Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

30/01/2015 18:10

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phải là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, người sản xuất, chế biến và các cấp chính quyền.


Tuy nhiên, người tiêu dùng ở nhiều nơi vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ATVSTP… gây thiệt hại không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về sức khỏe, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

Tết Ất Mùi đã đến gần, là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Do đó, công tác bảo đảm ATVSTP cần được tăng cường. Ban chỉ đạo về chất lượng ATVSTP cấp huyện cần khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân 2015. Cần tăng cường quản lý nhà nước về ATTP nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; bảo đảm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm ATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; hướng dẫn người dân lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các thực phẩm không bảo đảm an toàn, gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu. Tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố với khẩu hiệu "Nói không với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn".

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm quy định về ATVSTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ, Tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản… Chú trọng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở đã từng được phát hiện có vi phạm quy định về ATTP.

Để các hoạt động trên được triển khai thực hiện hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn chủ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và thực hiện đúng Luật ATTP; đồng thời tuyên truyền, cung cấp kiến thức để giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm về ATTP. Tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động, sản phẩm không bảo đảm an toàn tiếp tục lưu thông, tài liệu quảng cáo sai quy định được lưu hành. Cần thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những cơ sở vi phạm, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

HOÀNG KẾ(Cẩm Giàng)

(0) Bình luận
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết