuyên đăng tải, cập nhật kịp thời, toàn diện thông tin, sự kiện thời sự, vấn đề dư luận quan tâm. Báo Hưng Yên cũng phát triển mạnh các trang trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Báo Hưng Yên hiện có tổng số 45 cán bộ, viên chức, người lao động.
Các đại biểu nhấn nút ra mắt giao diện mới của báo điện tử Hưng Yên
Ở thời kỳ nào, Báo Hưng Yên cũng luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh. Báo tích cực động viên các phong trào thi đua yêu nước, phản ánh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến; đồng thời quan tâm phản ánh, đấu tranh chống tiêu cực, lạc hậu, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch. Không chỉ thực hiện tốt vai trò, chức năng là cơ quan ngôn luận, công cụ của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, Báo Hưng Yên còn là diễn đàn của đông đảo nhân dân trong tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị
Với những thành tích, cống hiến của các thế hệ làm báo trong 80 năm qua, Báo Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; Chính phủ tặng Cờ thi đua, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên tặng nhiều bằng khen...
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên biểu dương, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Báo Hưng Yên với sự nghiệp xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị tỉnh Hưng Yên trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua.
Các đồng chí: Vũ Đình Khản, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Hưng, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương; Nguyễn Hà Cừ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hải Hưng, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương dự lễ kỷ niệm
Nhấn mạnh nhiệm vụ, yêu cầu thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị Báo Hưng Yên phải luôn coi trọng tính đảng, tính định hướng, không ngừng đổi mới, bám sát thực tiễn, phản ánh nhanh nhạy sự kiện, vấn đề thời sự, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển Hưng Yên ngày càng giàu mạnh, văn minh. Báo đi sâu phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; mở các chuyên mục được bạn đọc quan tâm; tích cực phản ánh các vấn đề dân sinh; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch; làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn tốt, đạo đức trong sáng, tích cực học tập và làm theo phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tăng cường chuyển đổi số toàn diện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Nhân dịp này, Báo Hưng Yên vinh dự đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng bằng khen cho Chi hội Nhà báo Báo Hưng Yên vì thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và hoạt động hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tặng bức trướng với dòng chữ "Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" cho Báo Hưng Yên. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên tặng bằng khen cho 3 tập thể, 2 cá nhân.
Tại buổi lễ, giao diện mới của báo điện tử Hưng Yên được ra mắt với hình thức hấp dẫn.
NINH TUÂN - THÀNH CHUNG