Thế bấy giờ làm kiểm duyệt chú “xóa bỏ” của người ta thì chú thử đoán xem người ta có yêu chú không?
Nhà báo, nhà văn nước ta, dưới thời thuộc Pháp viết, in “cái gì” đó chống lại chính quyền, “cổ động lòng yêu nước”, có “dấu hiệu kích động”, tuyên truyền Cộng sản, đều bị một cơ quan gọi là “Ty kiểm duyệt” cắt, bỏ, có khi hàng chục trang.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thành công, nhà văn Nguyễn Công Hoan được phân công vào đúng các việc của Ty kiểm duyệt. Trong cơ quan mới có chàng nhân viên chế độ cũ, đã từng cắt bỏ văn chương của bao nhiêu người, trong đó có ông Hoan. Vì vậy, nhà văn có ý không “đằm thắm” lắm với chàng nhân viên này, đôi lúc còn nói cạnh:
- Xưa kia, anh này vẫn xóa bài của ta.
Việc đến tai Bác. Một lần Bác mời nhà văn đến gặp. Sau đây là cuộc trao đổi:
- Ngày trước chú có viết báo phải không?
- Vâng ạ.
- Có bị “kiểm duyệt bỏ” bao giờ không?
- Thưa cụ, nhiều lắm ạ.
- Thế chú có ưa kiểm duyệt không?
- Thưa, không ạ.
- Phải nói là ghét mới đúng. Thế bấy giờ làm kiểm duyệt chú “xóa bỏ” của người ta thì chú thử đoán xem người ta có yêu chú không?
Đến đây thì nhà văn “tắc tị”. Bác cười rồi nhẹ nhàng nói:
- Kiểm duyệt và báo chí phải thân với nhau. Người ta đã đặt hết tâm trí mới viết ra được bài báo, cũng như đẻ một đứa con. Nay, mình thấy cái mặt hay cái tay của đứa bé có vết chàm, có mụn ghẻ thì nên báo cho người mẹ chữa cho cháu và mách cách chữa như thế nào. Nếu mình lại chặt cái mụn, cái tay ấy đi thì đứa bé còn ra hình thù gì nữa. Đời nào bố mẹ cháu bé đồng tình với mình. Vậy khi ấy chú có biết người ta oán ai không?
Đến đây thì nhà văn trả lời được:
- Dạ, thưa cụ, họ oán chính quyền ta ạ.
- Đúng, chú nói đúng. Họ không oán chú đâu. Họ oán chính quyền. Chính quyền là của nhân dân. Cơ quan ngôn luận, báo chí cũng là của nhân dân. Chính quyền phải giúp báo chí, ngôn luận tiến bộ.
Bác giơ tờ báo “Quốc gia” cho nhà văn xem, trên đó chằng chịt những nét gạch chì xanh, đỏ, kể cả quảng cáo. Bác cho biết nét gạch xanh là lỗi về chính trị, gạch đỏ là lỗi về chữ nghĩa văn chương.
Nhà văn báo cáo:
- Thưa cụ, “cái” tờ này bài viết kém, in ấn cũng kém, cháu ngại nhất là đọc “nó”.
Chủ tịch nước ôn tồn:
- Báo người ta kém, mình càng phải đọc giúp họ chứ.
Mấy hôm sau Hồ Chủ tịch họp báo. Người hỏi:
- Báo “Quốc gia” đâu?
- Dạ, thưa có.
Bác cầm tách cà phê, chia đôi cho nhà báo đại diện “Quốc gia” một nửa, nói:
- Thưởng cho chú để cố gắng.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có mặt ở đấy, đứng như trời trồng.