Bài cuối: Chốt tiền tiêu trên biển

02/03/2015 09:03

Những ngôi nhà nơi đầu sóng đứng hiên ngang khẳng định chủ quyền đất nước trên thềm lục địa phía Nam.







Mỗi một nhánh lá, nhành rau là thành quả của rất nhiều công sức người lính nhà giàn

Cũng đối mặt với bốn bề sóng gió nhưng các nhà giàn còn không thể chạy tránh như những con tàu. Những ngôi nhà nơi đầu sóng đứng hiên ngang khẳng định chủ quyền đất nước trên thềm lục địa phía Nam.

Nhà bốn mặt tiền

Vừa đặt chân lên nhà lô của nhà giàn DK1/10, tôi được chào đón bởi nụ cười hiền hậu của thượng úy chuyên nghiệp Phạm Khắc Chuyên. Hôm nay, tới phiên làm đầu bếp nên anh không xuống dưới chân nhà giàn kéo hàng lên cùng anh em được. Vừa thái những lá mùng tơi to bằng bàn tay người lớn anh vừa khoe: “Rau nhà giàn tự trồng đấy nhé. Nhà báo thấy lính nhà giàn có sướng không. Chả ở đâu có nhà bốn mặt tiền thế này, cũng chả ở đâu có rau mồng tơi tốt như thế này”. Đúng là chỉ ở đây mới có những ngôi nhà “bốn mặt tiền” quanh năm lộng gió, nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với việc ngôi nhà quanh năm đối mặt với sóng gió, hiểm nguy ở tứ bề.

Đứng từ trên nhà lô nhìn xuống mặt biển sâu hun hút phía dưới, người chưa quen sẽ  cảm thấy chóng mặt. Vậy mà các cán bộ, chiến sĩ quanh năm đối mặt với biển khơi. Khi trời yên bể lặng còn đỡ cực, lúc bão tố nổi lên, dưới chân sóng réo, gió thổi cuốn bay tung các vật dụng ở nhà lô, các anh cùng ngôi nhà phải gồng mình chống trả. Tuy hầu hết những người lính trên nhà giàn DK1/10 đều có thâm niên ở nhà giàn song các anh vẫn luôn nhắc nhau phải hết sức cẩn thận, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là có thể xảy ra hậu quả khôn lường. Mà ở nơi cách xa đất liền như thế này, một chút rủi ro cũng trở thành tai họa lớn.

Ở nhà giàn, mọi vật dụng, lương thực, thực phẩm, nước uống đều được chuyển từ đất liền. Trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng mới có một chuyến tàu chuyển hàng ra nên tất cả mọi thứ đều phải dùng tiết kiệm. Thực phẩm chủ yếu là đồ khô, chỉ có cá và rau xanh là các anh tự túc được nên thỉnh thoảng có đồ tươi. Thượng úy Hoàng Vũ, người có thâm niên 10 năm ở nhà giàn, có những nhà giàn anh quay trở đi trở lại đến 3 lần như nhà giàn DK1/10 nên anh đầy kinh nghiệm trong việc tăng gia ở nơi không một tấc đất này. Anh miêu tả: “Mỗi khi tàu ra, ngoài hàng hóa thông thường còn có một vài bao đất, phân bón để anh em ngoài này trồng rau. Nước rửa bát, nước tắm xong đều phải giữ lại để tưới rau. Ở đây gió biển đầy hơi muối nên phải lựa chọn giống rau để trồng, nhiều loại phải quây chắn gió xung quanh thì mới lên được. Mỗi cọng rau đều rất quý giá nên anh em rất nâng niu, chiều nào cũng phân công nhau bắt sâu, nhổ cỏ”. Mỗi một khay rau lên xanh mướt mát là bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của các anh đã đổ xuống để sự sống nảy mầm, sinh sôi ở nơi có điều kiện sống khắc nghiệt và gian khổ như thế.

Vững vàng nơi đầu sóng

Ôm cây đàn ghi ta gảy rất điêu luyện, thiếu úy Vũ Văn Lâm tâm sự: “Sống ở nhà giàn, có khi cả năm mới gặp một vài người ngoài, anh em phải luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu tiếng đàn, giọng hát thì mới trụ vững được ở nơi này”. Mỗi giờ nghỉ giải lao, các anh lại đàn hát, chơi cờ tướng, bóng bàn. Mỗi dịp lễ Tết nhà giàn cũng có giải thi đấu thể thao, có hái hoa dân chủ, biểu diễn văn nghệ như ở bất cứ đơn vị có đông đảo thành viên nào khác.

Làm nhiệm vụ ở nơi đầy khó khăn, thiếu thốn, những người lính nhà giàn vẫn hết sức yêu đời và lãng mạn. Không chỉ giữ vững tinh thần, ý chí của bản thân, họ còn luôn mong muốn mang niềm vui cho đồng đội xung quanh, cho những người thân yêu trong gia đình. Mỗi buổi tối nhà giàn lại rộn ràng các cuộc điện thoại. Những cán bộ, chiến sĩ đang không trong ca trực thường gọi điện về nhà để thăm hỏi gia đình, thậm chí các anh còn thường xuyên dạy học cho con qua điện thoại. Để tạo bất ngờ cho gia đình, có năm thiếu tá Trịnh Văn Sơn về nghỉ phép mà không thông báo. Anh chỉ gọi điện cho vợ nói hai mẹ con lên thị trấn nhận quà anh gửi về. Địa chỉ chị đến nhận quà thực ra là nhà hàng anh đã đặt chỗ. Khi hai mẹ con bước vào cửa, đã thấy anh cầm sẵn hoa đứng chờ, cả gia đình vỡ òa niềm vui sướng. Chính sự lãng mạn đáng yêu ấy đã giúp các anh thêm sức mạnh tinh thần nơi đầu sóng, và những người lính nhà giàn được gọi bằng tên gọi thân thương là “những bông hoa trên biển”.

Phải chắt chiu từng giọt nước, hạt gạo nhưng các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn rộng lòng chia sẻ với những ngư dân tìm đến với các anh. Đánh bắt trên biển dài ngày, nhiều tàu ngư dân hết nước, hết gạo, phải ghé vào nhà giàn xin tiếp viện. Những trường hợp gặp tai nạn trên biển cũng được các ngư dân chuyển vào nhà giàn sơ cấp cứu. Riêng trong năm 2014, có 6 trường hợp ngư dân được các chiến sĩ nhà giàn cứu giúp khi bị tai nạn. Vì thế, khi đi đánh bắt lâu ngày trên biển, các ngư dân cũng thấy vững lòng hơn. Với tinh thần “người còn, nhà giàn còn, vùng biển DK1 còn”, sự hiện diện của người lính nhà giàn đồng nghĩa với sự bình yên trên biển.

Giữa vùng biển mênh mông, nhìn bốn xung quanh chỉ toàn là sóng nước, cảm giác như thể trái đất này sinh ra từ biển, những ngôi nhà giàn đứng hiên ngang trên sóng là kết tinh ý chí, tinh thần và sức mạnh của con người. Đó là những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc nơi thềm lục địa phía Nam đất nước. Đó không phải là những khối sắt thép vô tri mà còn mang trong mình hơi thở của cuộc sống những người chiến sĩ hải quân, là sự quật cường của những người lãnh trách nhiệm canh gác sự bình yên cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

VIỆT HÒA

(0) Bình luận
Bài cuối: Chốt tiền tiêu trên biển