Bài học thời cơ của Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đẩy mạnh hội nhập quốc tế

19/08/2016 13:35

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.



Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (8-1945)

Đây là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi đầu tiên trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã giật tung xiềng xích hơn 80 năm thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc; lật nhào chế độ chuyên chế phong kiến tồn tại hàng chục thế kỷ trên đất nước ta, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ lịch sử đầy đau thương nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân ta.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là kết quả tất yếu từ mạch ngầm sục sôi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chảy suốt hàng nghìn năm và bùng nổ thành cao trào cách mạng không gì cưỡng và cản nổi. Cuộc cách mạng vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng ta là một biểu tượng tinh thần quật cường "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Đó là sự kết tinh và tỏa sáng sức mạnh nội lực Việt Nam. Sức mạnh nội lực đó trở thành nền tảng, động lực to lớn của cách mạng, khởi nguồn cho những thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975, thu giang sơn về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho chúng ta một bài học lớn về kịp thời nắm bắt và tận dụng triệt để thời cơ. Thời cơ là một nhân tố khách quan diễn ra trong một khoảng thời gian lịch sử nhất định. Tuy nhiên, khi đã có thời cơ nhưng nếu lực lượng lãnh đạo chưa sẵn sàng để nắm bắt thì nó sẽ nhanh chóng qua đi. Vì thế, việc tiên đoán đúng thời cơ, nhạy bén chớp lấy thời cơ một cách khôn khéo để giành thắng lợi là minh chứng thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám.

Thực tiễn sau khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Trung ương Đảng đã phân tích, đánh giá tình hình thế giới, trong nước một cách khoa học, toàn diện, cụ thể; dự báo chính xác chủ nghĩa phát xít nhất định sẽ thất bại, Liên Xô và các lực lượng chống phát xít nhất định giành chiến thắng. Đó là thời cơ lớn cho cách mạng Việt Nam. Đảng ta đã xác định đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Để chuẩn bị thế và lực của cách mạng, Đảng ta đã thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi, đoàn kết các lực lượng đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Đồng thời, tích cực xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, các căn cứ địa cách mạng và khu giải phóng; phát triển đội quân chính trị quần chúng bao gồm các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Việt Minh. Đảng ta chủ trương vừa xây dựng, vừa khôi phục các tổ chức, đoàn thể cách mạng; đưa đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ chốt vào rèn luyện thử thách trong thực tiễn đấu tranh sôi nổi của cách mạng để sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quần chúng đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân.

Bước vào năm 1945, phát xít Đức, Ý, Nhật bị thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường Âu - Á; quân đội Xô Viết và các lực lượng chống phát xít chiến thắng vẻ vang, mở ra thời cơ mới cho các dân tộc bị áp bức có thể đứng lên giành lấy độc lập, tự do. Sau ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ Pháp, Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị: "Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".

Đây là một chủ trương rất sáng suốt, kịp thời và cụ thể của Đảng ta trong phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước, kết hợp khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành chính quyền thắng lợi trong cả nước diễn ra trong thời gian rất ngắn và ít hao tổn xương máu, thể hiện sâu sắc sự nhạy bén, mẫn cảm cách mạng của Đảng; biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong quá trình chuẩn bị cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn.

71 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vững bước trên con đường xây dựng CNXH. Hiện nay, thế giới đang diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn đưa năng suất lao động lên rất cao. Việt Nam đang bước vào sân chơi toàn cầu và khu vực với việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng ASEAN. Cơ hội và thách thức mới luôn đan xen lẫn nhau, đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải luôn sáng suốt, tỉnh táo, giữ vững bản lĩnh chính trị, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và quyết tâm cao để lãnh đạo toàn dân, toàn quân tận dụng mọi cơ hội, điều kiện thuận lợi và vượt qua tất cả khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước tiếp tục phát triển, đi lên, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.

Trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rõ bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra, trong đó có nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta; đặc biệt, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng, chạy luân chuyển, "lợi ích nhóm"… đã và đang là mối nguy cơ lớn đối với Đảng, Nhà nước. Hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hãy phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, vận dụng tốt phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc vận dụng phương châm "bất biến" đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết; không được vì bất kỳ quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của mình mà bất chấp nguyên tắc, gây tổn hại cho đất nước, cho Đảng và lợi ích của nhân dân. Thực hiện phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quá trình sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, song phải luôn "ứng vạn biến", tỉnh táo để phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc, tận dụng có hiệu quả thời cơ, điều kiện thuận lợi để mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, tập thể và cá nhân, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên CNXH. Đó chính là thước đo bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sự mẫn cảm giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC THẮNG Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng


(0) Bình luận
Bài học thời cơ của Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đẩy mạnh hội nhập quốc tế