Bài cuối: Khó nhân rộng

03/10/2014 04:16

Việc thí điểm "nhất thể hóa" ở 7 xã, thị trấn trong tỉnh đã bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nhân rộng mô hình này lại là vấn đề không đơn giản.






Đồng chí Lê Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc (ngoài cùng bên trái)
 kiểm tra tiến độ thi công đường ra đồng ở thôn Cát Tiền. Ảnh: Nguyễn Mẫn

Áp lực lớn

Cuộc làm việc giữa chúng tôi với đồng chí Trình Văn Bích, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kim Giang (Cẩm Giàng) trong một buổi chiều liên tục bị gián đoạn bởi khách đến liên hệ công việc. Một đồng chí ở Văn phòng Đảng uỷ xã báo cáo vấn đề cần giải quyết liên quan đến hồ sơ đảng viên; đồng chí cán bộ HTX Dịch vụ nông nghiệp xin ý kiến về vấn đề liên quan đến công tác thuỷ lợi, rồi cán bộ phụ trách hộ khẩu hỏi về việc tách khẩu, cán bộ khác đề nghị xử lý bãi rác thải ở khu vực giáp ranh với xã khác… Đồng chí Bích vừa thể hiện xong vai của Bí thư Đảng uỷ, ngay lập tức lại vào vai Chủ tịch UBND xã. “Có những hôm 6 giờ tối, tôi mới rời trụ sở về nhà. Nhiều khi phải mang việc về tranh thủ làm vào buổi tối mới kịp hoàn thành. Cũng chưa hết, có khi nhân dân gặp vấn đề bức xúc, bất kể là vào ngày nghỉ hay giờ nghỉ, cũng đều tìm đến mình để phản ánh nên không thể không giải quyết. Nếu chỉ giữ một vai thôi, công việc sẽ nhẹ đi rất nhiều”, đồng chí Bích chia sẻ.

Một khó khăn nữa mà cán bộ “nhất thể hóa” gặp phải đó là vấn đề sắp xếp thời gian hợp lý cho công việc. Là người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền, họ vừa phải tham dự nhiều cuộc họp quán triệt, triển khai công việc của cấp trên, lại vừa phải tham dự các cuộc họp của đảng uỷ, chính quyền địa phương nên còn ít thời gian dành cho công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sai sót lệch lạc ở cơ sở. Mỗi địa phương lại có một đặc thù riêng đòi hỏi người đứng đầu chính quyền phải tập trung giải quyết như việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thực hiện dồn điền, đổi thửa, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn trung tâm… Được "mục sở thị" một buổi làm việc của các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi cũng nhận thấy các công việc liên quan đến chính quyền chiếm phần lớn số việc họ phải giải quyết hằng ngày. Chuyện “lệch vai”, nặng về công việc chính quyền hơn công việc của Đảng là điều khó tránh khỏi.

Cũng như đồng chí Bích, đồng chí Trương Anh Ngang, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) hay đồng chí Lê Bá Phúc (Thanh Bính, Thanh Hà) đều cho rằng, làm một lúc hai vai, gánh nặng công việc cũng tăng gấp đôi, áp lực đối với cán bộ rất lớn. Nếu không có sự đoàn kết nhất trí của tập thể Đảng uỷ, UBND xã, sự hỗ trợ của các cán bộ cấp dưới, cán bộ “nhất thể hóa” khó mà hoàn thành được nhiệm vụ.

Dễ phạm sai lầm

Từ chỗ áp lực công việc lớn, quyền lực tập trung vào một người, việc "nhất thể hóa" dễ dẫn đến tình trạng cán bộ chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ trong lãnh đạo, điều hành công việc. Thực tế đã có những việc đáng tiếc xảy ra ở xã thực hiện thí điểm chủ trương “nhất thể hóa” như ở Hồng Đức (Ninh Giang). Ông Nguyễn Khắc Dược, đảng viên 50 năm tuổi Đảng ở thôn Đồng Lạc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hồng Đức cho biết: “Kỳ họp giữa năm 2014 vừa qua, HĐND xã Hồng Đức đã không quyết toán được ngân sách xã năm 2013 do có một số khoản chi nằm ngoài danh mục quy định của nhà nước. Những vấn đề liên quan đến việc chi tiêu ngân sách xã vẫn đang được cơ quan thanh tra tiếp tục xác minh”. Theo ông Dược, nếu người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền xã không “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, thì có lẽ sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra. Ông Dược cũng cho biết, trước khi thực hiện “nhất thể hóa”, Hồng Đức là đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nhiều năm được tỉnh biểu dương khen thưởng. Vài năm trở lại đây, Đảng bộ xã tuy vẫn đạt trong sạch, vững mạnh nhưng chỉ ở cấp huyện. Điều đó cho thấy, "nhất thể hóa" ở Hồng Đức đã không đem lại kết quả như mong muốn. Cá nhân ông Dược và một số cán bộ đảng viên khác ở Hồng Đức cho rằng cứ để riêng 2 vai Bí thư và Chủ tịch cho 2 người đảm nhiệm sẽ tốt hơn.

Chưa thể nhân rộng

Từ thực tiễn một số xã, thị trấn đã thực hiện nhất thể hóa cán bộ, chúng tôi nhận thấy, mô hình này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi bảo đảm được 2 yếu tố: nội bộ địa phương đoàn kết và người đảm nhiệm vai trò Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã phải có  năng lực, phẩm chất đáp ứng được yêu cầu của cả 2 công việc. Ông Phạm Thuần Kiên, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Kim Giang (Cẩm Giàng) thời kỳ 1982-1990 cho rằng, việc thực hiện “nhất thể hóa” cán bộ ở Kim Giang thành công là do đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã là người vừa có năng lực, vừa có uy tín, lại luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Hơn nữa, Kim Giang cũng có truyền thống đoàn kết nên việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền có nhiều thuận lợi. Theo ông Kiên, ngoài tiêu chuẩn đối với người đứng đầu, đội ngũ cán bộ giúp việc (như các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Phó Chủ tịch UBND xã) cũng phải có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn đoàn kết, một lòng vì công việc chung thì việc “nhất thể hóa” mới đem lại hiệu quả. 

Đồng chí Bùi Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) lại cho rằng chưa nên nhân rộng chủ trương này, đặc biệt đối với các địa phương còn có tình trạng thiếu đoàn kết nội bộ, có biểu hiện phe cánh, thiếu cán bộ có năng lực, trình độ. Để thực hiện chủ trương “nhất thể hóa”, cần phải chuẩn bị thật tốt các điều kiện về con người, bộ máy. 

Đây thực sự là bài toán khó, bởi việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo được người hội đủ các yếu tố đức, tài và kinh nghiệm để đảm nhiệm chức danh “2 trong 1” này không đơn giản. Người có đủ kinh nghiệm làm cả bí thư và chủ tịch có khi lại không đủ sức khỏe để đáp ứng gánh nặng của cả 2 công việc. Cán bộ trẻ, khỏe lại thường thiếu kinh nghiệm. Đó là chưa kể trình độ đào tạo, năng lực thực tiễn của nhiều cán bộ cấp xã hiện còn hạn chế. Một số địa phương vẫn còn tiềm ẩn xu thế cục bộ, bè cánh, mất đoàn kết nội bộ…

Chế độ phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm hiện nay cũng là một rào cản đối với việc nhất thể hóa chức danh Bí thư đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã. Theo quy định của Nghị định 92 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, việc kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 1 người trong số lượng quy định đối với cán bộ, công chức cấp xã, thì cán bộ kiêm nhiệm mới được hưởng 20% phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm. Mức phụ cấp này chưa tương xứng giữa quyền lợi và trách nhiệm của chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Những vấn đề trên cho thấy, nhân rộng mô hình “nhất thể hóa” vẫn chưa thể thực hiện được ngay. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tới đây mô hình này sẽ vẫn tiếp tục được thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện.

THANH MAI - TRUNG THU

(0) Bình luận
Bài cuối: Khó nhân rộng