Bao chiều suy tư “Trăng hẹn một lần thu”

23/08/2020 12:43

Trăng hẹn một lần thu phải chăng là hẹn được một lần căng đầy, tròn trịa viên mãn, được một lần ở độ đẹp nhất, tập thơ đã mở ra cho độc giả bao chiều suy tư.



Trọn vẹn 50 bài lục bát trong tập thơ Trăng hẹn một lần thu của tác giả Bình Nguyên (Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình) vẫn là những đề tài quen thuộc khi viết về quê hương, số phận con người. Nhà thơ Bình Nguyên đã chọn cho mình những góc ngắm khoảnh khắc, những lát cắt tâm trạng khác nhau để trong mỗi câu thơ, mỗi bài thơ độc giả luôn tìm thấy sự mới mẻ, bất ngờ và cả sự ám ảnh.

Tôi đã tò mò lần giở tìm đọc ngay bài thơ tác giả đặt nhan đề cho tập của mình: Trăng hẹn một lần thu. Điều bất ngờ là không có bất cứ hình ảnh trăng thu nào mà chỉ có những tâm sự mang mang tiếc nuối, những triết lý sâu xa… Thơ Bình Nguyên là thế, những gì anh gửi gắm, gói nén vào thơ luôn ở đáy sâu lớp vỏ ngôn từ, hình ảnh. Để hiểu được thơ Bình Nguyên, người đọc không thể đọc vội, đọc một lần mà phải đọc bằng các giác quan, sự trải nghiệm, nhạy cảm mới thấy hết được cái thi vị, đắng chát, nhọc nhằn, lỡ dở, cái thâm trầm trong thơ anh.

"Chắt chiu từng đốm khuya tàn/Nhóm lên đi ngọn lửa giàn giụa nhau/Mùa theo nhan sắc qua cầu/Ta như cuống lá cuối màu thu phai…(Trăng hẹn một lần thu). "Nhóm lên đi ngọn lửa giàn giụa nhau", người đọc thường bần thần trước mỗi câu thơ của Bình Nguyên, quen thuộc mà mới lạ, tinh tế mà sâu sắc, thơ anh rất khó đoán định bởi luôn có yếu tố bất ngờ, đầy sáng tạo. 

Ngay cả khi anh viết về những điều dung dị, chân thật nhất, người đọc vẫn nhận thấy tầm khái quát triết lý, sự khuyết tròn, nắng mưa, đêm ngày, không chỉ ở trong vũ trụ trời đất, trong quy luật muôn đời mà còn nằm ở nơi dấu chân của mỗi con người, cái dấu chân thầm lặng ấy: "Bao nhiêu sắc nhọn đời này" để rồi "Bấy nhiêu những vết chai dầy đi qua", mới thấy hết sự chịu đựng, bản lĩnh, can trường của mỗi người khi trải qua bao thử thách, trắc trở, bao biến cố của cuộc đời: "Bao nhiêu sắc nhọn đời này/Bấy nhiêu những vết chai dầy đi qua/ Ngã vào bão gió trong ta/Bước lên những gập ghềnh xa lại còn" (Dấu chân).

Bất cứ câu thơ nào, bài thơ nào người đọc cũng nhận thấy cái trầm tư sâu lắng, cái triết lý trong thơ Bình Nguyên, từ những hình ảnh bình dị nhất, gần gũi nhất. Đó là kết quả của sự quan sát, trải nghiệm, suy tư. Đằng sau những câu chuyện của đá, của cỏ cây hoa lá là những chiêm nghiệm, những đớn đau, xót xa mà cũng đầy bao dung nhân hậu: "Bao nhiêu đá trẻ, đá già/ Không cao được đội nhau mà cao lên.../ Mỗi lần nước mắt đá rơi/ Lại thành nguồn sống xanh tươi trập trùng" (Với cao nguyên đá), hay "Nghìn xưa đâu cũng là nhà/ Nghìn sau nữa cỏ chỉ là cỏ thôi/ Biết gần từ những xa xôi/Biết xanh từ những nắng nôi bạc màu" (Kiếp cỏ).

