Bảo đảm lương, thưởng Tết của người lao động

25/01/2016 04:46

Người lao động (NLĐ) là tài sản vô cùng quý giá của doanh nghiệp. Cho nên quan tâm đến NLĐ vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, là thực hiện đầu tư chiều sâu cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp quan tâm đến NLĐ, lo lương, thưởng Tết cho NLĐ là chăm lo cho sự tồn tại, phát triển của chính doanh nghiệp. Karl Marx nói: "Vốn không sinh ra lời mà lao động mới sinh ra lời". Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách, chế độ quan tâm đến NLĐ, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, quy định việc trả lương, thưởng Tết cũng như những ngày nghỉ lễ trong năm. Thông qua việc trả lương, thưởng Tết đúng kỳ hạn để động viên NLĐ yên tâm, phấn khởi nỗ lực khắc phục khó khăn làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ. Chính vì nhận thức được tầm quan trọng trong việc quan tâm chăm lo đến đời sống NLĐ nói chung và lương, thưởng Tết nói riêng, nhiều doanh nghiệp đã, đang làm tốt việc này, tạo nên không khí vui tươi phấn khởi trong dịp Tết đến xuân về, NLĐ càng gắn bó hơn với doanh nghiệp, không sợ NLĐ bỏ việc trước hoặc sau Tết. Công đoàn cơ sở, người đại diện cho quyền lợi của NLĐ khi ký kết hợp đồng lao động đã đưa việc trả lương, thưởng vào nội dung thỏa ước lao động tập thể. Trong thỏa ước lao động tập thể cũng đã ghi rõ quyền lợi của NLĐ về tiền lương tháng thứ 13, tiền thưởng trong dịp Tết. Lương thưởng trong dịp Tết không phải là "cho", mà thực chất là người sử dụng lao động trả công cho NLĐ mà trong quá trình lao động sản xuất, kinh doanh trong 1 năm hoặc trong thời hạn NLĐ tạo ra, doanh nghiệp để lại lợi nhuận (trước thuế). Trong các yếu tố, khoản mục cấu thành giá thành sản phẩm cũng đã đưa các chi phí hữu ích này vào, bên cạnh việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Vậy khi xây dựng giá thành sản phẩm phải được tính đúng, tính đủ để khi trích lập các quỹ không gặp khó khăn.


Như vậy, việc bảo đảm lương, thưởng Tết là việc làm mà doanh nghiệp phải trả cho NLĐ, chứ không phải "cho" theo kiểu ban ơn. Đã gọi là "trả lương, thưởng Tết", đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng để tôn vinh giá trị công sức của NLĐ nên thay vì "trả" người ta hay gọi là "thưởng". Dân gian có câu: "Một nén tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Nhận một đồng tiền thưởng nó có ý nghĩa sâu xa về mặt tâm lý giữa người thưởng và người nhận, động viên, khích lệ NLĐ ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chỉ có từ 5-10 công nhân vẫn quan tâm đầy đủ lương, thưởng Tết cho NLĐ. Nhận thức rõ được ý nghĩa của việc trả lương, thưởng trong dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, nên việc trả lương tháng thứ 13 và thưởng Tết được thuận lợi. Ngoài việc trả lương, thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp còn chăm lo Tết cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc làm từ thiện xã hội. Doanh nghiệp còn bố trí xe đưa công nhân về quê ăn Tết, đón công nhân trở lại làm việc đúng thời hạn, tổ chức vui xuân, chúc Tết, coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai của NLĐ.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chăm lo tốt đến đời sống công nhân viên chức và NLĐ, cũng còn số ít những doanh nghiệp không quan tâm đến tiền lương, thưởng của NLĐ, chỉ nghĩ đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Không những mức thưởng "bèo bọt", có doanh nghiệp còn chậm trả lương, thậm chí nợ lương, lấy cớ để giữ chân NLĐ, gây bức xúc cho NLĐ. Không ít doanh nghiệp đối xử với NLĐ như vậy đã phải gánh chịu những thất bại trong sản xuất, kinh doanh, kinh doanh thua lỗ, sản xuất đình đốn, dẫn đến phá sản.

Nhằm khắc phục tình trạng này, ngành lao động, thương binh và xã hội phối hợp với các cấp công đoàn cần tăng cường kiểm tra, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với NLĐ, trong đó có việc bảo đảm trả lương, thưởng Tết Bính Thân 2016.

VŨ HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm lương, thưởng Tết của người lao động