Thái nhìn bạn mà muốn trào nước mắt. Nghe Hạ nói vậy, Thái không biết nói gì hơn ngoài việc đưa hai tay đón nhận túi quà với lời cảm ơn chân thành.
Minh họa: PHÙNG BẢN
Trời chuyển dần sang chiều, Thái chỉ một cây xà cừ cổ thụ bảo người tài xế: “Không cần phải len lên nữa đâu. Cậu cứ đỗ dưới bóng cây kia cũng được”. Người tài xế ngoặt nhẹ vô lăng, cái xe vào đỗ đúng yêu cầu của Thái. Cậu tài xế bước ra khỏi xe nheo nheo mắt nhìn lên phía trước. Cả một đoàn xe dài mấy trăm mét đang chờ nhau qua phà. Ba chiếc phà hối hả vào ra mà chỉ cõng trên lưng nó được có bốn chiếc xe ô tô. Người tài xế nhíu mày tỏ vẻ khó chịu. Cậu quay sang nói với Thái: “Thưa tổng giám đốc, nếu cứ xếp hàng thế này thì phải cuối giờ chiều, thậm chí đến tối ta mới qua được phà. Xin phép cho em lên trình giấy ưu tiên để bến trưởng bố trí xe ta qua trước ạ”. Thái xua tay: “Không cần đâu. Chiều nay tôi không có cuộc hẹn nào”. Thái bước ra khỏi xe mở căng lồng ngực hít từng cơn gió mát rượi ùa tới thấy lòng mình lâng lâng.
Chợt một bàn tay vỗ lên vai Thái kèm theo tiếng nói như reo: “Ông Thái, trận gió lành nào đưa ông về đây thế này?”. Thái quay người lại, anh nhận ngay ra Hạ, thằng bạn học từ thời cấp 2 trường làng. Thái để ý thấy trên tay người bạn đang bưng một cái thúng to. Trong thúng nào ổi, cam, quýt, vài gióng mía đã róc sẵn, bánh kẹo, thuốc lá mỗi thứ một ít. Thì ra thằng bạn anh đang bán hàng rong trên con phà. Hạ vồn vã: “Vợ và hai cháu nhà ông có khỏe không? Đã thêm đứa nào chưa? Chờ tý tôi gửi cho các cháu chút quà mọn”. Nói xong, Hạ đặt cái thúng xuống đất nhanh tay nhặt những quả ổi ngon bỏ vào cái túi bóng to rồi trao cho Thái, bảo: “Ổi này con Vy nhà ông thích lắm đấy”. Thái gạt đi: “Buôn bán lờ lãi bao nhiêu mà ông cho các cháu nhiều thế? Tôi nhận một ít gọi là có thôi. Ông để lại mà bán”. Hạ bảo: “Ông chê hả? Dân phố thị chúa là khách sáo. Quả vườn nhà đấy. Bảo với chúng nó rằng quà của bác Hạ cho. Lâu quá rồi không được gặp lại chắc chúng nó lớn lắm nhỉ”. Thái nhìn bạn mà muốn trào nước mắt. Nghe Hạ nói vậy, Thái không biết nói gì hơn ngoài việc đưa hai tay đón nhận túi quà với lời cảm ơn chân thành. Thái bảo: “Quá lâu rồi mình không gặp nhau, vào đây, vào đây”.
Hai người ngồi đối diện nhau qua cái bàn nhựa. Hạ ngồi trên cái ghế cũng bằng nhựa chân co chân duỗi, cái ống quần kéo cao để lộ hai ống chân đen đúa. Thương quá. Người vất vả đến cái dáng đi, dáng ngồi cũng vất vả. Không cần chờ Hạ kể chuyện làng quê, Thái cũng thừa hiểu cuộc sống của người nông dân ra sao. Tuy gần đây có khá hơn nhưng vẫn chưa theo kịp được với giá cả leo thang hằng ngày. Trong công ty của anh có đến già nửa là từ nông thôn ra làm việc. Mười mấy tiếng đồng hồ dãi nắng dầm mưa ngoài đồng mới mong có được vụ mùa tốt đẹp. Vậy mà sau khi trừ mọi chi phí, thóc dư chỉ vừa đủ ăn chờ đến vụ sau. Mà cuộc đời đâu chỉ có ăn và mặc. Còn vô vàn những khoản không tên khác đều bám vào hạt thóc. Cứ nhìn Hạ thì rõ. Khuôn mặt sạm đen, những nếp nhăn chất chồng bên khóe mắt, khóe miệng. Xong vụ lúa, Hạ lăn vào trồng màu, trồng cây ăn quả. Chẳng mấy khi Hạ được thanh thản ngẩng mặt ngắm trăng. Cái thúng hoa quả này chắc cũng từ vườn nhà mà ra. Nhìn Hạ, Thái biết cuộc sống của Hạ còn nghèo nhưng hình như Hạ hài lòng lắm. Từ lúc gặp nhau toàn thấy Hạ cười. Thì ra người hạnh phúc nhất chưa chắc đã là người nhiều tiền, nhiều bổng lộc mà là người sống vì những điều tốt đẹp, biết chấp nhận và thoải mái với những gì mình đang có trong tay.
