Bài cuối: Cần giải pháp từ nhiều phía

28/04/2010 08:13

Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thu được kết quả, người tiêu dùng cần coi sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, các doanh nghiệp sản xuất cần quan tâm đến giá cả, chất lượng hàng hóa...


Sản phẩm giày dép Lucky sản xuất trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thành Chung

Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã triển khai được gần 6 tháng, thu được những kết quả bước đầu. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhận thức của một số cơ quan, ban, ngành trong tỉnh và nhân dân đã có chuyển biến. Nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nhằm vào thị trường trong nước. Công ty CP May II đã mạnh dạn chuyển hướng, từ chỗ sản phẩm xuất khẩu 100%, nay công ty đã có các mẫu hàng hóa phù hợp với người Việt và tiêu thụ trong nước như: áo sơ-mi, áo giắc-két, com-lê, quần áo trẻ em... Hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", công ty đã phát triển hệ thống phân phối và tăng cường quảng bá sản phẩm  thị trường trong nước. Công ty đã có 20 điểm, cửa hàng phân phối quần áo tại các huyện, thành phố trong tỉnh và 3 đại lý tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và TP Hải Phòng. Năm 2009, doanh thu từ bán hàng trong nước chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của công ty. Công ty Thạch rau câu Long Hải cũng có 66 nhà phân phối và 40 nghìn điểm bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Siêu thị Intimex thì cam kết đưa nhiều hơn nữa sản phẩm hàng hóa nội bày bán trong siêu thị...

Đặc trưng của tỉnh ta là nông dân chiếm đa số nên việc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nguyên liệu, vật tư của doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước sản xuất đóng vai trò quan trọng. Cần thông tin những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến nông dân, thông qua các lớp học chuyển giao kỹ thuật do Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, ngành bảo vệ thực vật tổ chức... Tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, tiếp tục hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi nông dân mua vật tư nông nghiệp, cây, con giống mới, máy nông nghiệp trong nước. Cần xây dựng những mô hình đối chứng giữa sử dụng các loại vật tư của doanh nghiệp trong nước sản xuất và sử dụng các vật tư cùng loại của nước ngoài để thấy được hiệu quả kinh tế của việc dùng sản phẩm trong nước. Các cấp chính quyền chủ động hơn nữa trong việc đẩy mạnh liên kết "4 nhà" theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đóng vai trò quan trọng, là cầu nối trong việc đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ việc bày bán hàng của doanh nghiệp khi tham gia hội chợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động XTTM. Phối hợp giữa hoạt động XTTM của trung ương và tỉnh, các hiệp hội, ngành hàng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Khi xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là khu chung cư, căn hộ, khu công nghiệp phải dành một phần diện tích nhất định để làm hạ tầng thương mại như siêu thị mi-ni, cửa hàng… Trong khu vực chi tiêu công, cần có sự định hướng ngay từ khâu phân bổ ngân sách dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước trong việc dùng hàng Việt. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan trong việc dùng ngân sách mua sắm, đặc biệt là với những gói hàng hóa, thiết bị liên quan đến đấu thầu. Công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh. Ban chỉ đạo 127 của tỉnh tăng cường các biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại; xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm chất lượng hàng hóa và dịch vụ lưu thông trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra thị trường, phát hiện hàng hóa nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ và cần có những biện pháp xử lý kiên quyết với người kinh doanh, buôn bán những loại hàng hóa này. Các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục duy trì và mở rộng việc đăng tải ý kiến của bạn đọc về chất lượng hàng hóa, lên án các hình thức gian lận thương mại; giới thiệu những thương hiệu, những sản phẩm Việt có chất lượng, giá hợp lý. Tổ chức các Hội thi "Thắp sáng thương hiệu tỉnh Đông", bình chọn những thương hiệu nổi tiếng doanh nghiệp tỉnh nhà... Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cần cơ cấu lại sản xuất, hướng mạnh vào thị trường trong nước. Yếu tố quyết định để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt là chất lượng, giá cả hàng hóa, hệ thống phân phối, dịch vụ sau bán hàng phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng việc đăng ký nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa và xây dựng thương hiệu để người dân tin tưởng, yên tâm khi sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp.

Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thu được kết quả, điều quan trọng nhất là tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi việc sử dụng hàng hóa Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của mỗi cá nhân, tổ chức. Một sản phẩm hàng nội được sử dụng là tạo thêm việc làm cho người dân, tạo nguồn thu cho Nhà nước và cho hoạt động cộng đồng.

NHÓN PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài cuối: Cần giải pháp từ nhiều phía