Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, triển khai công tác phòng chống thiên tai theo phương án "4 tại chỗ"; cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ... Kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập.
Các địa phương phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh giám sát vận hành an toàn hồ đập, không tích nước với các hồ chứa không bảo đảm an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát cung cấp số liệu cho các đơn vị chức năng theo quy định...
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện thông báo đến chính quyền cơ sở, người dân, các tổ chức hoạt động trên sông, ven sông, chủ cơ sở nuôi cá lồng, phương tiện vận tải thủy... biết thông tin các hồ thủy điện xả lũ để có biện pháp chủ động phòng tránh. Rà soát các phương án chống lũ theo kế hoạch, đặc biệt là các công trình trọng điểm đê điều, khu dân cư ngoài bãi sông, khu vực bãi sông đang sạt lở để sẵn sàng ứng phó.
UBND cấp xã tổ chức thông báo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở nuôi cá lồng, chủ bến bãi tại bãi sông triển khai phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản, giải tỏa vật liệu, vật cản lũ bảo đảm thoát lũ trên sông...
Hiện các hồ thủy điện Sơn La, Thác Bà, Hòa Bình đã mở cửa xả đáy. Tình hình mưa lũ thượng nguồn còn diễn biến phức tạp nên có thể tiếp tục phải mở thêm cửa xả đáy ở các hồ này.
TRẦN HIỀN