Bão HaiYan làm 13 người chết, 81 người bị thương

11/11/2013 05:30

Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tại các địa phương ảnh hưởng của siêu bão Haiyan (bão số 14) đã có 13 người chết và 81 người bị thương.





Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn khi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối. Siêu bão HaiYan đã đánh chìm 1 tàu của Phú Yên, làm hỏng 4 phương tiện của Hải Phòng, Phú Yên.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, khi bão HaiYan đang đổ bộ vào đất liền thì tàu Trung Quốc có tên gọi Fucheng 22 gặp sự cố tại khu vực đảo Long Châu, TP Hải Phòng. Tàu có trọng tải 900 tấn nhưng không chở hàng. Thời điểm gặp nạn tàu Fucheng 22 có 5 thuyến viên đang thực hiện hành trình từ Trung Quốc về Hải Phòng.

Tàu bị bỏng máy chính và thả neo. Khu vực thả neo hiện có sóng gió cấp 12 - 13, rất khó khăn trong công tác cứu hộ cứu nạn.

Ngay sau khi nhận tin, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, hướng dẫn tàu các biện pháp cứu sinh, phát tín hiệu nhận dạng.

Tâm bão đi vào đất liền tỉnh Quảng Ninh


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 5 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão HaiYan (bão số 14) ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 107,2 độ kinh đông, ngay trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.



Dự báo đường đi của bão HaiYan


Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 14 di chuyển chủ yếu theo hướng bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20km, vượt qua tỉnh Quảng Ninh, đi vào đất liền phía nam Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ vĩ bắc; 107,3 độ kinh đông, trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 12-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 24,5 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, trên khu vực phía đông nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Bão số 14 gây gió giật cấp 13

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 9 - 11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy. Ở các đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126mm, Cửa Ông 107mm, Bãi Cháy 109mm.

Ở khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to.

Hải Phòng: Gió bão giật cấp 12

Từ 0 giờ đến 1 giờ sáng 11-11, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió đã bắt đầu mạnh dần lên, giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội.

Lúc 1 giờ 15, ông Hoàng Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết hiện tại ở Đồ Sơn gió đã mạnh cấp 8, cấp 9, còn những vùng ở ngoài đảo như, đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ gió cũng đã mạnh dần lên, mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động mạnh.

Theo nhận định của ông Minh, đến giờ phút này mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát, chưa nhận được thông tin nào về thiệt hại của gão gây ra. 

Lúc 2 giờ 45, Hải Phòng gió đã giật cấp 10 - cấp 11. Trời đã mưa to, cây đã ngã đổ, mái tôn các nhà giật liên tục nhưng hệ thống thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt 24/24 giờ…

Lúc 4 giờ 30, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết Hải Phòng chưa có báo cáo thiệt hại về người. Hiện tại TPHải Phòng, gió không dồn dập mà rít từng cơn. Mưa chưa lớn.

Sáng 11-11, khu vực nội thành khá bình yên sau bão. Trên đường phố có một số cây bị đổ, gẫy cành, biển quảng cáo của một số cửa hàng bị rơi... Chủ tịch UBND huyện đảo Cát Hải cho biết, ghi nhận đến 7g30, không có thiệt hại gì lớn về người cũng như tài sản tại Cát Hải.

8 giờ ngày 11-11, tại trụ sở UBND TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp thống kê về thiệt hại trong bão và công tác khắc phục. Theo đó, Ban chỉ huy PCLB&TKCN cho biết báo cáo từ các tỉnh báo lên, đến nay chưa có thiệt hại nào về người trong bão.

Hệ thống đê, kè của Cát Hải vẫn bảo đảm an toàn sau bão, một số điểm bị sạt lở nhỏ. Cơn bão số 4 đã làm tốc mái một số ít nhà dân.

Thông tin từ huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết, cơn bão cũng không gây thiệt hại về người. Theo báo cáo từ bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ, đến buổi sáng chưa có trường hợp nào bị thương, tai nạn trong bão. Do gió lớn nên một số nhà dân bị tốc mái.

