Bão giật cấp 10 đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi

14/09/2015 10:59

Tối 14-9, bão số 3 vào đến đất liền tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Đường đi của cơn bão số 3

Đường đi của cơn bão số 3

Hồi 8g ngày 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 110,1 độ kinh đông, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 140km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức từ 60-75km/giờ) giật cấp 9-10.

Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15km. Đến 19g ngày 14-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,3 độ vĩ bắc; 108,6 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60-75km một giờ), giật cấp 9-10.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Đến 7g ngày 15-9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 106,8 độ kinh đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh.

Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ ngày 14 đến 16-9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ ngày 15 đến 18-9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2.

Các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 2.

Ngoài ra, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Thuận đến Cà Mau có gió tây nam mạnh cấp cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Học sinh Đà Nẵng phải nghỉ học

Do ảnh hưởng bão số 3, sáng 14-9, trời Đà Nẵng tiếp tục mưa lớn, gió giật mạnh. Nhiều tuyến đường trung tâm TP bị ngập nặng khiến người dân đi lại hết sức khó khăn.

Cây xanh gãy đổ trên đường Trần Hưng Đạo, dọc sông Hàn (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - Ảnh: PHAN THÀNH

Cây xanh gãy đổ trên đường Trần Hưng Đạo, dọc sông Hàn (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - Ảnh: PHAN THÀNH

Ghi nhận trên một số tuyến đường TP Đà Nẵng, mưa lớn khiến việc di chuyển, đi lại rất khó khăn. Một số cây đã gãy đổ. Ở khu vực sông Hàn, nhiều ngư dân đang cố gắng chồng chắn tàu bè.

10 sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã gửi công điện khẩn yêu cầu Sở GD-ĐT TP thông báo cho học sinh toàn thành phố được nghỉ học, bắt đầu từ trưa 14-9.

Giao Giám đốc sở theo dõi diễn biến mưa bão, quyết định thời điểm phù hợp cho học sinh đi học lại.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Các sở, ngành, quận, huyện cũng được yêu cầu rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới và bão; chú ý đề phòng mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán nhân dân và cứu nạn kịp thời ở các khu vực nguy hiểm.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, hiện Đà Nẵng có 317 tàu thuyền, 2.676 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, ở vùng Đông Bắc Hoàng Sa có 18 phương tiện, 205 lao động; khu vực biển Hải Phòng có 12 phương tiện, 84 lao động; khu vực ven biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có 105 phương tiện, 952 lao động; khu vực biển Đà Nẵng đến Bình Định có 182 phương tiện, 1.435 lao động.

Nhiều người tháo dỡ các bảng quảng cáo trên cầu Sông Hàn để tránh những rủi ro do mưa bão gây ra - Ảnh: PHAN THÀNH

Nhiều người tháo dỡ các bảng quảng cáo trên cầu Sông Hàn để tránh
những rủi ro do mưa bão gây ra - Ảnh: PHAN THÀNH

Tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn bị sóng nước đánh mạnh, nhiều người dân đang cố gắng kéo vào bờ - Ảnh: PHAN THÀNH

Tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn bị sóng nước đánh mạnh, nhiều người dân
đang cố gắng kéo vào bờ - Ảnh: PHAN THÀNH

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão giật cấp 10 đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi