Tin tức

Bảo đảm công bằng về chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Theo TTXVN 27/10/2023 14:20

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp

Bên lề Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ quan điểm của mình về dự thảo Luật này.

Đưa công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở vào quy củ

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) ghi nhận những tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật trình ra Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 này. Đơn cử như vấn đề lực lượng nào tham gia tổ chức bộ máy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chưa được quy định rõ trong dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 5, nhưng nay đã được quy định rõ trong dự thảo Luật tại kỳ họp lần này, đó là sự hợp nhất của 3 lực lượng: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết thêm, qua khảo sát thực tế địa phương, người dân tham gia các lực lượng dân phòng, bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đều thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, qua đó góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bình yên trên địa bàn. Do đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nếu được Quốc hội thông qua và triển khai trên thực tế ở địa phương sẽ không quá khó khăn.

“Thực sự mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng, không có gì vướng mắc, chỉ là sắp xếp lại đội ngũ gọn gàng theo quy định mới và chỉ đạo, hướng dẫn cho lực lượng này làm tốt hơn”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chia sẻ.

Đề cập đến một số ý kiến thảo luận trên hội trường về việc quy định độ tuổi tối đa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, trên thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, nhóm thanh niên trong độ tuổi lao động còn phải đi lao động và không có nhiều thời gian để tham gia vào lực lượng này, do đó chỉ còn nhóm đối tượng người cao tuổi vẫn còn đủ sức khỏe tham gia. Vì vậy, nếu Luật quy định trần độ tuổi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ gây khó khăn cho địa phương.

“Tôi cho rằng, các bác, các chú còn cảm thấy mình đủ minh mẫn, đủ sức lực, việc tham gia vào lượng này là chuyện bình thường và chúng ta cũng nên động viên”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết.

Cần tránh hiện tượng so bì chế độ chính sách

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến

Thể hiện sự quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho lực lượng an ninh ở cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng về cơ bản sau khi hợp nhất ba lực lượng: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một tổ chức mới thành lập. Đây được coi như là “cánh tay nối liền, nối dài” của UBND xã và lực lượng công an xã để làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.

Với trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng như vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, chính sách hỗ trợ cho lực lượng an ninh cơ sở cần được quan tâm. Tuy nhiên, theo đại biểu, dự toán chi bồi dưỡng cho lực lượng này hiện không được nêu trong dự thảo luật. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ chế độ bồi dưỡng cho lực lượng này.

“Ví dụ như mỗi người thực hiện nhiệm vụ được bồi dưỡng hằng tháng tương đương mức lương cơ sở. Ngoài ra, còn có các chế độ chính sách, chế độ khác như quần áo, giày dép, công cụ hỗ trợ, đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác”, đại biểu đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng lưu ý khi xây dựng chế độ chính sách bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở cũng cần đảm bảo tính công bằng với chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng khác ở cơ sở.

“Cần tránh tình trạng không đồng đều đối với những lực lượng khác còn lại. Trong khi bồi dưỡng lực lượng này chế độ cao hơn thì các lực lượng khác còn lại như lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, Mặt trận và các đoàn thể ở thôn, ấp, bản, làng lại có chế độ bồi dưỡng thấp... Đây là một vấn đề rất nan giải, khả năng dẫn đến tình trạng so bì giữa các lực lượng ở cơ sở. Đấy là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm”, đại biểu chia sẻ.

Cũng bày tỏ sự quan tâm đến độ tuổi của lực lượng bảo vệ an ninh ở cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa lại có quan điểm khác với đại biểu Nguyễn Hải Dũng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, dự thảo Luật cần có quy định về giới hạn về tuổi.

Đại biểu lý giải, dự thảo Luật đã xác định lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là "cánh tay nối dài" với lực lượng công an xã, có khả năng tuần tra, canh gác ngày, đêm, đồng thời có khả năng điều tiết giao thông. Do đó, nếu để thành viên của lực lượng này là những người có độ tuổi 70 và nhiều hơn ra điều tiết giao thông hay đi tuần tra canh gác cùng lực lượng công an xã ban đêm thì không đảm bảo được hiệu quả công việc, nhiệm vụ của tập thể, thậm chí còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của chính cá nhân tổ viên tổ an ninh trật tự cơ sở. Vì vậy, đại biểu đề nghị phải có giới hạn về tuổi của lực lượng này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo TTXVN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo đảm công bằng về chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở