Trong số hơn 30 nhà máy gạch tuynel trên địa bàn tỉnh đang hoạt động, nhiều nhà máy không có vùng nguyên liệu hoặc đã khai thác hết...
Các nhà máy sản xuất gạch tuynel mua gom nguyên liệu đã tiếp tay cho hoạt động khai thác đất trái phép. Trong ảnh: Hiện trường một vụ khai thác đất đồi trái phép tại phường Hoàng Tân (Chí Linh)
Do không chủ động được nguồn nguyên liệu, nhiều nhà máy gạch tuynel phải mua lại đất sét từ các tổ chức, cá nhân dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép, tác động xấu tới môi trường.
Nhà máy không vùng nguyên liệu
Theo số liệu của Sở Xây dựng, các cơ sở sản xuất gạch ngói nung trong tỉnh mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,7 triệu m3 đất sét. Tại những vùng tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch ngói lớn, nguồn nguyên liệu đã cạn kiệt trong khi việc tìm vùng nguyên liệu mới rất khó khăn. Ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm (Tứ Kỳ) cho biết vùng nguyên liệu của nhà máy đã hết hạn từ năm 2010, nhưng đến nay công ty vẫn chưa tìm được vùng mới. Công ty đã mua được một khu ruộng rộng khoảng 5 ha tại xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) làm vùng nguyên liệu. “Tiền đã trả người dân nhưng do vướng các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nên chưa biết đến bao giờ công ty mới có thể khai thác nguyên liệu ở khu vực này”, ông Hạt nói. Mấy năm qua, để duy trì sản xuất, công ty phải mua gom đất sét của các lò gạch thủ công đã dừng sản xuất; đất của các hộ dân thực hiện chuyển đổi, rồi đất đồi từ tỉnh ngoài. Đơn vị luôn bị động về nguồn nguyên liệu.
Trong số hơn 30 nhà máy gạch tuynel trên địa bàn tỉnh đang hoạt động, nhiều nhà máy không có vùng nguyên liệu hoặc đã khai thác hết, có nơi chưa giải phóng được mặt bằng để xin giấy phép khai thác theo quy định. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty CP Bến Triều (Kinh Môn) cho biết do vùng nguyên liệu đã khai thác hết nên doanh nghiệp đang cố gắng tìm vùng nguyên liệu mới. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp do chi phí giải phóng mặt bằng, khai thác, vận chuyển quá cao. Để duy trì sản xuất, công ty phải mua gom đất sét từ một số địa phương lân cận, hợp đồng vận chuyển đất đồi từ Bắc Giang về. “Đây chỉ là giải pháp tình thế vì mua gom không ổn định, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất. Việc tìm vùng nguyên liệu cũng không dễ do vướng nhiều thủ tục về đất đai”, ông Hưng cho biết thêm.
"Ăn đong"
Nhiều nhà máy sản xuất gạch tuynel rất khó tìm vùng nguyên liệu
Nhiều nhà máy gạch tuynel đã hoạt động hàng chục năm nay không có vùng nguyên liệu, hoặc có nhưng không tổ chức khai thác như Nhà máy gạch Yến Thanh (Nam Sách), Nhà máy gạch Hoàng Long (Tứ Kỳ), Công ty TNHH Mạnh Dũng (Chí Linh), Công ty TNHH Kim Thanh (Kim Thành)… Như thừa nhận của một giám đốc nhà máy gạch tuynel, việc đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức khai thác, vận chuyển nguyên liệu tốn kém hơn rất nhiều so với việc mua gom của tổ chức, cá nhân khác. Nhiều hộ dân lấy lý do cải tạo vườn tạp, hạ thấp độ cao đất canh tác, xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc đào ao thả cá để khai thác đất bán cho các nhà máy gạch. Khai thác bừa bãi làm cho nhiều diện tích bãi sông của các xã Đại Đồng, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), Đại Đức (Kim Thành), Thanh Hải, Phượng Hoàng (Thanh Hà), vườn đồi ở các xã, phường Thái Học, Hoàng Tân, Hoàng Tiến (Chí Linh) tan hoang, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Báo cáo điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hải Dương sẽ có 40 nhà máy gạch tuynel với tổng công suất thiết kế khoảng 1 tỷ 155 triệu viên/năm. Lượng nguyên liệu cho các nhà máy gạch tuynel sẽ rất lớn. Nhiều nhà máy có vùng nguyên liệu là đất 03, khoảng cách vận chuyển xa nên việc đền bù giải phóng mặt bằng, khai thác, vận chuyển không bảo đảm hiệu quả kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất, các nhà máy gạch tuynel cần nhanh chóng đề xuất, hoàn thành hồ sơ, thủ tục để cơ quan chuyên môn cấp phép khai thác nguyên liệu. Đẩy mạnh đầu tư thăm dò mỏ sét nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vùng nguyên liệu cần được quy hoạch ở khu vực đất bãi bồi ngoài đê ven sông, khu vực xa khu dân cư, không đưa vào quy hoạch đất nông nghiệp đang sản xuất hiệu quả. Đề nghị các cơ quan chuyên môn nên ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác cho các cơ sở đang sản xuất hoặc cơ sở chưa có vùng nguyên liệu.
VỊ THỦY - NGUYỄN LAN