Sáng 12-11, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật An toàn vệ sinh lao động và thảo luận về dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Xuân Thăng phát biểu ý kiến về dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)
Ảnh: Đình Nam
Tai nạn lao động cướp sinh mạng 700 người/nămTờ trình dự án Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày nêu rõ, việc xây dựng luật được chuẩn bị trên cơ sở thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng; bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, Tờ trình cũng nêu rõ, việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực có nguy cơ cao. Trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người chết do tai nạn lao động trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm). Trên 40 nghìn người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hằng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là trên 37 nghìn người.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, số lượng người được huấn luyện về ATVSLĐ năm sau tăng so với năm trước nhưng vẫn đạt tỷ lệ thấp, còn cách xa so với tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ. “Người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, chưa quen với tác phong công nghiệp và bị hạn chế về kỷ luật lao động, thiếu huấn luyện về ATVSLĐ nên chưa hiểu biết đầy đủ về các mối nguy hiểm cần đề phòng”, Bộ trưởng Chuyền nói.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, việc bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đồng thời bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ là những mục tiêu quan trọng của dự thảo Luật này.
Cần quy định cụ thể về hình thức giám sát của MTTQThảo luận dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu QH quan tâm tới hai nội dung về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam (chương V) và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (chương VI).
Đối với hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù khoản 1 điều 26 của dự thảo luật khẳng định “Giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước...” nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự “hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước”.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) phân tích khoản 1 điều 26 dự thảo luật khẳng định giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của nhà nước, góp phần kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo luật là cần thiết. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Không nên đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
Thảo luận về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đề nghị nên có quy định theo hướng đóng tiền hoặc làm việc công ích nhất định để thay thế nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) phản đối việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự. Theo đại biểu Thi, đi nghĩa vụ quân sự nghĩa là được trang bị kiến thức quốc phòng, để khi cần thiết tổng động viên thì có thể tham gia chiến đấu ngay. Nếu có nghĩa vụ thay thế thì dù bằng cách nào cũng không thể trang bị cho công dân kiến thức quốc phòng, nghĩa là không thể thay thế được. “Ý kiến dùng tiền thay thế là không chấp nhận được. Cho đóng tiền được miễn nghĩa vụ quân sự sẽ xảy ra chuyện con nông dân thì sẽ đi bộ đội còn con nhà giàu sẽ không phải đi. Đóng tiền là phản cảm, mất đi tính thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự”, đại biểu Thi nói.
Về đối tượng gọi nhập ngũ, đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) nói: "Gia đình thuộc diện nghèo đói mà lao động chính lại đi nghĩa vụ quân sự nữa thì nghèo càng thêm nghèo. Tôi đề nghị cân nhắc hoãn gọi nhập ngũ đối tượng này”. Theo đại biểu Hưng, đối tượng tuyển nghĩa vụ hiện nay được mở rộng, Nhà nước cũng có nhiều chính sách đối với người nghèo. Nếu vì đi nghĩa vụ quân sự mà gia đình rơi vào cảnh bế tắc về kinh tế vì mất đi lao động chính thì cần xem lại. Những thanh niên đã có vợ con thì cũng không nên gọi nghĩa vụ quân sự. “Có lần đi tuyển quân, tôi đã gặp cảnh dở khóc dở cười khi vợ một thanh niên vừa trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ẵm con để trước hàng quân rồi đi về vì chồng đi nghĩa vụ không có người phụ nuôi con”, đại biểu Hưng kể. Đại biểu Hưng cho biết trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của TP Hồ Chí Minh cũng rất ít người đã có gia đình. Do đó, quy định này sẽ mang tính nhân văn và không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển quân.
Đại biểu Ngô Ngọc Bình (TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc tăng thời gian nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng là rất cần thiết bởi nay thời gian huấn luyện thực binh cho chiến sĩ đi nghĩa vụ quân sự chỉ khoảng 10 tháng, không bảo đảm yêu cầu tác chiến. Theo đại biểu Bình, việc quy định thời gian nghĩa vụ quân sự 24 tháng sẽ bảo đảm công bằng khi chiến sĩ nghĩa vụ bộ binh chỉ 18 tháng nhưng hải quân lại kéo dài đến 24 tháng.
TTXVN-TT
Ngày 13-11, các đại biểu QH thảo luận tại tổ. Buổi sáng, QH thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự án Luật Thú y.
|