Bảo đảm cơ cấu, thành phần, chất lượng ứng cử viên

20/04/2016 14:54

Danh sách các ứng cử viên chính thức đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cơ bản bảo đảm cơ cấu, thành phần và chất lượng.



Qua hội nghị hiệp thương lần 3, huyện Bình Giang đã chốt danh sách chính thức 53 người ứng cử
 đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Lê Cương


Đến hết ngày 17-4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và toàn bộ các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần 3 thống nhất lập danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Danh sách các ứng cử viên chính thức đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cơ bản bảo đảm cơ cấu, thành phần và chất lượng.

Bảo đảm cơ cấu, thành phần

Hội nghị hiệp thương lần 3 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức sáng 15-4 đã thống nhất danh sách chính thức gồm 13 người đang công tác và làm việc trên địa bàn tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và 104 ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh. Trong danh sách 15 người ứng cử ĐBQH đã được giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần 2, có 2 ứng cử viên là Nguyễn Thị Hòa và Vũ Thị Hương (cùng là giảng viên của Trường Đại học Hải Dương) có đơn xin rút. Sau phần thảo luận, các đại biểu tán thành cho 2 ứng cử viên trên xin rút do có lý do chính đáng. Hội nghị đã tiến hành biểu quyết 100% nhất trí thông qua danh sách 13 ứng cử viên đang làm việc, công tác tại tỉnh ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH khóa XIV có 6 người là nữ (46%), 4 người dưới 35 tuổi (30%) và 2 người ngoài Đảng (15%). Thành phần trong danh sách ứng cử viên bám sát theo sự thống nhất từ hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, gồm: 1 ứng cử viên là Thường trực Tỉnh ủy, 3 ứng cử viên thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 3 ứng cử viên thuộc Tỉnh đoàn, 3 ứng cử viên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, 1 ứng cử viên thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và 2 ứng cử viên thuộc Trường Đại học Hải Dương. Các cơ cấu kết hợp đều bảo đảm đủ và vượt các quy định theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Cũng tại hội nghị hiệp thương lần 3, có 104 người đã được lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, trong số 110 người đã lập danh sách tại hiệp thương lần 2 có 7 người viết đơn xin rút không ứng cử. Sau khi thảo luận, xem xét về số dư ứng cử viên so với số đại biểu được bầu, hội nghị chỉ đồng ý cho 6 người rút không ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Trong số 104 ứng cử viên chính thức có 36 người là nữ (34,6%), 12 người dưới 35 tuổi và 12 người ngoài Đảng (đều đạt 11,5%); 26 đại biểu HĐND khóa XV tái cử (25%). Việc giảm số lượng ứng cử viên không ảnh hưởng đến các cơ cấu kết hợp của ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh. Theo danh sách này, số ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh được phân bổ hợp lý từ khối cơ quan Đảng, chính quyền cấp tỉnh đến các khối huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo, khối cơ sở... bảo đảm sự đại diện đầy đủ của các thành phần cử tri, nhân dân.
Các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn cũng đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ 3 theo đúng quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, thống nhất lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp. Toàn tỉnh đã lập danh sách chính thức 723 ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện sau khi đồng ý cho 61 người có đơn xin rút. Đến chiều 19-4, Ủy ban MTTQ các cấp cũng đang tổng hợp số liệu sau hội nghị hiệp thương lần 3 cấp xã.

Theo tổng hợp nhanh của Ủy ban MTTQ tỉnh, cơ cấu, thành phần ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp cơ bản bảo đảm theo quy định. Nhiều địa phương có cơ cấu kết hợp cao, thành phần được phân bổ hợp lý, bảo đảm số lượng người của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Một số địa phương có cơ cấu kết hợp cao như huyện Bình Giang có tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND huyện đạt 50,9%, huyện Kinh Môn đạt 41,8%, thị xã Chí Linh đạt 41,42%... Tỷ lệ ứng cử viên là người trẻ tuổi ở nhiều địa phương cũng đạt cao như huyện Thanh Miện đạt 31,2%; Nam Sách đạt 34%... Tính bình quân ở cấp xã có nhiều địa phương có cơ cấu kết hợp cao, như tại huyện Kim Thành cơ cấu nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã đạt 39,6%, tuổi trẻ đạt 22,1% và ứng cử viên ngoài Đảng đạt 33,9%...

Nâng cao chất lượng


Qua hội nghị hiệp thương lần 3, chất lượng ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cơ bản đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đại biểu. Trong 13 ứng cử viên ĐBQH khóa XIV đang công tác và làm việc tại tỉnh có 9 người có trình độ thạc sĩ, 1 người có trình độ tiến sĩ, 1 ĐBQH khóa XIII tái cử. Tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, đa số cử tri đều đánh giá cao về trình độ, phẩm chất đạo đức, tác phong, trách nhiệm với công việc của các ứng cử viên ĐBQH. 100% số cử tri nơi ứng cử viên cư trú đều nhất trí cao thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng vào các ứng cử viên ĐBQH.

Trong số 104 ứng cử viên HĐND tỉnh cũng có tới 47 người có trình độ thạc sĩ, 6 tiến sĩ; 26 ứng cử viên HĐND tỉnh khóa XV tái cử. Ở nhiều huyện và cấp xã, chất lượng về trình độ của các ứng cử viên cũng đạt ở mức cao. Nhiều địa phương có tỷ lệ ứng cử viên có trình độ chuyên môn cao như huyện Nam Sách, trong số 53 ứng cử viên đại biểu HĐND huyện có 11 người trình độ thạc sĩ,  34 người trình độ đại học; huyện Kim Thành có 39 người trong số 55 ứng cử viên đại biểu HĐND huyện có trình độ đại học trở lên...

Cũng tại hội nghị hiệp thương lần 3, sau khi rà soát, một số xã, thị trấn đã thống nhất loại khỏi danh sách những ứng cử viên đại biểu HĐND xã vi phạm pháp luật, ứng cử viên không bảo đảm tiêu chuẩn.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã bàn giao danh sách chính thức ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh cho Ủy ban Bầu cử tỉnh để tiến hành các bước tiếp theo. Thông qua hội nghị hiệp thương lần 3 với việc lập danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp sẽ giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại các địa phương tổ chức bước tiếp theo là các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử trực tiếp gặp gỡ, vận động, thuyết phục cử tri.

PV

(0) Bình luận
Bảo đảm cơ cấu, thành phần, chất lượng ứng cử viên