Hạ bảo: “Dễ đến hơn chục năm mình không gặp nhau. Con Vy nhà ông là thích loại ổi găng này lắm. Giòn thơm ngọt nhất trong các loại ổi. Ờ...ờ... mà khi nào rảnh, ông đưa vợ con về tôi chơi. Có lẽ tôi quên mất mặt vợ con ông rồi”. Thì ra Hạ vẫn không quên sở thích của con gái Thái.
Năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ lại lan ra miền Bắc một lần nữa. Thái theo bố mẹ sơ tán về một vùng quê xa lạ. Lúc đó, Thái học gần xong lớp 5, cùng lớp với Hạ. Hạ học không khá nhưng lại rất khéo tay trong mọi việc nhà nông như đan lát, trồng trọt, bắt cá. Những ngày đầu về quê, cái gì, điều gì cũng làm Thái ngỡ ngàng. Hạ là cầu nối tin cậy cho Thái với bạn bè. Hạ bày cho Thái làm đủ trò. Chăn trâu, cắt cỏ, tắm sông, tát nước, bắt cá. Thôi thì đủ tất cả mọi thứ mà một đứa trẻ choai choai tinh nghịch và hiếu động ở nông thôn thường làm. Nhớ một lần đi soi cá, Thái chẳng bắt được con nào. Hạ sẻ ngay một nửa cho Thái: “Nhà mày đông người, như thế mới đủ ăn một bữa”. Thái quý Hạ. Và Hạ cũng quý Thái. Cả hai đứa suốt ngày quấn quýt bên nhau. Có lần Hạ cho Thái mấy con ếch to, Thái không nhận. Hạ bảo: “Mày là khách nên được ưu tiên hơn”. Thái bảo: “Tao không phải là khách. Tao với mày là một”. Thời ấy đói khổ nhưng mà vui. Hạ là người duy nhất trong đám bạn nơi sơ tán quan tâm che chở. Và chỉ có Hạ mới khiến Thái ấm lòng xóa đi mọi mặc cảm lẻ loi cô độc. Hơn hai năm theo học ở nơi sơ tán mà sau này mỗi lần nhớ lại, trong lòng Thái đều rung lên nhiều bồi hồi xao động.
Hình như cuộc đời không chiều theo ý người. Hạ chăm chỉ lam làm nhưng số phận lại không được đền bù xứng đáng. Học xong phổ thông, Hạ nhập ngũ sang Campuchia đánh Pôn Pốt. Hòa bình, Hạ trở về làng làm ruộng rồi lấy vợ. Ban đầu vợ chồng Hạ sống có vẻ hạnh phúc lắm. Đến khi đứa con gái ra đời vợ chồng anh mới đối mặt với đầy rẫy khó khăn. Vay mượn hai bên gia đình, Hạ cho vợ sang Đài Loan theo diện "ô sin" . Năm đầu còn thư đi thư lại. Sang năm thứ hai thì thưa dần và cuối năm ấy Hạ nhận được tờ đơn ly hôn của vợ. Nàng lấy chồng bên đó, bỏ người chồng tảo tần và đứa con gái mới ba tuổi. Vài năm sau Hạ lấy vợ mới. Một cô giáo dạy mẫu giáo tên Mỹ. Mỹ hiền lành chăm chỉ nhưng không được khỏe. Nhất là sau khi sinh thằng con trai thì Mỹ ốm đau liên miên. Ngày sống ở trạm xá nhiều hơn số ngày sống ở nhà. Một mình Hạ vừa làm ruộng vừa xoay đủ nghề. Cấy lúa, làm vườn, chạy chợ. Thôi thì bất kể nghề gì miễn sao kiếm ra đồng tiền chân chính. Tuy vậy, Hạ luôn vui vẻ, yêu đời như mình là người hạnh phúc. Chưa ai nghe Hạ than thân trách phận hay hờn giận cuộc sống. Người làng, bạn bè cần gì trong khả năng Hạ đều nhiệt tình giúp đỡ không hề tính toán. Một lần xã xếp gia đình Hạ vào diện hộ nghèo. Ngay giữa hội trường, Hạ nói: “Nhà tôi mà nghèo? Hay các ông thương hại tôi? Xin thưa là chưa khi nào đói lấy một bữa nhé. Xin nhường suất ấy cho nhà bà Chính”. Những chuyện trên, Thái biết được từ đợt về thăm cách nay đã hơn chục năm. Từ đó hai người bặt tin nhau.
