Báo chí trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

17/06/2021 15:28

Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo đã được khẳng định.


Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng

Ðây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Ðảng. Vai trò của đội quân xung kích ấy lại càng được thể hiện rõ trong bối cảnh hiện nay, khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, báo chí Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào công tác thông tin, tuyên truyền, chung tay đẩy lùi COVID-19.

96 năm báo chí đồng hành cùng dân tộc

Cách đây 96 năm, ngày 21.6.1925, báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã xuất bản số đầu, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Dưới sự dìu dắt, lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ, báo Thanh Niên và lớp thế hệ các nhà báo vô sản đầu tiên đã dũng cảm, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, tạo bước khởi đầu rất quan trọng về mặt tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, góp phần đẩy mạnh phong trào đấu tranh, tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước đầu tiên của giai cấp công nông ở Ðông Nam châu Á.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Trong các cuộc kháng chiến vĩ đại giành và giữ độc lập dân tộc, nhiều thế hệ nhà báo không ngại gian khó, hy sinh, trực tiếp có mặt ở tuyến đầu khói lửa, phản ánh kịp thời khí thế chiến đấu, cổ vũ quân và dân ta đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm, góp sức làm nên Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Trong kháng chiến, hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong tư thế tay bút, tay máy, tay súng.

Khi đất nước bước vào thời kỳ cả nước đi lên CNXH, chúng ta tự hào có nhiều nhà báo, bằng tâm huyết, trí tuệ và tấm lòng cao cả, đầy trách nhiệm với Ðảng, với Tổ quốc, đã dày công nghiên cứu, tìm tòi trong thực tiễn để có những tác phẩm báo chí có giá trị cao, góp phần giải quyết kịp thời những bức xúc về kinh tế-xã hội, tháo gỡ những điểm nghẽn, cổ vũ, động viên những điển hình dám nghĩ, dám làm; góp sức với Ðảng hình thành đường lối đổi mới, tạo cơ sở để đất nước bước vào thời kỳ phát triển quan trọng.

Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và không ngừng vươn lên, ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bản lĩnh chính trị và tính chuyên nghiệp của đội ngũ người làm báo cũng ngày càng được nâng cao. Phát triển đa dạng, phong phú các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại, gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Hôm nay, chúng ta tự hào về đội ngũ trên 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 21.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Lực lượng xung kích trên mặt trận chống “giặc” COVID-19

Học tập tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo Hồ Chí Minh, tiếp bước các thế hệ cha anh, đội ngũ những người làm báo hôm nay, đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi "đầu sóng", "ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo; hăng hái thâm nhập thực tế ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội, thiên tai, bão lũ…; bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp. Không ít nhà báo đã có nhiều bài viết mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực (kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…), đạt giải cao trong các Giải báo chí quốc gia, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, về thông tin đối ngoại…

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều cam go, phức tạp, phát huy những truyền thống tốt đẹp đã có trong lịch sử, những người làm báo lại tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, có mặt trên tất cả các “điểm nóng” của dịch bệnh COVID-19 cả ở trong và ngoài nước, góp phần chung sức cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân phòng, chống dịch bệnh.

Hàng trăm nhà báo đã không ngại hiểm nguy, luôn có mặt kịp thời trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin diễn biến dịch bệnh, cổ vũ những việc làm cao đẹp của các lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an…; nêu gương những cá nhân, cộng đồng, phát huy truyền thống nhân ái, góp công, góp sức ủng hộ công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, báo chí cũng đã chuyển hướng mạnh với những tin, bài nhân văn, tổ chức các tuyến bài dài hơi, chất lượng, đưa thông điệp để người dân sống tốt, an toàn, ý nghĩa hơn, quan tâm đến người già, gia đình, hướng nội hơn.

Nhiều cơ quan báo chí đã kịp thời đưa tin, bài về những mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch thành công vừa phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh những mô hình vượt khó của doanh nghiệp, tổ chức, những cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh kinh tế khó khăn…

Tháng 5.2020, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) đã công bố cuộc thăm dò ý kiến độc giả để đo lường mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia trên thế giới liên quan đến việc đưa tin về dịch COVID-19. Trong số đó, 89% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào truyền thông trong nước. Phân tích cũng chỉ ra rằng có đến 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ xử lý rất tốt dịch COVID-19. Những con số này phần nào thể hiện tính đúng đắn và hiệu quả của công tác thông tin-tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh, báo chí đã góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người. Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, bên cạnh sự chỉ đạo điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành… thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thì khẳng định, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc quyết liệt như trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội). Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến với công chúng, để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh. Ghi nhận những đóng góp của lực lượng truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị báo chí cần lên án mạnh mẽ những hành vi sai trái, dẹp bỏ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận xã hội; tuyên truyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch… để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”.

Dù cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 còn cam go, phức tạp, là áp lực thực sự với những người làm báo. Và dù COVID-19 có thể khiến nhiều hoạt động của các ngành nghề trong xã hội có thể phải tạm dừng. Song chắc chắc, những  dòng tin tức của báo chí thì vẫn luôn luôn chảy mãi với thời cuộc.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Báo chí trên tuyến đầu chống dịch COVID-19