Ngay sau khi nhận được danh sách, Bảo hiểm xã hội sẽ nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ đến người lao động theo các mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ xác nhận cho doanh nghiệp, người lao động dừng việc hoặc dừng đóng bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong những ngày đầu tháng 10 này, cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố đã huy động lực lượng, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức tích cực rà soát dữ liệu, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để gửi đến các doanh nghiệp cho người lao động kịp thời rà soát, bổ sung thông tin.
Theo quy trình, khi nhận được danh sách người lao động đề nghị nhận hỗ trợ đã được bổ sung thông tin, trong đó có thông tin về số tài khoản ngân hàng do doanh nghiệp gửi, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ nhanh chóng chuyển tiền hỗ trợ đến người lao động theo các mức hưởng tương ứng với thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Hỗ trợ kịp thời người lao động trong lúc khó khăn
Phấn khởi khi chứng kiến người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp của công ty nhận được tiền chi trả hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển tới, anh Hồ Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thanh Trang (Phú Yên) chia sẻ tất cả công nhân công ty đã nhận được tiền hỗ trợ. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã nhiệt tình hướng dẫn công ty hoàn thiện hồ sơ cho người lao động, thủ tục hồ sơ đơn giản và nhận tiền rất nhanh.
Nghỉ việc tại Công ty CP An Hưng (Phú Yên) từ tháng 11.2020 và có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp còn bảo lưu là 11 tháng, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết chị làm thủ tục đề nghị hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp qua giao dịch điện tử vào lúc 21 giờ 43 ngày 3.10.2021, đến khoảng 17 giờ ngày 7.10.2021, tài khoản chị đã thông báo nhận được 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà chị được hưởng.
Hiện chị chưa tìm được việc làm mới nên khoản hỗ trợ được chi trả kịp thời này đã giúp chị có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình, phần nào vơi bớt những khó khăn do dịch bệnh kéo dài mấy tháng qua.
Không chỉ anh Nam, chị Hằng mà rất nhiều người lao động đều có chung niềm vui khi nhận được tin nhắn thông báo nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Phương Nga, nhân viên kế toán Công ty CP Tư vấn đầu tư Nguyên Đức (tỉnh Nghệ An), cho biết chị tiếp cận chính sách này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và cả trực tiếp từ cán bộ chuyên quản của cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Là kế toán của công ty, ngay sau khi nhận được danh sách do Bảo hiểm xã hội tỉnh gửi, trên cơ sở thông tin kê khai, cập nhật của người lao động, chị Nga đã thực hiện đối chiếu, rà soát cẩn thận lại thông tin của từng người lao động trong công ty rồi gửi lại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả người lao động của Công ty Nguyên Đức đã nhận được tiền hỗ trợ.
“Bản thân tôi có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 134 tháng, được nhận số tiền hỗ trợ tương ứng 3,3 triệu đồng. Tôi không nghĩ là được nhận tiền sớm như thế này. Đây thật sự là nguồn động viên lớn cho bản thân tôi cũng như những người lao động trong công ty,” chị Nga cho hay.
Huy động tổng lực triển khai chính sách
Tập trung cao độ, huy động tổng lực triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến với người lao động, không quản ngày đêm, kể cả trong ngày nghỉ, các cán bộ, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên khẩn trương, tập trung rà soát, cập nhật, đối chiếu… bảo đảm chuyển tiếp hồ sơ nội bộ với phương châm nhanh nhất, hiệu quả nhất, giúp người lao động sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: PV/Vietnam+
Riêng bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính được tăng cường lực lượng vừa tiếp nhận, hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng VssID để đối chiếu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của bản thân, vừa nhập hồ sơ vào phần mềm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến, giúp người lao động không mất thời gian, công sức giao dịch trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tính đến hết ngày 7.10, toàn tỉnh có 1.336 lao động đã được đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thủ tục nhận hỗ trợ; riêng lao động dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp đã có 1.008 người đăng ký.
Với quyết tâm cao đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động của Bảo hiểm xã hội tỉnh, dự kiến, số người được hưởng chính sách hỗ trợ lần này sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới…
Còn tại TP Hồ Chí Minh, dù là những ngày cuối tuần nhưng nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn đang rất nỗ lực rà soát, gửi danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận thông tin để kịp thời chi hỗ trợ, giúp người lao động sớm có thêm chi phí vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp này.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết địa phương là nơi bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nên số lao động thất nghiệp cũng lớn nhất cả nước. Bảo hiểm xã hội thành phố đã sơ bộ thống kê, hiện thành phố có khoảng 3 triệu lao động, bao gồm lao động làm việc tại 84.000 doanh nghiệp và lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lần này, với kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng, chiếm 23% so với toàn quốc.
Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến ngày 5.10 cho thấy sau 5 ngày quyết liệt triển khai, toàn ngành đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ ngày 1.10.2021 đến ngày 30.9.2022) đối với 381.925 doanh nghiệp (tương ứng khoảng 10,46 triệu người lao động) với tổng số tiền trên 7.653 tỷ đồng. Đồng thời đã có 7.416 người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 20,5 tỷ đồng.
Từ những ghi nhận thực tế trên, có thể thấy Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước với người lao động trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh; góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống… Việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đã giúp họ có thêm nguồn chi phí chia sẻ khó khăn và củng cố thêm niềm tin vào hệ thống an sinh của đất nước.
Theo TTXVN