Việc mua bán hàng hóa có gắn nhãn, bao bì giả tên của một nhãn hàng khác, ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất… được coi là mua bán hàng giả.
Hỏi:Bạn tôi bán hàng trên mạng xã hội, thấy nhà tôi ở vị trí đẹp có thể kinh doanh nên rủ tôi mở cửa hàng cùng. Tôi thấy bạn chuyên bán giày dép nhái các thương hiệu nổi tiếng nên băn khoăn. Xin hỏi việc mở cửa hàng bán những mặt hàng này sẽ bị xử lý thế nào?
HOÀNG T. (TP Hải Dương)
Trả lời: Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, việc mua bán hàng hóa có gắn nhãn, bao bì giả tên của một nhãn hàng khác, ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất… được coi là mua bán hàng giả. Đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm, yếu tố nào bị làm giả (như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, số lượng hàng hóa giả mạo) thì có những mức phạt khác nhau, từ 200.000 - 10 triệu đồng.
Trường hợp tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, người vi phạm thu lợi bất chính với số tiền lớn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" theo quy định tại điều 156 Bộ luật Hình sự, phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.
Hàng hóa làm giả thuộc các loại hàng đặc biệt như lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều 193, 194 Bộ luật Hình sự. Tùy tính chất, mức độ phạm tội có thể bị phạt tù đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.