Mặc dù thực hiện được hơn 3 năm nhưng do còn nhiều vướng mắc trong thực hiện luật dẫn tới tình trạng nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với BHYT.
Bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Qua hơn 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đã khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần trong sự phát triển của ngành y tế. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc trong thực hiện luật dẫn tới tình trạng nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với BHYT.
Những kết quả bước đầu Kể từ ngày Luật BHYT có hiệu lực thi hành, nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHYT được nâng lên, vì vậy số người tham gia BHYT luôn tăng theo từng năm. Năm 2009, toàn tỉnh mới chỉ có gần 947 nghìn người tham gia các loại hình BHYT, chiếm 55% số dân, thì đến cuối năm 2012, toàn tỉnh đã có trên 1 triệu người tham gia BHYT, chiếm 62% số dân. Đặc biệt, số lượng người tham gia BHYT tự nguyện tăng nhanh, năm 2012 toàn tỉnh đã có 71.674 người tham gia, tăng gấp đôi số lượng người tham gia BHYT năm 2009. Tổng quỹ BHYT toàn tỉnh trong hơn 3 năm đạt hơn 1.740 tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có 50 cơ sở y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT, trong đó, có 10 cơ sở tuyến tỉnh, 5 cơ sở y tế tư nhân và 256 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Trong 3 năm qua, các cơ sở khám, chữa bệnh bằng BHYT đã từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nhân lực đủ điều kiện được bổ sung các dịch vụ kỹ thuật mới phục vụ người bệnh có thẻ BHYT. Hiện tại, các bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, mắc bệnh tiểu đường, đều được điều trị ngay tại tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai 1.448 dịch vụ phục vụ người có thẻ BHYT. Các loại thuốc sử dụng với số lượng lớn và thiết yếu đã được tổ chức đấu thầu tập trung, giá thuốc ngoài danh mục thầu được Sở Y tế kiểm soát tích cực. Trong hơn 3 năm qua, đã có gần 8 triệu lượt người khám, chữa bệnh bằng BHYT với tổng chi phí hơn 1.620 tỷ đồng. Do thực hiện tốt công tác thu chi, nên từ năm 2010 đến nay, quỹ khám, chữa bệnh BHYT luôn được cân đối và có kết dư.
Có được những kết quả trên là do trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền về BHYT tới người dân. BHXH các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên cử cán bộ tới tận các doanh nghiệp, đơn vị mới thành lập để tuyên truyền người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHYT. BHXH tỉnh cũng đã xây dựng 5 mẫu hướng dẫn chế độ khám, chữa bệnh BHYT, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đều công khai thông báo giá thu một phần viện phí, sơ đồ, quy trình khám, chữa bệnh, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT…
Vẫn còn nhiều vướng mắcTuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật BHYT cũng còn nhiều vướng mắc, khiến nhiều người dân chưa mặn mà với BHYT. Trước hết là việc phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT chưa được thực hiện theo đúng lộ trình, nhiều người lao động, đơn vị sử dụng lao động và các đối tượng trong diện phải tham gia BHYT nhưng vẫn không tham gia. Nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHYT cho người lao động, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Dưới các hình thức như ký hợp đồng lao động có thời gian dưới 3 tháng hoặc khai người lao động đang trong diện học việc nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã không đóng BHYT cho người lao động. Việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi còn nhiều khó khăn do cơ chế quản lý phức tạp. Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu nhân dân. Theo quy định của luật, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu là ở tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, năng lực của y tế tuyến xã còn nhiều hạn chế cả về nhân lực, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Do đó, chưa đáp ứng được mục tiêu đưa nhiều thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu về tuyến cơ sở. Việc phải thực hiện cùng chi trả theo các mức 5- 20% tùy theo nhóm đối tượng và phần chi phí người bệnh phải thanh toán đối với các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn nếu vượt mức 40% tháng lương tối thiểu đã tạo nên những khó khăn nhất định cho người bệnh, nhất là người nghèo, người mắc các bệnh mạn tính… Theo quy định của Luật, đối tượng tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh bằng BHYT nếu xuất trình thẻ nhưng không đúng tuyến vẫn được hưởng BHYT theo mức quy định. Quy định này đã dẫn tới một số lượng lớn người bệnh tự đi khám, chữa bệnh tại tuyến trung ương, số chi phí này vẫn được đối trừ vào quỹ khám, chữa bệnh BHYT tuyến dưới, do đó gây ảnh hưởng tới việc cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Mặt khác, những bất cập trong chính sách về thuốc, công tác đấu thầu thuốc hiện tại đang làm cho giá thuốc cao, danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả quá rộng mà lại thiếu các hướng dẫn chỉ định điều trị nên không có căn cứ để giám sát quá trình sử dụng thuốc tại bệnh viện. Vì vậy, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn gần 38% số dân chưa tham gia BHYT.
Việc khám, chữa bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Ảnh: Vũ Hạnh
Để thực hiện theo đúng lộ trình đến năm 2020 có 80% số dân tham gia BHYT, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT tới người dân. Cần tăng chế tài trong thực hiện Luật BHYT, giúp cơ quan chức năng thực hiện chính sách BHYT bảo đảm có hiệu quả nhiệm vụ thu BHYT và quản lý, sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, nhất là quản lý về thuốc. Đầu tư, nâng cấp toàn diện các cơ sở y tế, nhất là tuyến cơ sở, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao y đức tạo lòng tin với người dân. Cần có chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia BHYT, hoặc chưa tham gia hết số lao động, lập hồ sơ tham gia BHYT chậm so với thời gian thực tế làm việc, chây ỳ, trốn đọng, nợ quỹ BHXH, BHYT.
TÂM PHÚC