Viết “Tựa” cho tập thơ “Dòng sông năm tháng”, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã gọi Hà Cừ là “thi sĩ của mùa thu”. Bởi, trong số những sáng tác mang sức rung mạnh nhất, nhuần nhuyễn và ám ảnh nhất, hầu hết thơ viết về mùa thu của Hà Cừ đều đạt tới cái hay, cái tuyệt diệu của nó.
Nhà thơ đã tạc vào mùa thu, tạc vào thơ mình, tạc vào cái “không thể mòn phai” nơi con tim bạn đọc nỗi đa cảm, đa mang, đa hệ lụy cái câu thơ vọng vang, còn chảy dài đến nỗi: “Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ”.
Vâng. Đời nhà thơ chỉ cần câu thơ thăng hoa như thế, nhằm phát lộ, làm sáng dậy cái “hình thi,” cái “tâm thi,” cái “chân dung một thi sĩ” đang đi giữa cõi đời.
Hà Cừ là nhà thơ có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay. Người đọc nhớ câu thơ thật điển hình trong nghệ thuật tả thực: “Chợ quê con tép cũng gầy/Con cua, con cá dính đầy bùn tươi…”. Ở nét trực giác, mà phía sau ấy là cả một chiều sâu của suy tư, lắng đọng.
Với “Gửi mùa thu", "Ngày xưa hương cốm"..., bài thơ nào viết về mùa thu, Hà Cừ cũng có được những câu thơ linh diệu. Dường như, mùa thu và “người thơ” này là sự nhập hòa, ăn khớp, nó kết tinh giữa hai chiều nội tâm và ngoại giới.
Tôi nhiều lần từng dừng lại trước bài: “Thơ những ngày xa” của Hà Cừ. Trước thế giới thứ nhất - trước vai trò chủ thể mà nhà thơ đã lặn chìm vào cảnh thu, sắc thu, người thu và cuối cùng là “tình thu,” mà gánh dậy cái xao xác, mê hồn. Cái bâng khuâng, cái mang mang, day dứt trong tháng năm, trong tình người, trong tình đời xa rộng…
Với bốn khổ, 16 câu thơ và một câu “bỏ lửng”, cái hay ở “Thơ những ngày xa”, có từ tổng thể. Nơi bộn bề thi liệu. Nơi cái “đế” khép lại. Và, từ cái khép lại ấy, lại tiếp tục mở ra cái “vô biên độ”. Cái vệt loang có sức “động” không cùng.
Bám vào lối dẫn của nghệ thuật tự sự, “hiện thực của mùa thu” qua nắm cầm, gặp gỡ đã hóa thành “hiện thực của thơ”, hiện thực của trái tim tác giả trong giọt nước run rẩy, trong xanh, qua tái tạo và sáng tạo thế này:
“Không phải là hè, chưa hẳn đã là thu/Sao trời đất cũng dùng dằng lạ thế…”. Để rồi, cái lắng thấm cứ xô tấp, chảy dài ở: “…Không gian xao xác gió sang mùa”. Ở “Lá ngả màu trong sắc nắng ban trưa”… Ở “Mùi quả chín đượm nồng trong mái tóc"... Ở cái cảm, cái linh, cái càng nghĩ, người đọc càng bị cuốn theo cái “bùa mê” của mùa thu, “bùa mê” của vía hồn thi sĩ.
“Thơ những ngày xa” không lấy cái mới ở sự “vống lên” của câu chữ gồ ghề, thách đố. Cái lạ, cái đột biến nơi nhịp điệu, tiết tấu. Đi trên "nền vững” của sự vận động ở cảm xúc, suy tư… thơ “bùng nổ” và lấp lánh những tinh tế trước bao nhiêu phát hiện và kiến giải từ sức vọng ở nguồn cội “hồn người”.
Và, với “Thơ những ngày xa”, sẽ mãi còn với Hà Cừ, với đời người cầm bút, với công chúng thời gian “một câu thơ hay nhất” ở nỗi niềm thi sĩ trong ngắm nhìn mùa thu, ngắm nhìn thế sự rộng dài trước mặt: “Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ...".
KIM CHUÔNG
Thơ những ngày xa HÀ CỪ |