Hoạt động thu gom, xử lý rác thải còn tồn tại nhiều bất cập, đang ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn.
Bãi rác thị trấn Ninh Giang ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của người dân xã Hà Kỳ
Sống chung với bãi rác Nhiều năm nay, người dân xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) luôn phải chịu đựng không khí và nguồn nước ô nhiễm phát sinh từ bãi rác của thị trấn Ninh Giang. Dòng sông Rùa có chiều rộng chỉ vài chục mét để ngăn cách giữa khu dân cư số 6 của thôn Hà Hải với bãi rác trên. Khoảng cách với bãi rác quá gần khiến hơn 100 hộ dân tại đây thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp từ mùi hôi thối và mùi khét do đốt rác. “Mỗi khi bên đó đốt rác là trẻ con, người lớn phải đi sơ tán hết. Bức xúc quá, nhiều lần bà con bơi thuyền qua sông để dập tắt nhưng rác cháy âm ỉ không tắt được. Có khi cháy cả tháng trời, mùi đốt ảnh hưởng hàng cây số”, chị Nguyễn Thị Nhàn có nhà ở đối diện với bãi rác cho biết. Không chỉ ô nhiễm không khí mà nước rác thải rỉ trực tiếp ra sông Rùa cũng ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Thinh cho biết: “Trước đây, người dân thường dùng nước sông Rùa để sinh hoạt hằng ngày nhưng bây giờ nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhà cạnh sông nhưng mấy năm nay chúng tôi không dám sử dụng nước sông để chăn nuôi".
Theo ông Bùi Xuân Lãm, Trưởng khu dân cư số 6 thì việc thu gom, xử lý rác thải của thị trấn Ninh Giang gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, đời sống khiến người dân rất bức xúc. Việc bảo đảm vệ sinh môi trường ở địa phương này mà lại gây ô nhiễm cho địa phương khác thì cần phải xem xét lại. Các hộ dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến huyện Ninh Giang nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn.
Bãi rác thị trấn Ninh Giang có diện tích 3.350 m2, được quy hoạch và đưa vào sử dụng từ năm 2004. Hình thức xử lý rác tại đây là đổ và đốt trực tiếp. Ngoài rác thải sinh hoạt còn nhiều loại rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp như da giày, may, bùn cặn, phế liệu nhựa. Tại đây cũng chưa có phương pháp xử lý nước rỉ rác, để thoát trực tiếp ra sông Rùa. Bãi rác chưa được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Theo kết quả kiểm tra thực trạng của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh vào tháng 9-2012, mẫu nước tại mương gom bên cạnh bãi rác chảy ra sông Rùa có 4 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải của bãi chôn lấp chất thải rắn: COD vượt 1,12 lần, BOD5 vượt 2,6 lần, N tổng vượt 1,96 lần, NH4+-N vượt 4 lần. Thực trạng ô nhiễm đã rõ ràng như vậy nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Người dân xung quanh vẫn tiếp tục phải sống chung với bãi rác.
Không chỉ riêng bãi rác thị trấn Ninh Giang mà hiện nay, tình trạng bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng rất phổ biến. Xã Tiền Phong (Thanh Miện) có tới 5 bãi rác chôn lấp tự phát, không được tổ chức thu gom.
Nhiều bất cập Nếu rác thải được tập trung tại một địa điểm thì việc xử lý ô nhiễm sẽ thuận lợi hơn nhưng với việc xé lẻ, có quá nhiều bãi chôn lấp tập trung sẽ gây ô nhiễm tràn lan".
Ông Trần Trọng KhôiGiám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương. |
Ông Trần Trọng Khôi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương cho biết: "Phương pháp xử lý rác thải hiện nay ở khu vực nông thôn của tỉnh ta là chôn lấp, đốt trực tiếp. Phương pháp này không thể xử lý triệt để ô nhiễm, nhất là xử lý nước thải của rác. Chính vì vậy, việc sử dụng những bãi chôn lấp tự phát và quy hoạch số lượng lớn bãi rác tập trung là cách làm manh mún, trước mắt. Về lâu dài những bãi rác tập trung này sẽ tác động tiêu cực đến không khí, tài nguyên nước, đất. Nếu rác thải được tập trung tại một địa điểm thì việc xử lý ô nhiễm sẽ thuận lợi hơn nhưng với việc xé lẻ, có quá nhiều bãi chôn lấp tập trung sẽ gây ô nhiễm tràn lan".
Hiện nay, hoạt động phân loại, thu gom rác thải cũng tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều xã không có tổ, đội thu gom rác thải, không tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và ít nhất 40,71% số hộ không bao giờ tiến hành phân loại rác thải sinh hoạt trước khi thải bỏ. Một số xã thuộc các huyện Gia Lộc, Kim Thành, Ninh Giang, thị xã Chí Linh chưa có xe thu gom rác. Có xã ở huyện Bình Giang, Tứ Kỳ, Nam Sách trang bị xe thu gom nhưng xe quá nặng, cồng kềnh, không phù hợp với đường giao thông nông thôn và địa hình bãi rác. Ngoài ra, việc phân loại và tái chế rác hoạt động không tốt hoặc không có, chỉ một lượng nhỏ rác được tái chế do những người thu mua phế liệu hoặc xử lý thức ăn thừa. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, tỷ lệ thu gom rác thấp khiến hiệu quả thu gom hiện nay mới chỉ đạt 63,94% và đặc biệt thấp ở những xã có địa bàn rộng ở tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà, thị xã Chí Linh. Trên tổng số 72 xã nghiên cứu đã có tới hơn 1 tấn rác không được thu gom trong 1 ngày/xã.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta có khá nhiều vụ việc người dân bức xúc liên quan đến những bãi rác. Điển hình như việc người dân thôn Quan Đình, xã Đồng Lạc (Nam Sách) phản đối việc xã xây dựng bãi rác tập trung theo chương trình xây dựng nông thôn mới do lo lắng khoảng cách giữa bãi rác với khu dân cư không bảo đảm. Người dân thôn Bễ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) tụ tập ngăn cản xe đưa rác vào đổ tại bãi rác của thôn do bãi rác này quá tải, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận... Từ thực tế trên cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở những bãi rác rất đáng báo động. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp cùng người dân cần có những biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
So với tiêu chuẩn xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn, trong số 248 bãi chôn lấp rác thải trong tỉnh được nghiên cứu thì có tới 93,7% số bãi rác không bảo đảm về mặt khoảng cách đến các khu dân cư. Có tới 21 bãi chôn lấp cách khu dân cư dưới 100 m, 142 bãi rác chôn lấp cách khu dân cư dưới 500m. Chỉ có 12 bãi chôn lấp cách khu dân cư ít nhất 1.500 m. |
MẠNH HOÀNG