Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện: Xoay xở để hoạt động

09/07/2023 09:12

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động do không có kinh phí.


Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Giang đang làm chủ đầu tư 13 dự án, nhưng nhiều tháng nay, đơn vị vẫn nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong ảnh: Thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường kết nối từ đền thờ Khúc Thừa Dụ, Kiến Quốc – Đông Xuyên, giai đoạn 1


Sau hơn một năm thành lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ở các huyện trong tỉnh đã từng bước khắc phục được những bất cập trong quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, hoạt động của bộ máy gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

Nhiều việc

Những năm trước đây, việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn cấp huyện và cấp xã trong tỉnh chủ yếu được áp dụng theo mô hình chủ đầu tư ký kết hợp đồng thuê đơn vị tư vấn để quản lý, giám sát. Do không có ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp nên mỗi chủ đầu tư lại thành lập ban quản lý dự án riêng để đôn đốc, quản lý dự án. Từ đó dẫn đến chồng chéo, lúng túng trong quá trình quản lý, ảnh hưởng đến công tác quản lý dự án và quản lý nhà nước, hiệu quả đầu tư chưa cao. Đồng thời, theo quy định hiện hành, đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước, việc quản lý dự án phải do cơ quan, tổ chức có chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện.

Để khắc phục các hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng của giai đoạn trước và phù hợp quy định, trong năm 2021, 2022, tại Hải Dương, các huyện đã thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện. Theo các quyết định thành lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện có chức năng thực hiện quản lý dự án theo quy định, quản lý dự án do UBND huyện quyết định đầu tư, các dự án do UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng do UBND cấp xã quyết định đầu tư khi có yêu cầu...

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Tứ Kỳ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn dự kiến hơn 4.527 tỷ đồng để phân bổ chi đầu tư xây dựng, trong đó có đầu tư công trình trọng điểm; hỗ trợ ngân sách cấp xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu... Đầu tháng 4.2022, UBND huyện Tứ Kỳ đã có quyết định thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện. Hiện nay, ban đang làm chủ đầu tư 4 dự án, thực hiện tư vấn, giám sát 6 dự án và thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng 4 dự án. 

Huyện Ninh Giang xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn vốn dự kiến khoảng 3.256 tỷ đồng. Để quản lý dự án, huyện Ninh Giang đã quyết định thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện vào tháng 10.2021. Hiện nay, ban làm chủ đầu tư 13 dự án, trong đó có 6 dự án chuyển tiếp và 7 dự án mới trong năm 2023.
Từ năm 2022 đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang làm chủ đầu tư 11 dự án và hiện phải làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khoảng 10 dự án khác.  


Nhiệm vụ của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện rất nặng nề. Trong ảnh: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư

Chồng chất khó khăn

Theo quyết định thành lập, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện và hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Chi phí hoạt động của các ban từ nguồn kinh phí quản lý dự án, thu từ hoạt động tư vấn trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có). Như vậy, kinh phí để duy trì hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phụ thuộc vào việc có dự án đầu tư được phân bổ vốn để triển khai và được các đơn vị khác chi trả tiền thuê tư vấn, giám sát. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, ngoài các ban quản lý ở thành phố, thị xã có nhiều dự án dân cư, đô thị, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện được thành lập cùng thời điểm thị trường bất động sản đang chững lại. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất giảm khiến các địa phương không có nguồn lực để phân bổ vốn triển khai thực hiện các dự án. Vì vậy, phần lớn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện không có nguồn thu ổn định dẫn tới khó khăn trong duy trì hoạt động.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tứ Kỳ cho biết đơn vị hiện có 12 người. Tuy nhiên, do không có nguồn thu nên từ khi thành lập đến nay, ban mới chi trả lương cho người lao động được 2 tháng, các tháng còn lại vẫn đang nợ. Cơ sở vật chất hiện chưa bảo đảm cho hoạt động. Bên cạnh đó, theo đề án vị trí việc làm, ban có các chức danh trưởng, phó phòng nhưng hiện lại chưa có hướng dẫn để chi trả phụ cấp chức vụ cho các vị trí này.

Ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang chia sẻ, hiện nay cơ chế tài chính chưa rõ ràng, đặc biệt đối với nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Nhiệm vụ này tốn nhiều thời gian, công sức của cán bộ, nhân viên. Có nhiều thời điểm, các cán bộ làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng làm việc không có ngày nghỉ, phải làm thêm cả tối nhưng không được thanh toán kinh phí. “Do chưa có nguồn thu từ các dự án nên gần 1 năm nay, ban đang phải vay tiền để trả lương cho người lao động. Nếu tình trạng này kéo dài thì hoạt động của ban sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Quân nói.

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Giang đang làm việc trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, thiếu phòng họp, phòng làm việc, không có nơi lưu trữ tài liệu. Người lao động phải tự bỏ tiền mua máy móc. Do chưa có nguồn kinh phí cấp cho dự án nên ban không có kinh phí để trả lương cho người lao động. Nhiều tháng nay, ban vẫn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Trước khó khăn trên, đã có nhiều người xin thôi việc, trong khi việc tuyển dụng lao động mới gặp không ít khó khăn.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện mong muốn có cơ chế tài chính để sớm tháo gỡ những khó khăn trên. 

PHAN NGA

(0) Bình luận
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện: Xoay xở để hoạt động