Do sợi bánh đa dai ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên một số công ty đã đặt mua sản phẩm của làng nghề bánh đa Tống Buồng để xuất khẩu sang thị trường liên bang Nga.
Chọn gạo là khâu quan trọng để sản xuất ra bánh đa ngon
Nghề truyền thống sản xuất bánh đa ở thôn Tống Buồng, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) có từ lâu. Để sản phẩm ngày càng đi xa, đến với người tiêu dùng muôn nơi, người sản xuất bánh đa nơi đây không chỉ giữ cho mình bí kíp làm ra sợi bánh đa dai ngon mà còn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đầu tư công nghệ hiện đại
Tống Buồng được công nhận làng nghề từ năm 2007. Cả thôn hiện có 14 hộ sản xuất bánh đa. Các hộ đều đầu tư mua máy xay gạo, máy tráng, máy cắt bánh... thay thế cho công đoạn làm bằng sức người như trước kia. Trong số các hộ làm nghề, gia đình bà Trần Thị Mau cùng với con trai và một người hàng xóm đã đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất bánh đa liên hoàn, khép kín.
Toàn bộ dây chuyền làm bánh đa của bà Mau được chạy bằng hệ thống lò đốt hơi. Quá trình làm bánh được tự động hóa từ khâu xay bột, tráng bánh, sấy khô. Trước khi đóng gói xuất bán, bánh đa được thái rồi phơi qua nắng hoặc sấy bằng hệ thống điều hòa. Bà Mau cho biết từ ngày có công nghệ mới, năng suất làm bánh đa tăng đáng kể. Nếu như sản xuất bánh thủ công, mỗi ngày một hộ chỉ làm được 500 kg bánh đa thì gia đình bà Mau làm được tới 3,8 tấn. Trừ mọi chi phí, xưởng làm bánh đa của bà lãi khoảng 100 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 người với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, 20 hộ trong thôn còn nhận bánh đa nhà bà Mau về thái thuê cũng cho thu nhập từ 200.000 - 280.000 đồng/người/ngày.
Dây chuyền sản xuất bánh đa tự động của gia đình bà Trần Thị Mau
Bà Mau cho biết ngoài đầu tư máy móc hiện đại, người làm nghề bánh đa Tống Buồng vẫn phải giữ bí kíp riêng để sợi bánh đa luôn dai ngon. "Gạo để làm bánh đa phải là hạt gạo Q5 tròn, mẩy, được trồng từ chính mảnh đất Kinh Môn và không lẫn với bất cứ loại gạo nào. Bột xay phải tơ, mịn. Bánh tráng phải chín đều, phơi khô kỹ", bà Mau chia sẻ.
Chuẩn bị lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nga
Chính vì chữ "tín" trong nghề mà ngày càng có nhiều thương lái tìm đến tận thôn Tống Buồng mua bánh đa mang đi tiêu thụ khắp nơi, từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đến các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cao Bằng... Nhiều thời điểm, làng nghề không có bánh đa để bán.
Bánh đa của bà Mau còn được Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản, thực phẩm Đông Nam Á ở Hà Nội đặt mua với số lượng lớn để xuất khẩu sang thị trường liên bang Nga. Ông Chu Văn Hồi, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông lâm sản, thực phẩm Đông Nam Á cho biết bánh đa ở đây dai ngon hơn bánh đa nơi khác, lại đáp ứng được tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để được người tiêu dùng Nga đón nhận, sản phẩm vẫn cần tới một loại phụ gia để sợi bánh dai ngon hơn. Sợi bánh cần có độ bám dính gia vị do người Nga không dùng bánh đa có nước dùng. Doanh nghiệp của ông Hồi đã cung cấp loại phụ gia này cho xưởng của bà Mau để sản xuất thử. "Nếu họ đáp ứng được, ngay sau Tết Kỷ Hợi 2019, chúng tôi sẽ ký lô hàng 10 tấn đầu tiên đưa sang thị trường Nga", ông Hồi nói.
Máy cắt cắt bánh đa, tạo sản ra phẩm nhanh, đẹp, sạch
Cũng theo ông Hồi, chỉ cần sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu, mỗi tháng doanh nghiệp của ông sẽ hợp đồng với xưởng sản xuất của bà Mau từ 50 - 100 tấn bánh đa để xuất khẩu.
"Hiện chúng tôi đang sản xuất 3 ca mỗi ngày. Một tuần chỉ nghỉ nửa ngày chủ nhật để vệ sinh và bảo dưỡng máy mà vẫn không đủ hàng phục vụ thị trường dịp giáp Tết. Để bánh đa của làng nghề Tống Buồng xuất khẩu đi trời tây, chúng tôi cố gắng sản xuất bảo đảm chất lượng tốt nhất để người tiêu dùng tin tưởng", bà Mau nói.
LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG