Bài cuối: Xây dựng và báo cáo chương trình hành động

28/04/2016 15:06

Chương trình hành động phải trả lời các câu hỏi sau: nói cho ai nghe? nói để làm gì? và nói nội dung gì?






Xây dựng chương trình hành động là hoạt động có tính bắt buộc đối với các ứng cử viên, là tài liệu để ứng cử viên báo cáo trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử, đồng thời để các cơ quan hữu quan và cử tri giám sát đại biểu trong suốt quá trình hoạt động của một nhiệm kỳ 5 năm.

Xây dựng và trình bày (báo cáo) chương trình hành động của mình làm sao để thuyết phục cử tri, để cử tri hiểu và đánh giá năng lực, trình độ, trách nhiệm của một ứng cử viên khi lựa chọn bầu cử?

Chương trình hành động phải trả lời các câu hỏi sau: Nói cho ai nghe? (thành phần cử tri, trình độ nhận thức, phong tục, tập quán, văn hóa, họ quan tâm vấn đề gì?). Nói để làm gì? (báo cáo nội dung, chương trình hành động thực hiện khi trở thành đại biểu, phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, vận động bầu cử…). Nói nội dung gì? (vấn đề cử tri quan tâm, vấn đề thuộc  lĩnh vực chuyên môn của bản thân, vấn đề quan trọng của đất nước...).

Vì vậy ứng cử viên cần tìm hiểu các thông tin: Cử tri ở khu vực ứng cử là đối tượng nào? Họ đang mong đợi gì? Thời gian trình bày cho phép? Cách trình bày (ngồi hay đứng? Có micro không?…). Thời gian trao đổi? Có sự tham gia của cơ quan thông tin đại chúng không? Những ứng cử viên nào cùng tiếp xúc với mình? Ta có ưu thế gì so với các ứng cử viên khác? Chương trình hành động của ứng cử viên cùng đơn vị bầu cử có những nội dung gì?... Những thông tin này rất cần thiết đối với bạn trong việc xây dựng chương trình hành động sát, đúng, phù hợp.

Chương trình hành động phải ngắn gọn, đầy đủ và đúng trọng tâm, gồm 3 phần:

Phần mở đầu, cần giới thiệu ngắn gọn về bản thân, vị trí, chức danh, chuyên môn...; thể hiện hiểu biết về trách nhiệm một đại biểu dân cử và mong muốn trở thành đại biểu dân cử...; nhấn mạnh chủ đề của chương trình hành động (gợi mở mối quan tâm của cử tri), xuất phát từ vị trí công tác, thế mạnh sở trường, mối quan tâm ưu tiên và khả năng theo đuổi mục tiêu hành động. Chủ đề phải có tính khái quát, bao trùm, trên cơ sở đó triển khai thành các luận điểm cụ thể, tạo nên một chương trình hành động logic, có sức thuyết phục.

Phần nội dung, cần nêu những nét nổi bật về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nói chung, của địa phương, lĩnh vực chuyên môn của mình. Ứng cử viên phải thể hiện hiểu biết về những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, mong muốn và đề xuất. Triển khai các vấn đề cụ thể và định hướng giải pháp mà mình có thể tham gia giải quyết. Thể hiện được mối liên hệ chặt chẽ giữa ứng cử viên và mối quan tâm của cử tri. Cam kết thực hiện những định hướng hành động đã nêu và phản ánh trung thực nguyện vọng của cử tri cũng như đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Các ứng cử viên cần thu thập đầy đủ thông tin cho nội dung chương trình hành động: Về chủ trương, chính sách chung của Nhà nước và chính quyền địa phương;  những vấn đề mà cử tri đang quan tâm (đời sống, lao động việc làm, y tế, giáo dục…) của nam giới, phụ nữ và trẻ em; các nhu cầu mong muốn của cử tri…; các giải pháp liên quan như phương hướng phát triển của địa phương, chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính sách người có công, vấn đề môi trường, phát triển nông thôn...

Những điểm cần chú ý: Nắm đầy đủ thông tin, chọn lọc thông tin để đưa vào đề cương chương trình hành động; có những điểm nhấn phù hợp với mối quan tâm của cử tri và khả năng thực hiện của ứng cử viên. Không nên có những lời nói sáo rỗng, hứa với cử tri ngoài khả năng giải quyết của mình.

Phần kết luận, ứng cử viên cần khái quát lại những ý quan trọng, nêu lên tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với cử tri; bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ;  khẳng định việc giữ mối liên hệ với cử tri; cảm ơn các cử tri đã lắng nghe và các cơ quan đã tổ chức cuộc gặp gỡ tiếp xúc này…

Việc chuyển tải chương trình hành động đến cử tri là việc quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng chương trình, đó là việc báo cáo chương trình hành động trước hội nghị tiếp xúc cử tri. Trình bày chương trình hành động là cơ hội duy nhất để ứng cử viên thể hiện mình trước đông đảo cử tri và có thành công hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của mỗi ứng cử viên. Việc báo cáo chương trình hành động trước hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý một số điểm sau:

Căn cứ bản chương trình hành động đã xây dựng, tùy theo đối tượng cử tri từng cuộc tiếp xúc để có sự cam kết cụ thể hoặc trao đổi, chia sẻ nội dung cử tri quan tâm, nhưng phải bám sát nội dung chương trình hành động đã xây dựng.

Trình bày chương trình hành động chứ không phải đọc nguyên văn bản chương trình đã chuẩn bị sẵn. Do thời gian hạn chế nên phải sắp xếp các vấn đề theo thứ tự ưu tiên, phần mở đầu hết sức ngắn gọn, phần nội dung xếp theo theo thứ tự ưu tiên. Sử dụng văn phong, từ ngữ, cách diễn đạt phù hợp với đối tượng cử tri bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu và có sức thuyết phục cao.

Chủ động, tự tin, tôn trọng và thân mật trong tiếp xúc để cử tri thấy được sự đĩnh đạc trong phong cách của một người mà cử tri sẽ gửi gắm.

LƯƠNG ANH TẾ
Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương

(0) Bình luận
Bài cuối: Xây dựng và báo cáo chương trình hành động