Bảo hộ công dân ở nước ngoài: Thực thi pháp luật trên cơ sở đạo lý

30/11/2019 15:37

Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư.

Các thực tập sinh Việt Nam tại Công ty TNHH May Yasuda (TP Sukagawa, Nhật Bản). Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN

Quy định pháp lý đồng bộ

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở khắp các châu lục trên thế giới. Với số lượng người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài mỗi năm một tăng với nhiều mục đích khác nhau đặt ra yêu cầu về sự chặt chẽ và đồng bộ trong các văn bản pháp lý về công tác bảo hộ người Việt Nam di cư ra nước ngoài.

Theo các tiêu chí phân loại của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO), người Việt Nam di cư ra nước ngoài về cơ bản cũng bao gồm di cư lao động quốc tế theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; di cư học tập; di cư do kết hôn với người nước ngoài hoặc có quốc tịch nước ngoài; di cư vì được nhận làm con nuôi; di cư thông qua tệ nạn buôn bán người (bất hợp pháp).

Nhà nước Việt Nam có chính sách nhất quán là thúc đẩy di cư hợp pháp, chống di cư trái phép, tạo điều kiện thuận lợi cho di cư trong nước và di cư quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có người Việt Nam nhập cư. Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.”

Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Theo số liệu của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 53 văn bản luật và dưới luật liên quan đến di cư.

Pháp luật hiện hành về cơ bản đã có những quy định tương đối cụ thể nhằm bảo hộ các quyền về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi ích chính đáng khác của công dân khi sinh sống, lao động, học tập, kết hôn… ở nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam mong muốn tăng cường sự hợp tác hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan trong việc thúc đẩy di cư hợp pháp, phòng, chống di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư và kiên quyết đấu tranh với nạn buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em bất hợp pháp, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Nhìn từ góc độ pháp luật, việc bảo hộ công dân được đặt ra khi các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài bị xâm phạm.

Trách nhiệm bảo vệ công dân còn bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà Nhà nước dành cho công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, bao gồm những hoạt động mang tính công vụ như cấp phát hộ chiếu, giấy tờ hành chính cho công dân; các hoạt động có tính chất trợ giúp như giúp đỡ về tài chính cho công dân khi họ gặp khó khăn, giúp đỡ công dân trong việc chuyển thông tin, bảo quản giấy tờ, tài sản…; thăm hỏi lãnh sự khi công dân bị bắt, bị giam, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nước mình trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật quốc gia sở tại hoặc luật pháp quốc tế.

Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác quản lý di cư.

Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 26.3.2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhấn mạnh Việc bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước Việt Nam đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con Việt kiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (điều 17 khoản 3), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài số 33/2009/QH12 ngày 18.6.2009 (Điều 8 và Điều 9)…

Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 25.7.2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài với 20 tỷ đồng chi cho các hoạt động ban đầu của công tác này.

Tiếp đó, ngày 20.9.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1737/CT-TTg về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ra nước ngoài trong tình hình hiện nay. Chỉ thị đã quy định nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành hữu quan và UBND các địa phương trong công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam trong suốt quá trình di cư ra nước ngoài.

Bộ Ngoại giao là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước đối với công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước.

Lao động từ Libya về đến sân bay Nội Bài trong chiến dịch giải cứu năm 2011. Ảnh: TTXVN

Cơ quan đại diện ngoại giao: Điểm tựa của người Việt ở nước ngoài

Thực tế thời gian qua cho thấy Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là giúp đỡ khẩn cấp khi cần thiết.

Năm 2011, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch giải cứu 10.400 lao động Việt Nam tại Libya sau khi tại nước này xảy ra sự biến động lớn về chính trị-xã hội.

Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi với nhiệm vụ sơ tán người lao động Việt Nam tại Libya và đưa về nước. Đại sứ Việt Nam tại Libya đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng đại diện của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) và đề nghị IOM hỗ trợ, giúp đỡ cho lao động Việt Nam. Hàng nghìn lao động Việt Nam được về nước an toàn bằng đường bộ, đường hàng không và đường thủy.

Trong vụ 10 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Đài Loan (Trung Quốc) bị cảnh sát Nam Phi bắt và xét xử ở Cape Town ngày 5.5.2009, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã đưa ra những phương án bảo hộ phù hợp, hiệu quả nhất. Kết quả, 10 thuyền viên này đã được đưa về nước an toàn vào ngày 22.6.2009.

Cơ quan lãnh sự Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc xử lý nhanh, có tình có lý trong vụ việc cô dâu người Việt là Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng tâm thần Hàn Quốc sát hại vào tháng 7.2010.

Ngày 28.12.2018, 15 công dân Việt Nam đi du lịch ở Ai Cập gặp nạn. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân nhanh chóng và hiệu quả, giúp các du khách ổn định tâm lý và nhanh chóng được trở về đoàn tụ với gia đình ngay trong những ngày đầu năm mới 2019.

Làm hết sức mình trong vụ 39 người thiệt mạng tại Anh

Như đã đưa tin, tối 7.11, trong lời chia buồn gửi tới gia đình 39 người Việt thiệt mạng trên xe chở container ở Anh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng: "Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này, không để tái diễn, sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội."

Trước đó, ngày 5.11, trong phiên họp của Chính phủ, đề cập vụ việc xảy ra tại hạt Essex (phía đông bắc London) Thủ tướng khẳng định chúng ta cố gắng làm hết sức mình trong công tác bảo hộ công dân! Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý vụ việc, trước hết là động viên thân nhân của các nạn nhân, hỗ trợ tối đa trong khả năng của mình.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng dẫn đầu đã sang Anh từ ngày 3.11 để phối hợp với các cơ quan liên quan của Anh đẩy nhanh tiến trình xác minh nhân thân.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đã tích cực phối hợp UBND các địa phương liên quan trong quá trình xác minh nhân thân, tổng hợp nguyện vọng của 39 gia đình có thân nhân thiệt mạng tại Anh, hướng dẫn gia đình các nạn nhân thực hiện quy định của pháp luật Anh để làm thủ tục nhận thi thể hoặc tro cốt người bị nạn.

Từ khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương của Việt Nam cũng như phía Anh để hỗ trợ các gia đình nạn nhân trong việc giải quyết hậu sự trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với luật pháp quốc tế, các quy định pháp luật và tập quán của hai nước.

Việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm pháp định của Nhà nước. Nhưng để có những hành trình an toàn khi ở nước ngoài, để không tái diễn những vụ việc đau lòng như câu chuyện xảy ra với 39 nạn nhân tử vong trên xe container ở Anh vừa qua, trước hết, mỗi công dân Việt Nam cần chọn cho mình hình thức xuất cảnh, di cư hợp pháp, luôn tuân thủ pháp luật nước sở tại cũng như liên hệ kịp thời với cơ quan lãnh sự Việt Nam tại địa bàn khi cần được bảo vệ, hỗ trợ.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hộ công dân ở nước ngoài: Thực thi pháp luật trên cơ sở đạo lý