Mang thai quá sớm hay quá muộn, sử dụng các chất kích thích, đa thai… là những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tỷ lệ sinh non hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân tử vong trẻ sơ sinh phần lớn là do sinh non (chiếm 25%).
Theo thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), tỉ lệ trẻ sinh non có xu hướng gia tăng qua các năm. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 6.000 trẻ sinh non, tăng 40% so với năm 2022 (khoảng 4.600 trẻ). Trong đó, trẻ sinh non dưới 34 tuần hơn 3.000 trẻ. Trẻ có số cân nặng nhẹ nhất chỉ từ 500 đến 600 gam.
Sinh non không chỉ gây nên nhiều biến chứng cho trẻ sơ sinh mà còn là gánh nặng về kinh tế. Ngoài ra, trẻ sinh non còn đối diện với các bệnh lý nghiêm trọng như hội chứng suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết, bệnh não thiếu oxy, các vấn đề về thị giác và thính giác...
Bác sĩ Nguyễn Diễm Hà - phó trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ - cho hay mỗi năm Việt Nam có khoảng 100.000 đến 115.000 trẻ sinh non ra đời. Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Nhiều nghiên cứu chứng minh tỉ lệ sinh non có liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phải kể đến như mẹ mắc phải bệnh lý trước đó như cao huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận, lupus, nhiễm trùng đường tiết niệu, đường sinh dục...
"Hiện nay tình trạng lứa tuổi vị thành niên quan hệ tình dục sớm nhiều, chưa trang bị kiến thức về tình dục, có thai ngoài ý muốn dẫn đến dễ sinh non. Ngoài ra, đối với lứa tuổi trên 35 đa phần hiếm muộn phải dùng đến biện pháp can thiệp hỗ trợ sinh sản sẽ có nguy cơ sinh non lớn.
Thói quen sinh hoạt của sản phụ như sử dụng nhiều chất kích thích, uống bia rượu, sử dụng ma túy làm gia tăng tình trạng sinh non. Đáng chú ý tình trạng đa thai tự nhiên hoặc đa thai có sự hỗ trợ sinh sản dẫn đến nguy cơ sinh non cao", bác sĩ Hà cho hay.
Theo bác sĩ Hà, trẻ sinh non cần phải tuân thủ quy trình điều trị cho trẻ sinh non như hồi sức tích cực lúc sinh, cấp cứu về hô hấp tuần hoàn trong một giờ đầu, phương pháp kangaroo...
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh - cho biết thêm tỉ lệ sinh non trên thế giới và tại Việt Nam có xu hướng tăng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng tỉ lệ sinh non. Đáng nói là do tuổi mang thai của phụ nữ ngày càng tăng, phụ nữ ngày càng có con trễ cũng là yếu tố tăng nguy cơ sinh non.
Song song với tuổi có thai trễ, người phụ nữ cũng có nhiều bệnh lý phụ khoa hay toàn thân trong lúc mang thai, làm tăng nguy cơ sinh non, như u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, đái tháo đường, tăng huyết áp...
Bên cạnh đó, một số yếu tố thường gặp khác như thừa cân, béo phì, stress, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng... cũng dẫn đến tăng nguy cơ sinh non.
"Khi người phụ nữ mang đa thai (nhiều hơn 1 thai) thì nguy cơ sinh non tăng hơn 6 lần so với 1 thai. Trong đa thai có hơn 60% trường hợp sẽ sinh non, so với hơn 10% ở những người mang 1 thai. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng tỉ lệ sinh non, bệnh tật và tử vong ở trẻ", bác sĩ Tường cho hay.
Theo dữ liệu báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ đẻ non nhẹ cân chiếm khoảng 19% trong mô hình bệnh tật trẻ sơ sinh. Tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 60% trong trẻ em dưới 5 tuổi và 71% trẻ tử vong dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân tử vong trẻ sơ sinh phần lớn là do sinh non, thấp cân, ngạt, chấn thương sau khi sinh, dị tật, nhiễm khuẩn. Trong đó nguyên nhân sinh non, nhẹ cân chiếm 25%.
Các nguyên nhân này có thể phòng tránh được như phụ nữ có thai cần phải khám thai định kỳ (ít nhất 4 lần theo quy định của Bộ Y tế), phát hiện nguy cơ bất thường thai nhi, chế độ dinh dưỡng hợp lý, lao động và luyện tập phù hợp...
Theo Tuổi trẻ