Tại cuộc họp, ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện tại chưa có thiệt hại về người, không thiệt hại về tài sản lớn trong bão. Các tuyến đê, kè biển vẫn đảm bảo an toàn, một số đê tuyến sông sạt lở nhẹ và khoảng 3.920 ha hoa màu bị thiệt hại. Ông Thoại cho biết, hiện vẫn đang chỉ đạo tập trung cao công tác cứu hộ tàu Trung Quốc gặp sự cố khi đang trên đường vào khu vực cảng Hải Phòng tránh bão.  Lực lượng biên phòng cũng đang liên lạc với một chiếc tàu Thanh Hóa bị hỏng máy để tổ chức cứu hộ.


Quảng Ninh: Bão quật gẫy cột ăng-ten cao 52m

Tại Quảng Ninh, đến 2 giờ ngày 11-11, bão số 14 tiếp tục mạnh lên với sức gió cấp 13, giật trên cấp 14, biển động dữ dội.

Từ 2 giờ 30 phút, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, điện bị cắt toàn thành phố.

Lúc 3 giờ, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh  mưa gió dữ dội. Cầu Bãi Cháy cấm tất cả các phương tiện qua lại. Các xe tải xếp dài hàng cây số trên đường Cái Lân chờ được qua cầu. Trên đường phố ngổn ngang cây xanh bị đổ.

Sau hơn 1 giờ “quần thảo” tại Cô Tô và Vân Đồn với sức gió đạt cực đại, đến khoảng 3 giờ cùng ngày, bão số 14 có xu hướng suy giảm và gió đã đổi chiều. Sau đó, từ 3 giờ 30 đến khoảng 4 giờ ngày 11-11,  bão số 14 đã lần lượt rời khỏi các huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn.

4 giờ sáng 11-11, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: “Sau khi bão vừa dứt, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương đi kiểm tra, rà soát và báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn. Thông tin ban đầu cho biết, mặc dù đã neo đậu trong vùng tránh trú bão, nhưng do cường độ bão quá lớn, gió to, sóng mạnh, một số tàu đánh cá vẫn bị sóng đánh đứt neo, trôi dạt và bị đắm ở xa. Rất may, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã kịp thời đưa được số ngư dân ở lại trông tàu lên trên bờ. Số liệu cụ thể chúng tôi  sẽ nhanh chóng cho tổng hợp cụ thể”.

Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Cây xanh đổ ngổn ngang khắp đường phố Hạ Long


Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Gió lớn phá vỡ một nhà điều hành tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy


Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Hàng trăm xe tải, xe khách vẫn phải chờ lệnh để qua cầu Bãi Cháy

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện  Cô Tô thì vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì cường độ gió khủng khiếp của bão số 14. Ông Thành cho biết: “Toàn huyện có khoảng hơn 100 căn nhà bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, trong đó đáng chú ý là có 11 căn nhà bị tốc mái, chủ yếu thuộc xã Thanh Lân. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh là điểm nhấn của khu du lịch Cô Tô cũng đã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là tại xã Đồng Tiến”.

5 giờ sáng 11-11, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo báo cáo nhanh, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Về các công trình nhà ở, toàn tỉnh có 56 nhà tạm và nhà cấp 4 bị tốc mái; 5 nhà cấp 4 bị đổ; 1 nhà bè ở TP Hạ Long bị chìm và hàng loạt cây xanh bị đổ gãy.

Đặc biệt, bão quật đổ cột ăng-ten 52 m của Đài PT-TH TP Uông Bí. 



Tháp truyền hình của Đài PT-TH Uông Bí (Quảng Ninh) đổ ngã, gãy gập làm nhiều đoạn

Ông Nguyễn Văn Phái, Giám đốc đài này cho biết, nguyên nhân tháp truyền hình đổ có thể là do tháp đã quá cũ. Ông Phái không nhớ chính xác thời điểm nhưng khẳng định tháp được xây sớm nhất là vào năm 1997. “Thời điểm cụ thể thì phải chờ cơ quan xây dựng đem hồ sơ đến mới biết được”, ông Phái nói.

Ông Phái cũng cho biết chưa thể ước tính được thiệt hại của tháp truyền hình cao 52 m này, vì tháp xây đã lâu nên không rõ kinh phí. Ông Phái cho biết các thiết bị thu phát trên tháp cũng đã hư hại hoàn toàn khi tháp ngã đổ. Lý do này khiến toàn bộ các hộ dân thu sóng truyền hình bằng ăng-ten xương cá, ăng-ten râu ở các vũng lõm, vùng khuất tại Uông Bí sẽ mất sóng truyền Quảng Ninh và VTV cho đến khi nào tháp mới được xây dựng.

Về việc tháp truyền hình đã rất cũ, Đài PTTH Uông Bí có lường được việc ngã đổ này?, ông Nguyễn Văn Phái cho rằng, khi xây dựng tháp đã có tính đến khả năng chịu gió bão, nhưng gió giật của bão HaiYan lên tới cấp 13 nên đây là tình huống bất ngờ.

Thái Bình: Người dân đi tránh bão trở về nhà

Tại Thái Bình, sáng 11-11, sau khi bão HaiYan đi qua, hơn 3.300 dân sinh sống ngoài đê thuộc các huyện ven biển và hơn 3.900 lao động làm việc trên 3.252 chòi nuôi ngao, thủy, hải sản tại các huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) thuộc diện phải di tránh bão trước đó, đã trở lại nhà, ổn định cuộc sống.

Ông Hoàng Văn Túy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết, đánh giá sơ bộ bão HaiYan không gây thiệt hại về người trên địa bàn huyện. “Sáng nay thời tiết đã trở lại bình thường nên các lực lượng đã để người dân quay trở lại nhà ở vùng ngoài đê, ra các chòi nuôi ngao, thủy hải sản để kiểm tra các đầm nuôi. Về thiệt hại tài sản của người dân ở ngoài biển phải chờ đánh giá mới có số liệu”, ông Túy nói.
Theo ông Nguyễn Phú Nhuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLT tỉnh Thái Bình, thiệt hại nặng nhất của tỉnh là về hoa mau của các hộ dân. “Toàn tỉnh chưa nhận được thông tin thiệt hại về người. Chỉ có trung tâm hội chợ tại thành phố là bị gió bão làm đổ cổng và rách nát phông bạt che tại hội chợ”, ông Nhuận cho biết.

22 giờ 45 ngày 10-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có mặt tại UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) để thăm hỏi tình hình phòng chống lụt bão và cứu nạn của quận Đồ Sơn trước cơn bão số 14.



Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự cuộc họp tại UBND quận Đồ Sơn


Phó Thủ tướng yêu cầu quận Đồ Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 14, lường trước những diễn biến bất thường để kịp thời ứng phó nhanh nhạy, chính xác. Thường xuyên túc trực, lực lượng bộ đội, công an phải kết hợp với nhau để hỗ trợ người dân.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các đơn vị và đặc biệt là Bưu chính viễn thông phải rà soát lại toàn bộ các cột ăng ten phát sóng. Trong vòng 1 giờ đồng hồ phải cố gắng kiểm tra kịp thời tất cả các cột ăng ten trên địa bàn Đồ Sơn. Nếu phát hiện thấy cột ăng ten nào có nguy cơ đổ thì phải nhanh chóng sơ tán dân đến nơi an toàn.

Phó thủ tướng đánh giá cao việc Đồ Sơn làm tốt công tác chuẩn bị, công tác tuyên truyền, cảnh báo, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của cơn bão.


Hải Dương tập trung cao độ ứng phó với siêu bão HaiYan

Chủ động đối phó với bão


Chiều 10-11, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành về công tác ứng phó với bão Hai Yan (bão số 14).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay bão số 14 đang di chuyển dần lên phía Bắc, tâm bão sẽ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hải Phòng. Tỉnh Hải Dương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu phía tây bắc của bão số 14. Hồi 13 giờ ngày 10-11, tại Hải Dương đã đo được gió mạnh cấp 5, thị xã Chí Linh gió cấp 4. Từ đêm 10-11 đến sáng 12-11 trên địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 120-220 mm, có nơi lớn hơn. Trong những ngày tới, mực nước sông Thái Bình có thể lên mức báo động 1.


Để chủ động chống và đối phó với bão số 14, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh yêu cầu Ban PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, bão để chủ động phòng tránh. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ quan và nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng, các công trình xây dựng, các mái tôn, mái vảy trên cao, đề phòng các cây lớn, cột điện gây đỗ gây mất an toàn. TP Hải Dương chỉ đạo Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương triển khai ngay phương án phòng, chống úng nội đồng và bảo vệ các cây lớn trong thành phố. Thị xã Chí Linh lên phương án bảo vệ các hồ chứa và phòng, chống lũ quét.  Tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc công điện số 6 của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Các huyện chủ động thực hiện các phương án bảo vệ cây vụ đông và các vùng nuôi thủy sản tập trung, các khu vực có nuôi cá lồng. Các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch diện tích lúa mùa muộn còn lại.


Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã chủ động bơm gạn tháo hạ thấp mực nước trên các sông trục, phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương kiểm tra xử lý ngay các sự cố hư hỏng về điện các các trạm bơm tiêu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai thực hiện công điện số 159/ĐK:TK ngày 9-11 của Bộ tham mưu Quân khu III về triển khai phòng chống bão số 14.


Bão số 14 còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các ngành thực hiện nghiêm túc việc thường trực trực ban, chế độ báo cáo để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.


Gia Lộc: Khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm cây vụ đông

Ngay từ sáng 10-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã tổ chức 1 đoàn đi kiểm tra các công trình đê điều tại các xã Thống Kênh, Liên Hồng. Tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất rau vụ đông của nông dân các xã Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Đồng Quang. Để chủ động đối phó với cơn bão số 14, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện bơm tiêu nước đệm. Các xã yêu cầu nông dân bổ lổ, tháo nước để đề phòng mưa lớn. Tại những nơi đang thu hoạch rau vụ đông, khuyến cáo nông dân thu hoạch sớm, nhất là diện tích rau bắp cải, rau gia vị đề phòng mưa lớn làm rau bị dập nát. Các xã có diện tích trồng bí xanh bằng phương pháp làm đất tối thiểu gồm: Đồng Quang, Quang Minh hướng dẫn nông dân chủ động dùng máy bơm xăng, dầu để bơm tiêu thoát nước khi có mưa lớn, không để bí xanh bị chết do ngập nước.

Ninh Giang: Chủ động bơm gạn nước đệm

Đến 16 giờ ngày 10-11, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa. Xác định đây là cơn bão mạnh, có khả năng gây thiệt hại lớn nên công tác phòng, chống được huyện Ninh Giang triển khai khẩn trương. Ban Chỉ huy Phòng PCLB-TKCN huyện đã ban hành công điện khẩn số 4 đến tất cả các xã, thị trấn, ngành đơn vị trong huyện yêu cầu chủ động nhân lực và vật lực để phòng, chống bão. Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện đã kiểm tra toàn bộ hệ thống máy bơm tiêu nước, dự trữ sẵn dầu phòng khi mất điện. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ tại các tuyến đê và điểm xung yếu. Những xã có diện tích cây vụ đông lớn như Hoàng Hanh, Hưng Long và khu vực Bắc Sông Cửu An, công tác phòng, chống lụt bão được đặc biệt quan tâm. Huyện yêu cầu những hộ dân nuôi thủy sản chủ động mua lưới quay ao phòng khi nước dâng cao. Những nơi trồng rau vụ đông đều đã bơm gạn nước đệm.  Các xã, thị trấn cũng tập trung hướng dẫn nhân dân phát quang cây cối, tháo dỡ biển quảng cáo, thu hoạch rau màu… nhằm hạn chế thiệt hại của bão.

 Tứ Kỳ: Lên phương án sơ tán các hộ ngoài đê bối




Người dân xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) che ni lông và đắp cao bờ ruộng để hạn chế ngập úng


Ngày 10 - 11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã có công điện yêu cầu các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai việc PCLB-TKCN theo đúng kế hoạch, không chủ quan, mất cảnh giác. Đến nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đều có kế hoạch bảo vệ công sở, trụ sở làm việc. Các xã có nhân dân ở ngoài đê bối lên phương án tổ chức sơ tán. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các xã hoàn thành việc sửa chữa, bảo dưỡng trạm bơm, mở cửa cống gạn tháo nước. Các xã kiểm tra, đóng các cống dưới đê và có phương án bảo vệ đê, bối, bờ kênh Bắc Hưng Hải như: chống sóng, chống tràn đề phòng nước dâng cao. Các xã, thị trấn tuyên truyền nông dân khẩn trương thu hoạch, chủ động bảo vệ rau, màu và diện tích nuôi thủy sản. Điện lực huyện bảo đảm nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu thoát úng và bố trí lực lượng trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị sẵn sàng xử lý nhanh nhất tình huống xảy ra. Huyện đề nghị đơn vị thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bố trí lực lượng, phương tiện khơi thông dòng chảy... Ở các điểm trồng rau, màu, người dân đã chủ động khơi thông dòng chảy, gạn tháo nước trên ruộng, tu sửa, đắp cao bờ ruộng, dùng ni - lông che đậy một số diện tích rau giống, rau dễ bị hỏng do mưa. Đồng thời, kiểm tra lại máy bơm nước của gia đình, mua xăng, dầu dự trữ. Một số người dân đã chằng buộc lại nhà cửa...

