Bạo hành trẻ em: S.O.S

11/05/2011 08:12

Hành hạ trẻ em có thể xảy ra dưới rất nhiều hình thức, từ đối xử thôbạo, đến đánh đập gây thương tích hoặc ngược đãi, phân biệt đối xử dẫnđến các tổn thương về tâm lý, tinh thần

Hành hạ, ngược đãi trẻ em là hành vi, vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm, vì trẻ em là đối tượng có khả năng tự vệ kém, thậm chí có những em khả năng tự vệ chỉ bằng không. Xuất phát từ ý nghĩ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã khiến người ta coi việc đánh trẻ em là chuyện bình thường. Không riêng gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay tại thành phố vẫn tồn tại vấn nạn đau lòng này.

Hành hạ trẻ em có thể xảy ra dưới rất nhiều hình thức, từ đối xử thô bạo, đến đánh đập gây thương tích hoặc ngược đãi, phân biệt đối xử dẫn đến các tổn thương về tâm lý, tinh thần như: bỏ đói, buộc làm những điều ngoài ý muốn, kể cả quan hệ tình dục hoặc lao động cưỡng bức… Từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã có Luật Bảo vệ trẻ em nhằm bảo đảm cho trẻ em được hưởng mọi quyền cơ bản của con người. Hơn thế nữa, các em còn có quyền được bảo vệ vì tự các em chưa đủ khả năng bảo vệ mình. Vì thế, dù xảy ra dưới hình thức nào, hành hạ trẻ em cũng là xâm phạm một trong những quyền cơ bản của trẻ. Các cụ xưa đã dạy "Dạy con từ thuở còn thơ", nếu trẻ em không được quan tâm săn sóc và nuôi dưỡng từ bé, thì làm sao chúng ta có được những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước có đầy đủ tố chất về sức khoẻ, trí tuệ, và kỹ năng sống, và làm việc. Phần lớn những vụ việc hành hạ, ngược đãi trẻ em xảy ra gần đây diễn ra công khai, có rất nhiều người biết, đặc biệt là cộng đồng dân cư xung quanh nơi diễn ra vụ việc. Nhưng không có ai lên tiếng can thiệp bảo vệ các em. Họ thờ ơ vô cảm, tới khi sự việc trở thành tâm điểm của công luận, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội địa phương đó mới vào cuộc. Pháp luật không truy cứu trách nhiệm những người thờ ơ vô cảm với cuộc sống xung quanh. Họ có đủ lý lẽ  để biện hộ cho sự an toàn của chính mình, họ ngại phá vỡ những mối quan hệ xã hội tại nơi họ sinh sống. Họ né tránh bằng việc phản ánh lấy lệ với chính quyền để chính quyền tự giải quyết.  Tất cả những hành vi ngược đãi hành hạ trẻ em dù là gia đình hay ở nhà giữ trẻ hay nơi cộng đồng đều được hiểu là một hành vi tội ác, chứ không chỉ đơn thuần là hành động "đòn roi". Chúng ta ai cũng bắt đầu từ một đứa trẻ. Tại sao chúng ta lại nỡ đối xử tàn nhẫn với các em như thế. Phải chăng chỉ vì chúng không chịu nghe lời khi ăn, ngủ, tắm… mà nỡ có những hành vi thô bạo vô nhân tính như vậy. Và đứa trẻ hôm nay sau này trưởng thành, ai dám chắc sẽ không có sự phản ứng tiêu cực trước những hành vi mà người lớn trước đây đã xâm hại đến nó. Khi nhân nghĩa, đạo đức không thể cảm hoá được cái ác thì mới phải dùng đến công cụ của pháp luật. Cuộc đời sẽ yêu thương nhân ái biết bao khi con người biết dễ dàng tha thứ cho nhau. Còn như lúc nào cũng phải dùng đến pháp luật thì cuộc sống ứng xử đã bế tắc và đi vào ngõ cụt. Yêu thương là một giá trị đạo đức xã hội, nó phải được thể hiện mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng. Trong cuộc sống chẳng có cái ác nào lại không có sự tương quan nhân quả với nhau cả. Cha mẹ sống gian ác thì con cái dễ có hành vi bạo lực. Thầy cô bạo ác thì học trò dễ có hành vi bạo ác... Cái bất lương, giả dối càng  nhiều thì sự tàn phá xã hội càng lớn. Từ việc làm thiếu lương tâm nhỏ không được giáo dục phê phán, dẫn đến cái ác lớn hoành hành. Rồi từ những cái ác lớn không được trừng trị sẽ dẫn đến những mối hiểm họa cho xã hội.

Bằng các quy định của pháp luật, bằng việc tuyên truyền giáo dục đến mọi tầng lớp người dân để họ hiểu về quyền con người trong đó có Luật Bảo vệ trẻ em. Nhất là đối với những người làm cha, làm mẹ, những người làm công tác nuôi dạy trẻ biết để chấp hành. Trong quá trình đó, cần tăng cường sự nhận thức và quyết tâm của các cán bộ công chức người đại diện cho chính quyền, các cơ quan pháp luật sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc ngăn chặn tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em.

HOÀNG BÍCH HÀ (Khánh Hòa)

(0) Bình luận
Bạo hành trẻ em: S.O.S