Quả vải không chỉ ngon ngọt mà còn là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh.
Từ quả vải có thể chế ra nhiều bài thuốc quý
Cùi vải chứa rất nhiều các thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe con người như các loại đường glucose, sacharose… protein, chất béo, acid citric, ascorbic, nicotic, ribofl avin, caroten và các nguyên tố vi lượng Ca, P, Fe….
Ngoài ra thì vỏ quả vải cũng chứa rất nhiều chất như cyanidin diglycosid, anthoxanthin. Hạt vải chứa tanin, flavonoid, saponosid, α – methylen cyclopropyl glycin. Vải ngoài việc dùng làm thực phẩm ra thì trong Đông y còn sử dụng cùi vải (long vải), hạt vải (lệ chi hạch) để làm các vị thuốc. Vải có thể dùng làm thuốc từ vải tươi hoặc vải khô, thường thì người ta dùng cách sấy khô để bảo quản được lâu hơn. Sau đây bài viết xin chia sẻ một số bài thuốc được làm quả vải.
Theo y học cổ truyền, long vải có vị ngọt, chua, tính ấm, quy các kinh tỳ, can có tác dụng bổ huyết, ích khí, sinh tân dịch, chỉ khát, có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc bổ huyết khác, như đương quy, bạch thược, thục địa… Trong các trường hợp cơ thể suy nhược, da xanh xao, gầy còm hoặc các trường hợp mới ốm dậy, người mệt mỏi. Còn có tác dụng tiêu thũng, trị mụn nhọt. Hạt vải có vị hơi đắng, chát, hơi ngọt, tính ấm, quy các kinh can, thận, có tác dụng ôn trung, hành khí, chỉ thống, tán kết. Được dùng trong các trường hợp đau dạ dày, sán thống, sán khí, nôn lợm.
Theo kinh nghiệm thì để lấy được long vải khô người ta thường dùng những quả vải tươi chín sau đó đem sấy trên lò than, đến khi quả khô đều, cùi vải tách ra khỏi vỏ, khi lắc có tiếng kêu lóc cóc thì bóc lấy cùi. Long vải có màu hơi xám và có vị ngọt đậm. Chúng ta có thể bảo quản vào hộp kín để dùng dần
Cách chế biến hạt vải (lệ chi hạch) để dùng đó là dùng hạt vải rửa sạch, cắt bỏ phần rốn hạt, cạo bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài sau đó thái dọc củ thành những lát mỏng 3-5mm, đem sấy khô, cất dùng dần.
Theo Sức khỏe và Đời sống