Kim Thành: Sẵn sàng chống úng cho rau màu






Nông dân xã Kim Đính (Kim Thành) khẩn trương thu hoạch ớt, chăng lưới cho hoa cúc


Đến nay, toàn huyện Kim Thành còn khoảng 800 ha lúa mùa muộn chưa thu hoạch. Bà con nông dân trong huyện cũng đã trồng được khoảng gần 2.000 ha cây màu vụ đông, trong đó có 120 ha dưa hấu, dưa lê, 360 ha củ đậu, 220 ha ngô, còn lại hành tỏi và rau các loại. Chị Phạm Thị Phúc ở thôn Phù Tải, xã Kim Đính (Kim Thành) đang đóng cọc và chăng lưới bảo vệ diện tích hoa cúc mới trồng, cho biết: "Năm ngoái mưa lớn, do không chủ động chống bão nên diện tích hoa của gia đình tôi bị dập nát và bị ngập trong nước, phải dùng máy bơm để cứu. Lần này, gia đình tôi huy động mọi người cùng chăng lưới sớm cho cây hoa, để tránh mưa lớn đổ, gây gẫy cây". Bà Bùi Thị Dịp xã Kim Đính nói: "Nhà chỉ có một mình, nên ngay từ khi nghe tin có bão, tôi đã tranh thủ mấy ngày nay đi vun đất cho mấy sào ngô và khoai tây mới trồng, chèn kỹ tránh cây bị đổ gẫy, gây thiệt hại như những cơn bão trước"…

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 14 gây ra, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn trong huyện tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa muộn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; bên cạnh đó chủ động thực hiện các biện pháp chống úng cho cây màu vụ đông và diện tích nuôi thủy sản khi có mưa lớn xảy ra, như: tháo gạn nước đệm tại các kênh mương nội đồng, chuẩn bị vật tư, nhân lực đắp chặn các bờ vùng và dùng lưới chắn các khu nuôi trồng thủy sản; đồng thời chằng chống nhà cửa, thường trực 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão, úng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khẩn trương phòng, chống úng nội đồng

Chiều 10-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND cấp huyện khẩn trương chỉ đạo nông dân thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa muộn trước ngày 12-11. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm điện, bơm dầu, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tiêu úng nhanh nhất cho cây trồng vụ đông, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Hướng dẫn nông dân các biện pháp che tủ, lên luống, vét rãnh để tiêu thoát nước kịp thời, hạn chế dập nát cây trồng, bảo vệ diện tích cây giống đã gieo. Chuẩn bị đủ lượng hạt giống, cây giống đảm bảo chất lượng để sẵn sàng trồng dặm, gieo trồng bổ sung đối với các cây trồng còn thời vụ. Nông dân cần chủ động phòng, trừ dịch hại trước và sau khi có bão. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả (đặc biệt là chuối, ổi), cần có biện pháp để hạn chế tối đa đổ gẫy, ngập úng. Đối với ao, hồ nuôi thuỷ sản, người dân cần đăng, chắn cá không để thoát ra ngoài. Bám sát dự báo diễn biến cơn bão, thu hoạch cá, chuyển cá đối với những ao hồ ngoài đê. Đối với cá lồng, các hộ cần cố định các lồng nuôi, đặc biệt lưu ý khi có lũ lớn và nước sông dâng cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 10-11, toàn tỉnh còn khoảng 500 ha lúa muộn chưa thu hoạch (Kinh Môn 100 ha, Kim Thành 350 ha, Thanh Hà 50 ha). Diện tích cây vụ đông đã trồng khoảng 19.500 ha, trong đó cây ngô 1.700ha (đã trổ cờ phun râu, sắp cho thu hoạch), hành tỏi 5.400 ha, cà rốt 1.100 ha, rau các loại 10.500 ha, khoai tây 900 ha. Hầu hết, các loại cây trồng vụ đông chưa cho thu hoạch (trừ một số diện tích rau vụ đông sớm như cải bắp, su hào, cải dưa...). Vì vậy, nếu có mưa lớn gây ngập úng và kèm gió mạnh thì thiệt hại với cây trồng sẽ rất lớn.

Lực lượng vũ trang tỉnh:  Huy động các tàu, thuyền sẵn sàng ứng cứu

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc trực 100% quân số từ ngày 9 đến hết ngày 12 – 11. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống mưa bão có thể xảy ra trên địa bàn. Các tàu, thuyền của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ứng trực tại khu vực bến neo đậu tàu thuyền (phường Ngọc Châu, TP Hải Dương). Đại diện Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã đi kiểm tra lực lượng, phương tiện PCLB-TKCN của một số đơn vị trực thuộc, đồng thời có ý kiến chỉ đạo chuẩn bị tốt phương tiện sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra…

Ngành điện: Đóng điện tất cả các trạm biến áp phục vụ bơm chống úng

Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã gửi công điện yêu cầu các đơn vị  thực hiện tốt các phương án PCBL theo kế hoạch. Ông Lê Hồng Thanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết: Công ty đã huy động toàn bộ phương tiện, chuẩn bị vật tư dự phòng sẵn sàng xử lý khi có sự cố. Chỉ đạo dừng toàn bộ việc sửa chữa lưới điện. Đóng điện 100% số trạm biến áp sẵn sàng phục vụ bơm chống úng. Thực hiện 100% quân số trực phục vụ phòng, chống bão 24/24 giờ. Với các trạm 110 kV, các điện lực có trạm biến áp trung gian kiểm tra tình trạng vận hành của các thiết bị, báo cáo kịp thời với Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của công ty và cấp trên khi có sự cố xảy ra.

Kinh Môn: Hơn 3000 ha cây vụ đông có thể bị thiệt hại

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, đến ngày 9-11, toàn huyện còn khoảng 500 ha lúa mùa chưa thu hoạch, chủ yếu là lúa nếp, tập trung ở các xã An Sinh, Phạm Mệnh, Duy Tân, An Phụ...Toàn huyện có khoảng 1.000 ha cây vụ đông có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xảy mưa từ 50 mm trở lên. Trong đó, nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất là diện tích hành ở các xã Phúc Thành, Quang Trung, Thăng Long, Lạc Long, Phạm Mệnh, An Sinh.... Nếu mưa to trên 100 mm, diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng lên tới hơn 3000 ha. Chủ động đối phó với bão, UBND huyện yêu cầu các xã khẩn trương thu hoạch lúa mùa, cơ bản là diện tích nếp cái hoa vàng trong  ngày 10 -11, chậm nhất đến 11-11 phải thua hoạch xong toàn bộ diện tích. Huyện tập trung hướng dẫn các hộ nông dân khơi thông cống, rãnh, dòng chảy, bơm gạn nước khi mưa lớn để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây vụ đông. Đồng thời thành lập 4 tổ công tác xuống 4 khu: Bắc, Nam, An Lưu và Nhị Chiểu để kiểm tra tình hình, hệ thống máy bơm và hướng dẫn nhân dân chủ động chống bão.


Nông dân xã Hiệp An (Kinh Môn) khẩn trương thu hoạch lúa nếp tránh bão


Mặc dù trời có mưa nhỏ nhưng trên những cánh đồng ở xã Hiệp An và An Phụ (Kinh Môn) bà con nông dân  vẫn nhanh chóng thu hoạch lúa mùa để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 14. Không khí làm việc rất tích cực khẩn trương, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Huề Trì, An Phụ cho biết: “Chúng tôi định một vài hôm nữa mới gặt nhưng nghe tin bão số 14 có thể  gây mưa to và gió mạnh nên ngay trong sáng hôm nay, tôi đã tiến hành gặt kịp thời”. Chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Lưu Thượng 2, xã Hiệp An vừa nhanh tay cắt lúa vừa cho chúng tôi biết: “Nghe tin bão số 14 gây ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc, xã đã thông báo trên loa truyền thanh đề nghị bà con khẩn trương thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng. Vì thế tôi đã mượn thêm người gặt tranh thủ trước khi bão về”.

