Cả cuộc đời dạy học là cả cuộc đời tôi gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Nhà giáo lên lớp hằng ngày có thể không mang giáo án, quên sách giáo khoa, quên bút, quên thước; học trò đến lớp không có bàn ghế, không có sách... nhưng trong lớp thì không thể thiếu chiếc bảng đen và viên phấn trắng.
Lịch sử học chữ quốc ngữ có từ bao giờ thì lịch sử chiếc bảng đen và viên phấn trắng cũng có từ bấy giờ. Chiếc bảng thì làm bằng gỗ rồi sơn đen. Phấn trắng làm từ thạch cao. Hai vật rẻ tiền ấy lại thành người bạn "ăn đời ở kiếp" với các nhà giáo và có lẽ thành biểu trưng của nghề dạy học.
Tôi làm bạn với bảng đen, phấn trắng từ năm 1960. Lúc ấy đất nước mới lành da thịt sau chín năm kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các trường học chưa được xây dựng. Lớp học đặt nhờ ở đình, ở chùa, ở trong nhà dân. Có nơi phòng học đắp bằng đất, nền đất, bục cũng đắp đất, mái lợp rạ, lợp cỏ gianh hoặc nứa. Dù thế nào đi nữa thì mỗi phòng học vẫn phải có một cái bảng đen và trong tay tôi cũng phải có viên phấn trắng. Có hôm, lớp học bổ túc của nông dân, khênh bảng dựng dưới gốc mít. Mọi người ngồi xệp xuống đất và học. Vậy thôi. Được năm năm thì máy bay Mỹ bắn phá. Các lớp học lại chui sâu vào trong xóm, chui vào trong hang hoặc khe núi. Thiếu thốn lại càng thiếu thốn nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể vắng chiếc bảng đen và trong túi người thầy vẫn phải có viên phấn trắng.
Đất nước đã nghèo lại chiến tranh nối tiếp chiến tranh nên số phận chiếc bảng đen cũng khổ. Hầu hết bảng được ghép bằng mấy tấm gỗ mỏng, bào nhẵn. Mùa hanh khô gỗ co, khe bảng hở đút lọt ngón tay. Nhiều tấm gỗ không thể bào nhẵn, viết xong, phấn dắt vào không thể lau sạch. Sơn đen cũng hiếm nên sơn mỏng. Chỉ qua một năm học do lau nhiều, sơn bạc phếch chỉ còn lại màu xám nhờ nhờ. Mỗi buổi học, học trò lại phải lấy lá khoai xát đi xát lại cho thành mầu rêu thẫm cho nét phấn hiện lên. Làm thế được một buổi học. Buổi sau lại phải xát lại. Số phận viên phấn cũng vậy. Do kỹ thuật kém nên viên to lại bở. Khi viết, phấn gẫy rơi lả tả trắng bục. Tay thầy trắng như bốc vôi. Có người vô tình hoặc lúng túng bôi cả lên quần áo, mặt mũi. Phấn thế đấy nhưng phải được phân phối mới được mua. Có năm hai người mới có một hộp 100 viên dùng cho cả một học kỳ. Vì thế phải rất tiết kiệm, thầy nào, cô nào cũng có chiếc hộp đựng phấn. Cứ viết đến khi chỉ còn mẩu bằng hạt lạc, hạt ngô vẫn bỏ vào hộp để lúc bí vẫn dùng. Do hiếm nên thiếu thì phải vay nhau mấy viên chứ không ai dám xin. Ai hào phóng cho nhau vài viên là quý lắm.
Số phận cái bảng đen, viên phấn trắng cũng chả khác gì số phận người giáo viên lúc bấy giờ. Hầu hết giáo viên hưởng chế độ dân lập. Giáo viên dân lập dạy cấp I lương có 32 đồng với 13,5 kg gạo và cái phiếu vải 5m/năm, nhưng có khi 4 tháng không được lĩnh lương. Gạo thì cũ và hôi lại phải đổi bốn cân thành khoai, sắn, ngô để ăn độn. Phiếu vải có nhưng không có vải nên mậu dịch không báo mua. Vì thế có năm mua được 3m, có năm 4m. Phiếu còn, hết năm phải vứt đi.
Trường lớp thế, bảng phấn thế, đời sống thế, nhưng các nhà giáo vẫn say mê dạy một cách hồn nhiên và vô tư. Ai cũng cảm thông với đất nước, tin vào chế độ và sống bằng hy vọng ở tương lai. Mỗi buổi, khi cầm viên phấn trắng trong tay, đứng trên bục giảng là quên hết mọi khó khăn thiếu thốn của đời thường. Chiếc bảng đen lại sống cuộc đời kỳ diệu của nó. Này đây những dòng chữ mẫu mực cho học trò trông lên mà viết tập ở các lớp cấp 1. Này đây là những dòng văn chương thơ phú đầy sức cuốn hút các em ở cấp 2, cấp 3. Rồi dưới bàn tay người thầy, với viên phấn trắng, những hình học phẳng, hình học không gian, những con số biết nói, những cách giải toán hấp dẫn đến ngột thở khiến cả lớp chăm chú quên cả thời gian đang trôi đi. Cũng là viên phấn trắng, bao hoa lá, chim cá, muông thú hiện lên với bao điều lạ lùng. Bàn tay thầy và viên phấn trắng làm hiện lên trên bảng đen những bản đồ chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Hàm Tử... Rồi chiến thắng Thu đông 1947, Biên giới 1950, Điện Biên Phủ 1954... như huyền thoại. Các em như đang nghe tiếng gươm đao, tiếng súng nổ, tiếng quân reo và cả tiếng hát khải hoàn nữa. Cũng vẫn chiếc bảng đen ấy với viên phấn trắng cả Tổ quốc Việt Nam hiện lên với những "Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt" như thơ Tố Hữu viết. Này đây là Biển Đông, biển vàng biển bạc. Này đây đỉnh Lũng Cú trên cao nguyên Đồng Văn chót vót. Đây là sông Hồng cuồn cuộn phù sa, sông Mê Công hiền hoà bát ngát v.v...
Chiếc bảng đen là kho báu chứa bao điều kỳ lạ và hấp dẫn ở khắp năm châu, ở cả bao đời từ ngày xửa ngày xưa đến mãi sau này. Bảng đen phấn trắng như có phép màu hiện lên bao kiến thức mới lạ và cao siêu. Rồi khi những cái ấy đã nhập vào khối óc, trái tim của lớp lớp học trò thì những dòng chữ hình vẽ, bản đồ... lại tự biến đi. Cứ thế nó biến hoá khôn lường, kỳ diệu, làm cho bao lớp người từ ấu thơ, non trẻ trở thành tú tài, cử nhân, tiến sĩ... thành những danh nhân, thành nhà doanh nghiệp, nhà quân sự, chính trị... đảm đương bao việc lớn lao của đất nước.
Ngày nay, phấn trắng bảng đen đã khác trước. Phấn viết không bụi. Bảng to rộng màu xanh rêu xẫm lại có kỹ thuật chống loá cùng với phòng học to đẹp, thoáng mát giúp ích đắc lực cho giờ học. Bên cạnh đó còn cả máy chiếu hình. Chỉ cần bấm nút là máy hiện lên đẹp vô cùng và tiện lợi lắm. Song dù cơ sở vật chất và trang bị có hiện đại đến đâu đi nữa thì tôi vẫn tin rằng chiếc bảng, viên phấn - những thiết bị thô sơ thủ công ấy vẫn không thể mất. Và cần hơn cả vẫn cứ là đội ngũ nhà giáo phải có tâm, có tài mới có thể tạo ra những lớp người như ý muốn của đất nước ta, dân tộc ta.
Tản bút của VĂN DUY