Từ cộng tác viên, dần dần tôi trở thành thông tin viên rồi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp ở chiến trường sau khi được học hành cơ bản về nghiệp vụ báo chí.
Tác giả Hà Trọng Đạm phát biểu tại buổi gặp mặt cộng tác viên tích cực của Báo Hải Dương
Tôi sinh ra ở huyện Ninh Giang với tuổi thơ chăm học, yêu trang sách. 17 tuổi tôi viết đơn tình nguyện trở thành anh bộ đội Cụ Hồ. Trong chiếc ba lô khoác vào chiến trường khi ấy vẫn đầy ắp sách vở. Tin, bài viết từ đơn vị và thực tế trên đường hành quân đăng ở báo Quân đội nhân dân những năm 70 của thế kỷ trước đã đưa tôi vào nghề làm báo. Từ cộng tác viên, dần dần tôi trở thành thông tin viên rồi chuyển sang làm báo chuyên nghiệp ở chiến trường sau khi được học hành cơ bản về nghiệp vụ báo chí.
Lúc ấy, lính trẻ chúng tôi rất tếu táo, thường lấy hòm thư 701702 TQ90 để gửi bài về báo Quân đội nhân dân. 701702 là ký hiệu của phong lương khô, còn TQ90 là ký hiệu của hòm thư đường vào mặt trận, thư không phải dán tem. Thư được gửi theo đường binh trạm giao liên hoặc thương bệnh binh trên đường ra tuyến sau điều trị, chuyển về tòa soạn rất kịp thời, đầy đủ. Tiếp xúc với đồng nghiệp và các anh đi trước, được sự động viên chỉ dẫn tận tình, tôi viết thêm tùy bút, truyện ngắn, làm thơ... Trong tập truyện ngắn "Kỷ niệm sâu sắc chống Mỹ, cứu nước" do Quân đoàn I xuất bản năm 1976 ở trại viết Ninh Bình, tôi có 2 truyện ngắn "Tiểu đội trưởng của tôi" và "Chiếc cuốc chim".
Năm 1977, tôi được ra quân, mang theo hồ sơ quân nhân và giấy giới thiệu chuyển ngành đến rất nhiều cơ quan liên hệ, được tiếp đón trọng thị với lời hẹn ưu tiên xét duyệt “đầu tiên" nhưng sau đó, tất cả đều rơi vào im lặng. Mặc cảm với thực tế đó, tôi hứa với lòng mình lãng quên báo chí, văn chương... Không xem bất cứ tờ báo nào, không đọc bất cứ trang truyện nào nữa, tôi tiếp tục trở lại học đường, theo học khoa xây dựng hầm lò, mục đích quên hẳn báo chí và văn chương.
Tháng 2.1979, có chiến tranh biên giới, tôi được gọi tái ngũ trở về mặt trận 379 đóng quân ở Thượng Lào. Ở đây, tôi lại viết chuyên mục hậu cần cơ sở đăng báo Quân đội nhân dân. Năm 1983, tôi chuyển ngành về Tổng cục Đường sắt, thêm lần nữa đoạn tuyệt với báo chí, văn chương.
Nhiều lần về thăm quê, tôi hay chuyện trò với ông Phùng Long Phi lúc ấy là Hiệu trưởng Trường cấp 2 xã Ninh Thành quê tôi. Ông là một người yêu văn chương và hay làm thơ, tình yêu văn chương lại được khơi dậy trong tôi... Năm 1996, tôi gửi bài về tạp chí Côn Sơn, được ông Nguyễn Thế Trường, Chánh Văn phòng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và ông Trần Phong Sơn, biên tập viên văn xuôi khích lệ, động viên, tôi tiếp tục viết. Thời ấy tạp chí Côn Sơn ra 2 tháng 1 số với hơn 30 trang, ông Trần Phong Sơn tâm sự: thơ và truyện đăng ở báo Hải Dương nhiều hơn bởi số cuối tuần có trang Văn nghệ nhưng chất lượng rất cao, nếu muốn khẳng định được mình thì cộng tác với báo Hải Dương xem sao.
Tôi viết bài gửi báo Hải Dương dù chưa hề quen, chưa biết ai công tác ở báo. Bài được đăng, báo biếu được gửi đến, tiền nhuận bút chỉ 30.000 đồng một bài thơ nhưng tôi rất phấn khởi, xúc động. Sau đó, tôi gửi bài cho cả báo Hưng Yên, báo Bắc Ninh, báo Bình Định và một số tạp chí chuyên ngành có trang văn nghệ để đăng tải hằng tuần. Nhưng tôi luôn nhớ tới báo Hải Dương với một tấm ân tình sâu sắc bởi tờ báo này đã giúp tôi tìm lại chính mình bằng hàng trăm bài thơ, mấy chục tản văn, hơn mười truyện ngắn đã đăng. Nhờ vậy, tôi đã nuôi dưỡng được cảm hứng và sức sáng tạo, đạt được những thành công trong sáng tác văn chương. Như năm 2004, tôi vinh dự đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ với trường ca "Địa chỉ đời người".
Tôi đã từng dự nhiều cuộc hội thảo về văn chương, từng là cộng tác viên nhiều tờ báo, tạp chí có trang văn nghệ... nhưng báo Hải Dương vẫn là nơi tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc, nhiều tình cảm, sự quý trọng và gần gũi hơn cả. Tôi trân trọng và tự nhủ lòng mình luôn nhớ về nơi đây, nơi đã giúp tôi tái sinh trang viết sau những năm tháng mất niềm tin vào văn chương, báo chí.
HÀ TRỌNG ĐẠM