Tôi sống giữa những người chân đất
Tôi sống giữa những người chân đất Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn Cả khi có dép rồi họ vẫn thích đi chân đất Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn.
Họ là những thứ cây làm nên rậm rì cuộc sống Trái đất chẳng cằn đi vì mồ hôi họ đổ vào Không đọc sách và không mơ mộng Dễ tin người, cả những chuyện tào lao.
Nhờ được sống giữa những người như vậy Tôi ngủ những giấc thật sâu, những giấc thật yên lòng. Trong cơn mơ có mùi hương cỏ mật Và sớm ra tôi đã gặp hoa hồng. CHỬ VĂN LONG
|
|
Viết về hình tượng người nông dân, văn chương Việt Nam xưa nay khai thác không phải là ít. Người nông dân quen thuộc, gần gũi, thậm chí là máu huyết của biết bao nhiêu bậc thức giả nước nhà. Nhưng khi đọc "Tôi sống giữa những người chân đất" của Nhà thơ Chử Văn Long, tôi nghĩ chắc hẳn ông phải là người gắn bó, yêu thương và quý trọng người nông dân hết mực mới có được cái tâm cảm trìu mến đến ruột rà như vậy.
Bài thơ có ba khổ, mỗi khổ có bốn câu không đều nhau về số chữ, nhưng nhìn tổng thể khá cân đối. Hai khổ thơ đầu miêu tả cuộc sống đầy mưa nắng khó nhọc, phong cách giản dị và gần gũi trong tâm hồn cũng như những đóng góp của người nông dân cho cuộc đời này thêm tươi đẹp. Khổ thơ cuối bài như một lời tạ ơn, một ân tình giao cảm của tác giả với những người chân đất, nhờ họ mà mình có được sự bình yên, thanh thản giữa trần gian vốn lắm nguy nan và dâu bể này.
Câu thơ mở đầu giới thiệu mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa tác giả và những người chân đất. Họ chính là ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác ở xung quanh xóm giềng làng nước đó thôi. Họ làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải; họ đánh bắt cá ngoài biển, họ bốc vác dưới gầm cầu mưa nắng thất thường để mưu sinh độ nhật. Quả là có biết bao nhiêu người chân đất quanh ta. Họ thuộc về số đông trong hơn chín chục triệu người của đất nước. Khái quát lại, nói như Chử Văn Long, đó là những "người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn". Nắng mưa là hình ảnh ẩn dụ cho sự gian khổ, cơ cực trong cuộc sống mà những người chân đất phải trải qua để có cái ăn, cái mặc. Thấm đẫm vui buồn vì đời họ trải qua biết bao thăng trầm cùng với những thăng trầm của đất nước. Có điều gì của dân tộc Việt Nam mà những người chân đất không biết, không hay. Cái lạ của khổ thơ đầu chính là hình ảnh những người nông dân chân đất ấy có một thói quen gần như cố hữu: cứ thích đi chân đất, một phần vì đã quen, một phần được tự do hơn. Lạ mà vẫn hợp lý, hợp tình, nói được cái hồn cốt bản chất của những người nông dân chân đất hiền lành muôn thuở.
Nối tiếp mạch cảm xúc ngợi ca hình ảnh những người chân đất, nhà thơ khẳng định vai trò quan trọng và những đóng góp lớn lao của họ cho cuộc sống này. Họ mộc mạc, giản đơn là vậy: bốn mùa quần cụt, chân đất thế kia, nhưng giả sử nếu không có họ, Trái đất này sẽ nghèo đi biết chừng nào! Họ là thân lúa, bụi cỏ, dây leo rậm rì quấn quýt. Mồ hôi họ tan vào đất để nâng lên cuộc sống muôn màu. Những câu thơ bình dị, dễ hiểu nhưng lại có sức lay động, cuốn hút nhờ cảm hứng ngợi ca hóm hỉnh, vui tươi mà lại rất chân tình của tác giả:
Họ là những thứ cây làm nên rậm rì cuộc sống
Trái đất chẳng cằn đi vì mồ hôi họ đổ vào,
Không đọc sách và không mơ mộng
Dễ tin người, cả những chuyện tào lao."Dễ tin người" đích thị là tính cách của người nông dân chân đất rồi. Không đọc sách, không mơ mộng cũng được xếp vào tính cách hàng thứ yếu. Người nông dân chân đất Việt Nam bốn mùa lao động vất vả để kiếm sống. Họ vui cười vào những lúc nông nhàn để rồi lại tiếp tục với bao lo toan ruộng đồng, nương rẫy. Họ không có thời gian mộng mơ, triết lý sâu xa. Thủ pháp nghệ thuật đối lập được sử dụng rất hiệu quả ở đây: "không đọc sách và không mơ mộng" với "dễ tin người" càng khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và những đóng góp quan trọng của những người nông dân chân đất trong hành trình cuộc sống. Thấu hiểu, trân trọng phẩm chất và đóng góp của những người chân đất, tác giả thầm cảm ơn họ đã cho mình biết bao yêu thương và tốt đẹp nhất của cuộc đời. Giấc ngủ ngon và tâm hồn thanh thản là phần thưởng cao quý mà tác giả có được sau những tháng ngày sống giữa những người chân đất:
Nhờ được sống giữa những người như vậy
Tôi ngủ những giấc thật sâu, những giấc thật yên lòng
Trong cơn mơ có mùi hương cỏ mật
Và sớm ra tôi đã gặp hoa hồng.Với ngôn từ giản dị, hình ảnh gần gũi ít nhiều ước lệ, "Tôi sống giữa những người chân đất" là một bài thơ hay viết về người nông dân một nắng hai sương, cần cù lao động và có một tâm hồn cao đẹp. Chính họ đã góp phần làm đẹp cho đời, tôn tạo những giá trị vĩnh hằng trên mặt đất. Cao quý hơn, từ họ, ta học được một bài học vô giá từ cuộc sống này: hãy yêu đời, khoan dung và độ lượng để mọi điều trở nên tốt đẹp, thân thương.
LÊ THÀNH VĂN