Nhìn Hạ hồ hởi kể chuyện làm ăn, hai đứa con đã vào đại học. Thái hỏi: “Cái đầm cá của ông còn không?”. Hạ bảo: “Mất tiêu từ lâu rồi. Thuê 5 năm thế mà mới hơn 3 năm đã bị đòi lại. Mà ông định đầu tư bất động sản à? Đất đai làng tôi cũng đang sốt chẳng kém thành phố của ông đâu. Người nông dân giàu thì có giàu nhưng tình làng nghĩa xóm cứ hao mòn như bánh xà phòng dùng nhiều ấy. Chẳng biết nên buồn hay nên vui”. Thái an ủi: “Thôi, quan tâm nhiều làm gì. Tôi chỉ mong ông giữ gìn sức khỏe, chăm lo cho cái gia đình mình thật tốt, ắt có ngày mở mặt với đời”. Hạ bảo: “Tôi cũng nghĩ thế. Tôi nghèo mà bạn bè anh em không coi khinh là tôi vui lắm, hạnh phúc lắm”...
Bẵng đi một thời gian khá lâu, bao nhiêu công việc chất chồng lên đôi vai người tổng giám đốc khiến Thái không thể về thăm Hạ như lời hứa. Một buổi sáng, bảo vệ gọi điện báo tin mời Thái ra cổng có người cần gặp. Từ xa anh đã nhận ra Hạ. Vẫn bộ quân phục cũ, vẫn cái mũ bò "levit" bạc phếch, dưới chân là đôi dép tổ ong mòn vẹt. Nhìn thấy Thái, Hạ đứng dậy cười hết cỡ, nói: “Ối giời ơi, không ngờ gặp ông khó quá”. Anh bảo vệ đứng như trời trồng nhìn tổng giám đốc của mình cùng ông già quê mùa ôm nhau nhảy tâng tâng. Anh ta nói như thanh minh: “Thưa chú, trông bác ấy như thế kia, lại bảo là không có hẹn trước thì làm sao cháu dám cho lên gặp chú. Mong chú thông cảm”. Thái xua tay: “Không sao cả”. Nói xong, Thái cầm tay Hạ lôi về phòng làm việc của mình. Thư ký nhanh chóng bưng ra một cái khay trên đó là nước ngọt và hoa quả: “Dạ, cháu mời hai chú dùng ạ”. Hạ tròn mắt kinh ngạc khi đọc cái biển xanh chữ trắng đặt trên bàn: Tổng Giám đốc Trần Khắc Thái. Hạ kêu lên: “Không ngờ ông làm to thế. Chẳng trách bảo vệ không cho tôi vào là phải. Xin lỗi đã làm cho ông phải xấu hổ”. Thái cười: “Ông lại khách sáo rồi. Chúng ta là bạn. Mà đã là bạn thì không được phép phân biệt cao thấp chỗ đứng trong xã hội. Chương trình thế này nhé ông Hạ, mình trò chuyện thoải mái. Đến trưa tôi mời ông đi ăn, buổi chiều tôi đưa ông đi thăm thú thành phố. Buổi tối chúng ta ôn chuyện ngày xưa. Sáng mai tùy ông muốn đi đâu tôi bảo lái xe đưa ông đi”. Hạ gạt đi: “Ấy không được, ruộng nương, gà vịt đang chờ tôi. Chả là thế này, ngày 19 âm lịch tháng này tôi dọn lên nhà mới. Vợ tôi bảo lên mời vợ chồng con cái ông về ăn bữa cơm mừng tân gia. Tiện đây tôi mang cho các cháu vài chục trứng gà nhà nuôi. Giờ xin phép ông tôi về”. Lợi dụng lúc Hạ ngừng lời, cô thư ký bước tới nói: “Thưa chú, theo lịch hẹn chiều nay chú có cuộc gặp đối tác. Xin tổng giám đốc lưu ý ạ”. Thái hỏi lại: “Liệu có chuyển cuộc gặp vào sáng mai được không? Đây là người bạn cũ thân thiết của tôi mà không phải lúc nào cũng gặp nhau được”. Cô thư ký nói: “Dạ, để cháu trao đổi lại. Như thế nào cháu sẽ báo cáo với chú sau”.
Hạ về rồi mà Thái vẫn còn bâng khuâng. Anh thầm kêu lên: “Ôi chao, người bạn thân thiết từ thuở còn thơ ấu của tôi. Một người bạn nghèo tiền nghèo bạc nhưng tình cảm không nghèo. Một người bạn sống chân thành, mộc mạc như hạt lúa củ khoai”. Thái mừng cho bạn vì sau bao năm bươn chải thì giờ đây vợ chồng Hạ đã xây được căn nhà kiên cố hiện đại. Thái tự hứa đến ngày hẹn dù có bận như thế nào cũng nhất định phải đưa vợ con về mừng cho vợ chồng thằng bạn.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN