Di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã bị biến thành trang trại nuôi tôm khổng lồ với hơn 414 ha, chiếm 1/4 diện tích của đầm.
Một hộ bao chiếm đất rừng phòng hộ xây dựng nhà ở, nhà chứa máy phát điện và hồ nuôi tôm kiên cố tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An - Ảnh: V.TR.
Nhìn từ trên cao, những dải đất ven đầm Ô Loan thuộc 5 xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông gần như không còn chỗ trống. Thay vào đó là chi chít hồ nuôi tôm (hồ nổi) xây dựng rất kiên cố.
Những khu rừng tiếp giáp với đầm thì nham nhở do bị người dân lấn chiếm, san ủi để xây dựng hồ nuôi tôm, lán trại. Toàn bộ nước thải nuôi tôm ở đây không được xử lý mà xả thẳng ra đầm Ô Loan và sông Lễ Thịnh, làm danh thắng quốc gia ngập ngụa trong ô nhiễm.
Bao chiếm 349 ha đất để nuôi tôm
Tỉnh Phú Yên quy hoạch đến năm 2030 khu vực đầm Ô Loan sẽ có 291 ha nuôi tôm. Tuy nhiên, hiện nay diện tích nuôi tôm tại đây đã lên tới 414 ha với 1.039 hồ của 752 hộ.
UBND huyện Tuy An xác nhận tại đây chỉ có 65 ha hồ nuôi hợp pháp, tức có quyết định giao đất. Còn lại 349 ha do người dân tự lấn chiếm nuôi trái phép. Tình trạng này xảy ra ở cả 5 xã quanh đầm và kéo dài nhiều năm qua.
Để xây dựng hồ trên cạn, người ta đúc ống thoát nước cỡ lớn bằng bê tông, sau đó xếp dựng đứng cạnh nhau, rồi bơm đầy cát vào để tạo thành bức tường vững chắc. Cứ thế, các hồ nuôi tôm kiên cố nhanh chóng được hình thành và sẽ rất khó tháo dỡ.
Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông - cho biết tại khu vực sông Lễ Thịnh có 11 hồ nuôi tôm cao triều, tổng diện tích hơn 10.700 m2.
Thời gian qua, UBND xã An Ninh Đông lập biên bản 6 hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ xây dựng lán trại, công trình, hồ nuôi tôm trái phép với diện tích gần 2.000 m2. UBND huyện Tuy An ra quyết định xử phạt hộ ông Võ Ngọc Thi nhưng hiện hồ sơ đã bị thất lạc, còn xã phạt 5 trường hợp. Điều đáng nói: các hộ này nộp phạt rồi tiếp tục xây dựng!
Vì sao các hộ dân chiếm rừng, bãi bồi xây dựng hồ nuôi tôm cao triều rầm rộ, quy mô như vậy mà chính quyền không phát hiện ngăn chặn từ đầu?
Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Tuấn nói do địa bàn xã rộng, khu này cách UBND xã rất xa nên khó phát hiện. Mặt khác, cũng chưa có quy định xử lý việc chuyển từ nuôi thấp triều sang xây dựng hồ nuôi cao triều nên rất lúng túng.
Bơm cát trái phép vào các ống bê tông làm hồ nuôi tôm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An - Ảnh: V.TR.
Phạt cứ phạt, xây vẫn cứ xây
Năm 2015, các quyết định giao 65,7 ha đất nuôi thủy sản của UBND huyện Tuy An tại khu vực đầm Ô Loan đều hết hạn. Mặc dù không được giao đất tiếp nhưng người dân vẫn tiếp tục nuôi, thậm chí góp tiền hạ thế điện và xây dựng hồ nổi để nuôi quy mô lớn hơn.
Các địa phương gần như "buông" cho dân bao chiếm bãi bồi và rừng để xây dựng hồ. Chỉ có một số hộ bị phát hiện lập biên bản phạt vi phạm hành chính, nhưng họ vẫn cứ xây. Ông Hoàng Ngọc Mùi - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An - cho biết có khá nhiều hộ ở nơi khác đến sang nhượng đất rừng, đất bãi bồi để xây hồ nuôi tôm.
Ông Vũ Ngọc Khoa - nguyên Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tài chính huyện Tuy An - có bốn hồ nuôi tôm, diện tích bao chiếm vi phạm được xác định hơn 2.200m2, trong đó đất rừng phòng hộ 1.500m2 và đất bãi bồi 822m2. Việc bao chiếm rừng và bãi bồi của ông Khoa được phát hiện vào năm 2018.
