Chúng ta khi nhắc đến Bác Hồ kính yêu sẽ có muôn vàn lời tôn kính và có vạn hình ảnh đẹp nhất để tưởng nhớ.
Chúng ta khi nhắc đến Bác Hồ kính yêu sẽ có muôn vàn lời tôn kính và có vạn hình ảnh đẹp nhất để tưởng nhớ. Trong đó phải kể đến tình yêu thiên nhiên của Người. Mặc dầu bận trăm công nghìn việc nước, nhưng Người vẫn cố gắng dành chút thời gian hiếm hoi để yêu và chăm sóc hoa lá. Trong vườn của Bác có rất nhiều loại cây xanh quý, trong đó có cây Bụt mọc. Đó là cảm hứng để nhà thơ Nguyễn Hưng Hải viết bài thơ "Cây Bụt mọc trong vườn Bác".
Bài thơ với nghĩa đen rất thực tế, rằng các loại cây, bất kể cây gì thì sâu bọ là loại tàn phá đáng sợ nhất. Với cây Bụt mọc trong vườn của Bác cũng không tránh khỏi điều này: "Sâu đục thân cây Bụt mọc trong vườn/Lở loét vết thương cây Bụt mọc/Lũ sâu bọ đục thành hang hốc/Cây không thể nào cúi xuống chữa cho cây".
Mỗi khi loại sâu đục thân đã ra sức gặm nhấm nếu không được chữa trị kịp thời thì cây sẽ chết một cách đau đớn. Và việc tìm cho ra loại sâu đáng ghét này không hề đơn giản chút nào. Chúng nằm sâu trong hang hốc và chỉ xuất hiện về đêm, nghĩa là chúng lợi dụng thời cơ khi con người mất cảnh giác nhất để "leo cao và luồn sâu" cắn phá... Khổ thơ thứ hai đã tỏ rõ điều này. Thế nhưng, chỉ cần chúng ta biết cách và ra tay kịp thời thì sẽ cứu vãn được tình thế xấu nhất có thể xảy ra. Ở đây, Bác đã ra tay để cứu cây Bụt mọc trong vườn của mình: "Lũ sâu bọ hết đường khi Bác xắn tay/Trộn vôi bột với rơm khô nhét vào từng hang hốc/Chỉ mấy ngày sau như Bụt mọc/Cây Bụt mọc lại xanh như lúc Bác ở nhà".
Chuyện về cây Bụt mọc không chỉ dừng ở đó mà được nâng tầm lên trong những khổ thơ tiếp theo. Bác Hồ đã dùng chính câu chuyện này để nhắc nhở mọi người về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống cũng như công tác cán bộ: "Rất nhiều lần Người đã kể lại chuyện này như để nhắc chúng ta/Sẽ mất cả vườn cây nếu không trừ tận gốc/Trồng cây như trồng người, học cách làm của Bác/Không để cây vào cho sâu bọ đục thân". Có lẽ đây là khổ thơ gói gọn nhất, ý nghĩa nhất và hay nhất trong toàn bài thơ. Đó là bài học cho chính con người, là bài học cho những người có trách nhiệm gìn giữ non sông đất nước.
Bài thơ tạo sự so sánh độc đáo giữa "trồng cây" và "trồng người". Vườn cây xanh đẹp như thế nhưng chỉ cần có một cây bị bệnh, chỉ cần trong đó có cây đang bị sâu bọ xâm hại, đục khoét... thì chắc chắn không bao lâu cả khu vườn kia sẽ tan nát. Đất nước của chúng ta cũng thế, công lao cha ông đã đổ không biết bao nhiêu xương máu, để có được một đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Song vẫn còn những kẻ tham ô, tham nhũng, như loài sâu bọ đang đục khoét và tàn phá đất nước. Chúng ta phải tiêu diệt tận gốc loại sâu bọ này. Và để làm được điều này, những người đứng đầu, những người có trách nhiệm phải làm gương, phải trong sạch và hết sức cương quyết. Bác Hồ đã có cách để tiêu trừ loại sâu hại cây của Bác. Con người còn ma mãnh gấp tỷ lần loại sâu bọ kia. Vì thế sẽ khó khăn hơn nhiều, nhưng không phải là không làm được.
Bài thơ "Cây Bụt mọc trong vườn Bác" dùng chuyện xưa để nói chuyện nay, dùng chuyện cây để nói chuyện con người, chuyện cán bộ, là lời nhắc nhở khéo léo đến con người nói riêng và tình hình nước nhà nói chung. Bài thơ vừa có giá trị nghệ thuật vừa có tính thời sự và nhân văn sâu sắc.
DƯƠNG HIỀN
Cây Bụt mọc trong vườn Bác Sâu đục thân cây Bụt mọc trong vườn NGUYỄN HƯNG HẢI |