Toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 100 bến đò khách ngang sông cùng khoảng 200 phương tiện hoạt động. Do đó khi mùa mưa bão đến việc bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải thủy trở nên cấp thiết.
Hầu hết các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh đã chủ động tu sửa,
bảo đảm an toàn cho hành khách trong mùa mưa bão
Sau các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải thủy ở tỉnh ta được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết khi mùa mưa bão đã đến.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn 100 bến đò khách ngang sông cùng khoảng 200 phương tiện hoạt động. Những huyện nhiều bến đò ngang là Kinh Môn 24 bến, Thanh Hà 18 bến, Kim Thành 10 bến, Tứ Kỳ 9 bến… Theo các cơ quan chức năng, mặc dù từ trước đến nay hầu như không xảy ra trường hợp tai nạn chết người nào tại các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh, song không vì thế mà công tác bảo đảm an toàn bị coi nhẹ. Theo Đội Thanh tra giao thông đường thủy (Sở Giao thông vận tải), hằng năm, trước mùa mưa bão đơn vị đều xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh các bến khách ngang sông. Những trường hợp vi phạm tùy theo mức độ đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, vi phạm nặng sẽ bị đình chỉ hoạt động. Gần đây nhất, ngày 3-6, Thanh tra đường thủy đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động một phương tiện tại bến đò xã An Phụ (Kinh Môn) do phương tiện này đã quá thời hạn đăng kiểm. Bến đò này tồn tại khoảng 100 năm nay, nối xã An Phụ với xã Phúc Thành (Kim Thành). Mỗi ngày, bình quân 2 phương tiện tại bến chuyên chở khoảng 200 lượt hành khách và hàng trăm xe máy, xe đạp.
Đến thời điểm này, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, hầu hết các bến đều chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Các bến đều xây dựng nhà chờ, niêm yết nội quy, giá vé, xây dựng đường lên, xuống đò kiên cố, an toàn. Chủ đò Bãi Mạc, xã Thượng Quận (Kinh Môn) cho biết, do chấp hành tốt các quy định nên từ trước đến nay tại bến không xảy ra tai nạn đáng tiếc nào. Qua mỗi lần lực lượng thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra, chấn chỉnh, chủ bến cũng đã khắc phục ngay những tồn tại. Việc ký cam kết “Chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động và vận chuyển khách trên đường thủy nội địa” cũng được chủ bến, chủ đò thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Lưu Văn Ngự, phụ trách Đội Thanh tra giao thông đường thủy, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn đối với các phương tiện thủy là việc làm thường xuyên của lực lượng thanh tra. Tuy nhiên, công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên hơn. Năm nay, lực lượng này sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn, như người điều khiển không có chứng chỉ, phương tiện cũ nát, quá hạn đăng kiểm, phao cứu sinh không đủ số lượng hoặc không bảo đảm chất lượng. Ông Ngự cũng cho biết thêm, việc cơ quan chức năng kiểm tra tuy đã mang lại hiệu quả nhất định, song cần nhất hiện nay là các địa phương tăng cường quản lý, nhắc nhở. Đồng thời, chủ các phương tiện cần nâng cao trách nhiệm, tự giác thực hiện các quy định của pháp luật thì việc bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay mới thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.
TIẾN HUY