Chí Linh:  Kiểm tra toàn bộ hồ, đập


Bà Đặng Thị Lũy, thôn Chí Linh 2 khẩn trương buộc, chống đổ cho cây cà chua

Chiều 10 – 11 trên địa bàn thị xã Chí Linh bắt đầu xuất hiện gió và mưa nhỏ. Có mặt tại cách đồng các thôn Chí Linh 2, Chí Linh 3, xã Nhân Huệ lúc 16 giờ, chúng tôi thấy người dân chằng buộc giàn cây cà chua. Anh Bùi Văn Phán ở thôn Chí Linh 3 cho biết: “Hằng ngày, tôi đi xây, nhưng hôm qua nghe tin bão Hai Yan có đổ vào tỉnh ta nên hôm nay toàn đội thợ xây đều nghỉ để chằng, chống cho cây trồng. Rút kinh nghiệm từ các đợt mưa bão trước, do chủ quan không chằng buộc cẩn thận nên nhiều diện tích bị đổ. Đến giờ, vợ chồng tôi cũng đã chằng buộc được hết 1,5 sào cà chua rồi”. Ở ruộng bên cạnh, bà Đặng Thị Lũy ở thôn Chí Linh 2 cũng đang chạy đua với mưa để buộc cho xong ruộng cà chua hơn 1 sào.

Anh Phan Văn Tính, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Huệ cho biết: “Chiều 10-11, chúng tôi tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi; thông báo trên loa truyền thanh cho nhân dân chủ động bảo vệ cây trồng. Nhìn chung bà con nhân dân trong xã, nhất là những hộ trồng cây vụ đông đều chủ động tìm cách phòng, chống cho cây trồng”.

Chiều 10 – 11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thị xã đã có công điện khẩn về phòng,chống bão số 14 gửi về các ngành, địa phương. Trong đó, chỉ đạo tập trung rà soát, kiểm tra các công trình tu bổ đê điều, các bờ vùng, đặc biệt là các hồ chứa, bờ đập, bờ vùng đang bị sạt lở chưa được xử lý. Thị xã chỉ đạo các xã, phường miền núi có các hồ chứa, có phương án hạ thấp mực nước hồ đập, bố trí lực lượng ứng cứu. Các ngầm tràn khi có mưa lũ phải bố trí lực lượng canh gác ngày, đêm tránh những tai nạn xảy ra. Trong quá trình xả lũ, cần phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra kênh tiêu lũ hạ lưu, nhất là các trọng điểm như các vị trí sạt lở đất, các ngầm tràn, các điểm ngập úng. Xã Kênh Giang trong cơn bão số 5, số 6, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn xã Kênh Giang phải có phương án bảo đảm an toàn cho bờ vùng Tân Lập, cử người canh gác, chuẩn bị lực lượng, vật tư sẵn sàng đối phó.  


Các doanh nghiệp viễn thông : Gia cố các trạm thu phát sóng

Ngay trong sáng 10-11, Sở Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn đôn đốc, yêu cầu tất cả các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống siêu bão. Các nhà mạng Viettel, Mobiphone, Vinaphone gửi tin nhắn cảnh báo về bão Hai Yan tới các khách hàng. Ngoài ra, các nhà mạng cũng tập trung gia cố các trạm thu phát sóng và bố trí lực lượng thường trực tại các vị trí trọng điểm để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Thanh Hà: Thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão



Lãnh đạo huyện Thanh Hà kiểm tra dòng chảy tại chân cầu Mồng Tơi, xã Thanh Cường, chiều 10-11

Ngày 9-11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Thanh Hà đã có công điện chỉ đạo 25 xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 14. Theo đó, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị cần thiết để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Nhân dân trong huyện chủ động chặt, tỉa cây to, che chắn cho vật nuôi, buộc, chống cây ăn quả.  Hiện tại, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Thanh Hà đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tại 4 khu: Hà Bắc, Hà Đông, Hà Tây và Hà Nam để triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 14. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi vận hành 9 trạm bơm tiêu, bơm gạn nước, sẵn sàng phòng, chống úng khi có mưa lớn xảy ra...

