Bài học về dân vận

11/10/2013 15:57

Trước giờ sinh hoạt Đảng bộ xã Q., đọc báo thấy mấy nơi phải hoàn lại số xi-măng tỉnh hỗ trợ làm đường, mấy đồng chí cùng trao đổi:


- Xã mình suýt nữa cũng bỏ lỡ "cơ hội vàng" đấy còn gì. - Đồng chí Bí thư Đảng bộ xã buông tờ báo xuống nói - Việc tỉnh trợ cấp xi-măng làm đường như một mũi tên trúng hai đích, vừa tạo đột phá xây dựng hạ tầng, lại vừa giải phóng hàng tồn đọng. Còn xã ta lúc đó nhiều đường trong thôn vẫn chỉ lát gạch, xỉ than, có chỗ là đường đất. Đường ra đồng là những khúc ngoằn ngoèo, chuyên chở mọi thứ bằng xe cải tiến còn lọt bánh, nói gì đến ô-tô? Thực trạng đường xấu, không tiền làm, nhưng khi có vật liệu rồi cũng lại là một cuộc đấu tranh tư tưởng phải không các đồng chí?

- Đúng vậy. Nhớ lại ngày bàn quy hoạch giao thông, đụng chạm từ đất, công trình trong làng đến ruộng ngoài đồng, bao khó khăn đặt ra. Từ đảng ủy đến các chi bộ kiên trì giáo dục, thuyết phục và nêu gương những đảng viên, nhờ thế quần chúng mới sẵn sàng phá công trình, hiến đất, hiến ruộng để làm đường. - Đồng chí Bí thư Chi bộ thôn A góp chuyện.

-Nhờ quyết tâm đó, mà hàng nghìn mét đường trong thôn, ngoài đồng đã được trải bê-tông - một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất.

-Nhưng qua sự việc trên, chúng ta có thêm bài học gì? - Đồng chí Bí thư Đảng bộ lại hỏi.

Một đồng chí nói:

- Bài học về công tác dân vận đấy. Rõ ràng, nếu không có đảng viên nêu gương phải bỏ công trình, hiến đất thì làm sao có nhiều quần chúng cũng hiến đất, hiến ruộng theo. Nếu không lắng nghe dân nói những băn khoăn, thắc mắc thì làm sao biết cách giải thích, kiên trì thuyết phục cho dân hiểu. Ấy cũng là một liên hệ sinh động cho việc học tập Nghị quyết Trung ương 7 về công tác dân vận hôm nay. - Đồng chí Bí thư Đảng bộ "kết luận".

ĐỒNG CHÍ

(0) Bình luận
Bài học về dân vận