Những khó khăn mà chính quyền các địa phương đưa ra là có, nhưng đó không phải là lý do mà có thể do sự thiếu kiên quyết, thờ ơ của chính quyền!?
Người dân thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) xua đuổi cát tặc trong đêm tối
Đã gần một năm kể từ khi anh Vũ Văn Trưởng ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ) bị chết đuối do cát tặc tấn công, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tại đây. Anh Nguyễn Văn Huy, trưởng thôn Tri Lễ cho biết: “Tháng 2 - 2012, tôi đã viết đơn cầu cứu gửi lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và đã nhận được hồi âm. Đến tháng 3 - 2012, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã về xác minh, làm việc thế nhưng đến nay tình trạng khai thác cát vẫn tiếp diễn, người dân rất bức xúc". Anh Huy cho biết thêm, sau khi anh viết đơn gửi lên Văn phòng Chính phủ và đoàn thanh tra tỉnh về làm việc thì có một số đối tượng thanh niên lạ mặt thường xuyên lai vãng tại khu vực nhà anh. Mặc dù chúng chưa hành hung nhưng cũng đã 3 lần chặn đường, dùng dao, kiếm để đe dọa. Để tránh ảnh hưởng đến gia đình, gần một tháng nay anh Huy phải mang chăn, chiếu ra nhà văn hóa thôn ngủ...
Trong khi người dân đang phải đối mặt với nạn cát tặc thì chính quyền và các cơ quan chức năng đang có biểu hiện ngại khó, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Điệp khúc mà các địa phương đưa ra để giải thích về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra như hiện nay là những khó khăn về kinh phí, lực lượng, địa bàn phức tạp... Ông Vũ Ngọc Sang, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cho biết: "Nhiều khi huyện huy động lực lượng liên ngành cùng phương tiện bắt các phương tiện khai thác cát trái phép thì bị lộ thông tin, không bắt được tàu. Có trường hợp khi phát hiện đối tượng, cần cơ động nhanh nhưng không có phương tiện truy đuổi. Mặt khác, chi phí để bắt 1 tàu cát tốn kém, có khi lên tới hàng chục triệu đồng". Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cũng phàn nàn: “Cả huyện có 40 km đường sông, lại nằm giáp ranh với TP Hải Phòng và có các tuyến sông sang Thái Bình, trong khi đó huyện chỉ có 2 chiếc xuồng, nên việc kiểm tra, bắt giữ các trường hợp vi phạm rất khó khăn”. Còn theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trách nhiệm chính trong công tác ngăn chặn, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép thuộc về chính quyền địa phương. Ông Hiển cho biết: “Qua công tác nắm tình hình chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu một số lãnh đạo địa phương đứng đằng sau các doanh nghiệp khai thác, thu gom, kinh doanh loại vật liệu này”. Còn theo một số người chuyên hoạt động trong lĩnh vực san lấp thì có những "đầu nậu" chuyên kinh doanh bến bãi sẵn sàng trả tiền phạt cho các chủ tầu cát để mua cát khai thác trái phép.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống và xử lý khai thác cát lòng sông trái phép tỉnh, nguyên nhân chính khiến cát tặc vẫn lộng hành như hiện nay là giữa các ngành, địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ, còn ỷ lại, dựa dẫm và đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng một số địa phương và người dân có đất bãi bán đất cho các chủ tầu khai thác để thu tiền. Nhiều địa phương được trang bị phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, bắt giữ, xử phạt các trường hợp vi phạm, nhưng hầu như không sử dụng với lý do không có kinh phí vận hành. Thậm chí có tình trạng, lực lượng chức năng ở địa phương chỉ xua đuổi phương tiện khai thác cát trái phép khỏi địa bàn quản lý mà không có sự phối hợp với địa phương có chung tuyến sông. Điều này dẫn đến việc các đối tượng khai thác cát trái phép có biểu hiện thách thức chính quyền và các cơ quan chức năng.
Cát tặc là người địa phương, thuyền hút cát, bến bãi cũng ở địa phương, bãi sạt lở cũng của địa phương. Vậy mà, chính quyền địa phương không xử lý được cát tặc? Những khó khăn mà chính quyền các địa phương đưa ra là có, nhưng đó có phải là sự bao biện hay không khi người dân ở các địa phương vẫn ngày đêm một mình chống chọi với cát tặc, còn chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng lại dửng dưng!?
Nhóm phóng viên kinh tế