Nam Sách: Chủ động chằng chống lồng cá

Sáng 10 - 11, huyện Nam Sách đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, yêu cầu khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án phòng, chống lụt bão. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ đạo các địa phương nuôi cá lồng hướng dẫn nông dân chằng chống lồng cá, đề phòng gió giật mạnh, chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho cá trong những ngày mưa bão. Hạt Quản lý đê huyện kiểm tra các tuyến đê, kè xung yếu, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuẩn bị tố phương án "4 tại chỗ" để đối phó khi tình huống xấu xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi triển khai các biện pháp bơm gạn nước, tiêu úng, tập trung lớn vào những vùng thường xảy ra ngập úng cục bộ và những nơi có diện tích rau màu lớn như: Nam Tân, Minh Tân, Nam Hưng, Quốc Tuấn, Hợp Tiến...

Cẩm Giàng: Tranh thủ thu hoạch toàn bộ diện tích cà rốt

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên lúc 9 giờ 30 sáng 10-11, ông Đỗ Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết:  Ngay sau khi nhận được công điện, UBND huyện Cẩm Giàng đã chỉ đạo các xã tăng cường lực lượng thường trực, chủ động đối phó với bão Hai Yan. UBND huyện yêu cầu Chi nhánh điện và Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi chủ động kiểm tra lại hệ thống cung cấp điện, các trạm bơm nước tiêu úng, bảo đảm các phương tiện sẵn sàng hoạt động khi xảy ra mưa lớn. Tại các xã Đức Chính, Cẩm Văn, nhân dân tranh thủ thu hoạch toàn bộ diện tích cà rốt đến kỳ thu hoạch; khơi thông các rãnh thoát nước, dòng chảy để hạn chế ngập úng diện tích cà rốt còn lại.


Khẩn trương thu hoạch lúa mùa muộn


Nông dân thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) khẩn trương thu hoạch lúa nếp cái Hoa Vàng

Sáng 10-11, bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tỉnh Hải Dương còn gần 2.000 ha lúa mùa muộn đang chín ở 2 huyện Kim Thành, Kinh Môn, chủ yếu là nếp cái Hoa Vàng. Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại do siêu bão Hai Yan gây ra.

Theo quan sát của chúng tôi vào sáng 10-11, tại các cánh đồng ở các xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Kim Xuyên (Kim Thành), nhiều nông dân đang tập trung thu hoạch lúa mùa muộn. Tại cánh đồng thôn Bắc (xã Cổ Dũng), diện tích lúa nếp cái Hoa Vàng đã cơ bản thu hoạch xong. Tuy nhiên, ở cánh đồng thôn Xuân Mang (xã Tuấn Hưng), diện tích lúa đã được gặt về còn ít.

Đến nay, tỉnh  Hải Dương đã gieo trồng khoảng 19 nghìn héc-ta cây vụ đông. Siêu bão Hai Yan gây ra gió mạnh có thể khiến hàng trăm héc-ta ngô vụ đông đang nuôi bắp bị gẫy, đổ. Ngoài ra những loại cây trồng phải làm giàn (mướp đắng, cà chua…) cũng có nguy cơ bị gió mạnh quật đổ.


Ngô đông đang nuôi bắp có nguy cơ bị thiệt hại nặng

Sáng 10-11, ông Bùi Hữu Tiếp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết, đang rất lo ngại bão Hai Yan sẽ làm gẫy, đổ khoảng 500 ha ngô đang nuôi bắp, chỉ khoảng 10 ngày nữa sẽ có diện tích cho thu hoạch. Ngoài ra, diện tích bí ngô, bí đao trồng theo phương pháp làm đất tối thiểu (gần như không có luống nên dễ bị ngập, úng khi mưa lớn) đang ra hoa cũng có nguy cơ bị dập nát, úng dễ dẫn tới mất mùa. Chưa kể tại xã Phạm Kha có gần 200 ha rau màu cũng có thể bị ảnh hưởng xấu. Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 1.000 ha cây vụ đông các loại.

UBND huyện Thanh Miện đã chỉ đạo các xã huy động tối đa máy bơm điện, bơm dầu để phòng, chống ngập úng do bão gây ra.

Hải Dương Online

>> Tiếp tục cập nhật

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão HaiYan làm 13 người chết, 81 người bị thương