Ngày 20.4.2018, ông Khoa cho san ủi 1.623m2 rừng phòng hộ tại thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông để xây dựng hồ nuôi tôm cao triều. UBND xã phạt 4 triệu đồng và yêu cầu trả lại hiện trạng nhưng ông Khoa vẫn thi công, thả tôm nuôi.
Tiếp đó ngày 13.5, địa phương lại phát hiện ông Khoa tiếp tục thi công hồ nuôi tôm thứ hai rộng 300m2. Ngày 14.5, chính quyền lại phát hiện ông Khoa cho hai xe ủi và một xe múc san ủi đất rừng phòng hộ làm hồ nuôi tôm thứ ba. Hiện ông Khoa có bốn hồ nuôi tôm với tổng diện tích gần 18.000m2.
Trao đổi với báo chí, ông Khoa nói rằng vào năm 2015, khi hết thời hạn giao đất thì ông có làm đơn xin xã tiếp tục giao đất. Xã đồng ý và chuyển lên huyện. Huyện xin ý kiến tỉnh thì bảo chờ.
"Chờ biết đời nào, có biết mấy ổng cho phép hay không cho phép. Trước đây làm rồi, bây giờ chẳng lẽ bỏ. Cả vùng này nuôi hồ chìm không được nên buộc phải làm kiên cố để nuôi cao triều và phải đụng vô rừng dương 5-10m" - ông Khoa nói.
UBND xã An Ninh Đông còn lập biên bản xử phạt vi phạm các hộ Nguyễn Tiến Sinh, Huỳnh Xuân Bảo, Võ Ngọc Hân, Trần Kim Minh, Nguyễn Thanh Tuấn, Võ Ngọc Thi do vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, lấn chiếm đất bãi bồi làm hồ nuôi tôm...
Tuy nhiên, mức phạt chỉ vài triệu đồng nên các hộ này vẫn tiếp tục thi công. Hiện nay, các hồ nuôi tôm kiên cố ở quanh đầm Ô Loan hầu như đã hoàn chỉnh và hoạt động rầm rộ. Một cán bộ của huyện Tuy An nói hệ thống hồ nổi tại đây được xây dựng rất kiên cố, muốn tháo dỡ không hề đơn giản!
Sẽ cưỡng chế các trường hợp vi phạm
Ông Nguyễn Chí Hiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh đang lập quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản tại khu vực đầm Ô Loan để tạo điều kiện cho người dân sinh sống. Dự kiến khu nuôi chỉ rộng 260ha. Những trường hợp bao chiếm đất bãi bồi, đất rừng để xây dựng hồ nuôi trái phép thì cương quyết cưỡng chế để đầu tư khai thác tiềm năng du lịch tại khu di tích danh thắng quốc gia này.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An đang kiểm tra, đo đạc, lập hồ sơ hiện trạng bao chiếm rừng và bãi bồi tại 5 xã thuộc đầm Ô Loan để có kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa. Huyện đề ra mục tiêu trong năm 2019 sẽ giải tỏa hết các trường hợp vi phạm mới, còn các trường hợp được cấp phép trước năm 1996 sẽ lần lượt giải tỏa đến năm 2025.
Về dư luận cho rằng có người thân của lãnh đạo huyện Tuy An tham gia nên các hộ khác mới dám ngang nhiên chiếm đất, san ủi rừng xây hồ nuôi tôm, ông Bùi Văn Thành (Chủ tịch UBND huyện) quả quyết: "Gia đình tôi, kể cả bạn bè đều không có ai tham gia nuôi tôm ở đầm Ô Loan. Theo tôi biết, gia đình anh Bí thư huyện cũng không có. Chỉ có anh Vũ Ngọc Khoa nguyên là Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Tài chính huyện nuôi tại xã An Ninh Đông và có vi phạm. Tuy nhiên, bất cứ ai vi phạm thì chúng tôi cũng cương quyết xử lý".
Theo Wikipedia, đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía đông ven quốc lộ 1, dưới chân đèo Quán Cau, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Diện tích đầm rộng 1.570ha, có những đặc sản nổi tiếng là sò huyết, hàu, cua huỳnh đế...
Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống thấy đầm Ô Loan giống như con chim khổng lồ (người bảo là thiên nga, người nói là phượng hoàng) đang sải cánh trông rất đẹp. Đầm Ô Loan được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận danh thắng quốc gia ngày 27.9.1996.
VÂN TRƯỜNG (Tuổi trẻ)