Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.
Ảnh minh họa: TTXVN
Chương trình được biên soạn dành cho các đối tượng đang học tập tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ-tin học, trung tâm học tập cộng đồng, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên.
Chương trình hình thành và phát triển cho người học năng lực giao tiếp tiếng Anh thông qua trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết về tiếng Anh thực hành dựa trên Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Sau khi hoàn thành chương trình, người học có kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh; giao tiếp thành thạo tiếng Anh thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; hiểu và tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hoá; đồng thời phản ánh được giá trị văn hoá Việt Nam bằng tiếng Anh.
Nội dung dạy học trong chương trình được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm các đơn vị năng lực giao tiếp thể hiện qua các nhiệm vụ và chức năng giao tiếp dưới dạng nghe, nói, đọc, viết; danh mục kiến thức ngôn ngữ thể hiện qua ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; hệ thống các chủ điểm, chủ đề; các năng lực khác.
Thời lượng dạy học để hoàn thành mục tiêu của mỗi bậc năng lực như sau: bậc 1 từ 120-150 giờ; bậc 2 từ 200-250 giờ; bậc 3 từ 300-350 giờ; bậc 4 từ 350-450 giờ; bậc 5 từ 450-600 giờ và bậc 6 từ 1.000-1.200 giờ. Thời lượng dạy học đối với mỗi bậc năng lực có thể không giống nhau đối với những đối tượng người học khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, động cơ học tập, trình độ văn hoá, thời gian tự học của mỗi cá nhân và trình độ đầu vào.
Thông tư cũng quy định các điều kiện cần bảo đảm để việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả về năng lực giáo viên, cơ sở vật chất, học liệu…
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 5.12.2021.
Theo Vietnam+