Bảo đảm an toàn giao thông

14/09/2011 07:19

Lực lượng công an, thanh tra giao thông tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT.


Quốc lộ 5 luôn là tuyến đường nóng về trật tự an toàn giao thông

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ- CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn người dân chấp hành tốt quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 mặt: số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Qua 9 tháng gần đây (từ tháng 12-2010 đến hết tháng 8-2011), toàn tỉnh xảy ra 114 vụ TNGT đường bộ, làm chết 123 người, bị thương 44 người, thiệt hại tài sản trên 520 triệu đồng. TNGT đường sắt xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người. Có thể thấy rõ bên cạnh những thành tích đã đạt được nhằm kiềm chế TNGT, tỉnh nhà vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như: hạ tầng kỹ thuật giao thông phát triển chưa đồng bộ, khoa học; nguồn tài chính đầu tư cho giao thông vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Điều thấy rõ là chúng ta chưa đầu tư đồng bộ xây dựng các tuyến đường gom ven quốc lộ, tỉnh lộ, nơi thường xuyên xảy ra TNGT như quốc lộ 5, 18, 37, tỉnh lộ 38B, 391, 388... ; hành lang ATGT vẫn bị lấn chiếm; ô tô chở quá tải trọng làm hư hại nhanh hệ thống giao thông và khó đầu tư nâng cấp trở lại. Nhiều người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường theo quy định. Nhiều người uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Tỉnh chưa có bộ phận y tế sơ cứu, cấp cứu TNGT trên đường, nạn nhân đau đớn và thương tật nặng thêm bởi chậm được đưa tới cơ sở y tế hoặc vận chuyển nạn nhân không đúng cách...

Tháng ATGT năm nay có chủ đề “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Để thực hiện tốt Tháng ATGT, các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội và mỗi người dân cần có những hành động tích cực, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; cùng chung tay xây dựng “văn hóa giao thông”, góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Lực lượng cảnh sát giao thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT. Kết hợp với phòng giáo dục các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trong các trường học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xây dựng các nội dung văn hóa giao thông, các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 34/2010/NĐ- CP của Chính phủ; tuyên truyền trực tiếp cho người tham gia giao thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; duy trì thực hiện thông báo vi phạm trật tự ATGT về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú của người vi phạm.

Lực lượng công an, thanh tra giao thông tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT. Đặc biệt, cần tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Huy động lực lượng công an xã, phường, thị trấn tham gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ. Xử lý nghiêm người đi xe mô-tô không đội mũ bảo hiểm. Tập trung kiểm soát, xử lý vi phạm với xe chở khách, xử lý thật nghiêm với những lái xe khách vi phạm nồng độ cồn. Các sở, ban, ngành, MTTQ phát động toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nghiêm túc thực hiện không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; tổ chức các đội thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT tại các nút, tuyến giao thông trọng yếu. Các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, đường sông của Trung ương, địa phương phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, tập trung tuyên truyền, giải tỏa những công trình xây dựng trái phép, họp chợ, kinh doanh buôn bán, tập kết vật liệu, cản trở luồng chạy tầu... vi phạm hành lang giao thông, bảo đảm ATGT cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

MỸ LINH
(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Bảo đảm an toàn giao thông