Hơn một lần nhà thơ viết về cỏ. Dường như với Bình Nguyên, câu chuyện về cỏ chưa bao giờ cũ. Ẩn sau cái bình dị, nhỏ bé, cái mong manh của kiếp cỏ là sự kiên cường nhẫn nại, là sự vươn lên từ những thử thách khắc nghiệt của thời gian, của "những nắng nôi bạc màu", dẫu gió dập mưa vùi thì cỏ vẫn xanh, vẫn độ lượng vẫn "Vun từng bước chân người đi qua" dẫu có đôi khi những bước chân ấy vô tình với cỏ, bạc bẽo với cỏ.

Trong thơ Bình Nguyên người đọc không khỏi dưng dưng nghẹn ngào khi đọc những câu thơ, những bài thơ viết về mẹ, về những người phụ nữ, người chị, người em: Mẹ, Gửi nàng vọng phu, Gửi chị Tầm, Nhớ chị Cát. Cái mặn chát, cái cay tủi luôn phảng phất hắt chiếu trong thơ anh luôn có bóng dáng của mẹ, của chị. Là mẹ của anh hay bất kỳ người mẹ nào nhà thơ cũng luôn khắc họa hình ảnh người mẹ lam lũ, khổ nhọc, chịu nhiều đắng cay vất vả nhưng vẫn một lòng hy sinh cam chịu vì con, vượt lên số phận thắp lên cho con niềm tin yêu, là điểm tựa cho con: "Tiễn con bận ấy lên tàu/ Mẹ về nén giữa hai đầu nắng mưa/Đất phèn bạc áo từ xưa/ Nén hương mẹ khấn mẹ thưa với lời" (Mẹ), hay "Hai tay chị vốc lên ngày/ Ngày rơi xuống chị mà đầy xót thương/ Ngậm ngùi nhặt tuổi tàn hương/Rồi đem nước mắt rải đường đi xa" (Nhớ chị Cát).

 Và nữa những vần thơ khi viết về cha “phận cha, vẫn thấy cha về” luôn là niềm yêu thương, an ủi, nhưng có khi lại là những bi kịch, nỗi dằn vặt mà đi hết cuộc đời vẫn đau đáu, vẫn chưa hóa giải được: "Nợ con không trả được rồi/Cha mang thương nhớ lở bồi đi xa/Trời ơi giọt máu của cha/Mà sao mang họ người ta thế này…" (Phận cha).

Bên cạnh những bài thơ về thân phận mỗi cuộc đời, mỗi con người, nhà thơ Bình Nguyên luôn đau đáu bao nỗi niềm với quê hương: Quê ơi, Chợ đất, Nhẩy đầm ở quê, Ra phố nhớ làng.

"Bàn tay cày cuốc gieo trồng/Bỗng quen xé mảnh ruộng đồng trao tay" (Chợ đất). Mảnh ruộng bao đời nhọc nhằn cùng với kiếp quê nuôi dưỡng bao nhiêu kiếp người bỗng dưng lại bị chính bàn tay quen cày cuốc gieo trồng "Bỗng quen xé mảnh ruộng đồng trao tay"  thì còn gì đau đớn, xót xa hơn. Những bờ xôi ruộng mật, những bờ cỏ xanh mướt đã đi vào thơ ca vốn lãng mạn là thế, thanh bình là thế, mà Bình Nguyên phải thốt lên những lời gan ruột: "Phố dọc ruộng, phố ngang đồng/ Này đâu liềm hái gánh gồng xa nhau" (Ra phố nhớ làng). Tất cả rồi chỉ còn những tiếc nuối, những hoài niệm nên thơ mới chao chát thế.

Nói đến thơ Bình Nguyên không thể không nói đến những bài thơ tình. Thơ anh bỏ bùa người đọc từ những bài thơ tình chưa một lần trọn vẹn. Người đọc thường bắt gặp một Bình Nguyên độc thoại trong thơ mình, bắt gặp sự giày vò, giằng xé, day dứt trong từng con chữ: Về dại, Sông Ninh, Thơ cho cà sa em, Gửi một chiều mưa…

Trăng hẹn một lần thu phải chăng là hẹn được một lần căng đầy, tròn trịa viên mãn, được một lần ở độ đẹp nhất, tập thơ đã mở ra cho độc giả bao chiều suy tư. 

PHẠM THỊ THÚY NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bao chiều suy tư “Trăng hẹn một lần thu”