“Thiếu tá, hạm trưởng Ngụy Văn Thà tử trận ngay trên đài chỉ huy vì mảnh đạn cắt ngang cổ. Đại úy, hạm phó Nguyễn Thành Trí cũng bị thương nặng ở bụng, mặt và ngực".
HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại biển Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
"Sau cú đâm thẳng vào trục lôi hạm 389 Trung Quốc, máy hộ tống hạm HQ-10 Nhật Tảo hoàn toàn bất khiển dụng, và các khẩu pháo chính cũng hư hỏng. Đại úy Trí máu ướt đẫm quần áo, ngậm ngùi phát lệnh rời chiến hạm”.
40 năm đã trôi qua, nhân chứng Trần Văn Hà trên chiến hạm Nhật Tảo vẫn không thể quên được thời khắc đó.
Rời tàu
Cũng như các binh sĩ khác, ông Trần Văn Hà, thủy thủ cơ khí, được đại úy Trí gọi tập trung lên boong, chuẩn bị rời tàu. Toàn cảnh bi hùng hiện rõ trước mắt mọi người.
Thiếu tá Thà gục xuống tay lái tàu. Nhiều sĩ quan, binh lính khác cũng tử trận hoặc bị thương la liệt khắp nơi. Thân tàu chi chít lỗ đạn pháo. Phía đối phương, trục lôi hạm 389 cũng đang bốc cháy rừng rực.
“Một số anh em nhất quyết đòi ở lại với tàu. Đó là những người đã bị thương nặng và cả một số pháo thủ chưa bị gì”. Nhắc lại chi tiết này, ông Hà nhớ mãi câu nhắn nhủ của những người bị thương nặng: “Thôi, chiến hữu xuống bè đi, để chúng tôi ở lại”. Đó là Lê Văn Tây, Ngô Văn Sáu...
Họ vừa nhắn nhủ lời chia tay vừa xem cơ số đạn còn lại. Trước khi hi sinh, thiếu tá Thà đã dự đoán trận hải chiến sinh tử. Ông cho người chuẩn bị bè cứu sinh và cột sẵn một số lon nước, túi kẹo năng lượng.
Chính nhờ sự cẩn thận này mà các binh sĩ rời tàu có thể cầm cự trên biển. Những binh sĩ còn khỏe thả bốn chiếc bè xuống. Có chiếc đã bị trúng mảnh đạn nhưng vẫn còn dùng tạm được.
Trong Nhật ký Hoàng Sa, chuẩn úy Tất Ngưu, sĩ quan phụ trách các khẩu đội pháo phía sau chiến hạm Nhật Tảo, kể ông là một trong những người nhảy xuống biển sau cùng.
Trước khi nhảy, ông còn gọi hạ sĩ Lê Văn Tây rời tàu. Viên hạ sĩ này rắn rỏi trả lời: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với bọn Trung Quốc, chuẩn úy cứ nhảy đi”.
Lúc ấy, những chiếc bè dưới biển đã bị sóng đánh dạt xa tàu. Chuẩn úy Tất Ngưu phải cố gắng bơi thật lâu mới bám được.
Khoảnh khắc cuối cùng
Ông Hà kể lúc ấy tất cả ánh mắt trên bè đều hướng về con tàu của mình trong khoảnh khắc cuối cùng. Hai chiến hạm Trung Quốc tăng viện đến sau đã xối xả bắn như trả thù vào chiếc Nhật Tảo.
Đạn bắn trả vẫn lóe lên trên đầu các họng súng từ chiến hạm Việt Nam. Nhìn nòng súng còn lóe đạn là biết đồng đội mình vẫn còn sống và đang tử chiến. Chiều chập choạng tối, ánh đạn lóe trên nòng pháo từ chiếc Nhật Tảo thưa dần rồi bặt hẳn.
Đứng từ đảo Hữu Nhật (Robert), trung sĩ Trịnh Văn Quý, thuộc nhóm đổ bộ từ khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4, chứng kiến cảnh chiếc Nhật Tảo oằn mình dưới lửa đạn của chiến hạm Trung Quốc.
Ông Quý chính là chứng nhân những phút hải chiến đầu tiên khi chiến hạm Nhật Tảo dũng mãnh tả xung hữu đột cùng lúc với hai tàu chiến 389 và 396 Trung Quốc.
“Và tôi cũng chính là chứng nhân khoảnh khắc cuối cùng của chiến hạm này trước lúc nó chìm hẳn vào khoảng 8g ngày 20-1-1974 ở vị trí gần đảo Hữu Nhật”.
Dưới biển, các bè lúc này đã được cột lại với nhau, nhưng một chiếc bị sóng đánh tung ra. Đêm xuống, đại úy Trí lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, rồi thượng sĩ giám lộ Vương Thương, thượng sĩ Tuấn, Thọ... cũng lần lượt ra đi theo hạm trưởng, hạm phó của họ.
Những binh sĩ còn lại trên bè cũng bị bỏng nắng ban ngày, rét run ban đêm và lả dần trong đói khát. Hạm đội 7 của Mỹ án binh bất động, không đáp ứng đề nghị của Việt Nam Cộng hòa nhằm cứu binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đang trôi giạt ngoài khơi.
Đến chiều tối 22-1, tức sau bốn ngày ba đêm lênh đênh trên biển, những người lính cuối cùng của chiến hạm Nhật Tảo được chiếc tàu buôn Hà Lan phát hiện, cứu vớt.
Tất cả chỉ còn 21 người! Chiến hạm HQ-10 Nhật Tảo đã nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa.
Không kích tái chiếm bất thành!
Một ngày sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, lực lượng phi công chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã được huy động cho một chiến dịch phản công tái chiếm chưa từng có.
Một trong những nhân chứng của chiến dịch ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, lúc bấy giờ (1974) là thiếu úy phi công lái máy bay tiêm kích F5E của không lực Việt Nam Cộng hòa.
Ông kể: “Lệnh tập kết các phi đoàn máy bay F5 từ Sài Gòn ra Đà Nẵng được ban hành khẩn cấp ngay trong ngày 20-1, một ngày sau khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Khi ấy không đoàn chiến thuật 63 (thuộc sư đoàn 3 không quân) đóng tại Biên Hòa có năm phi đoàn F5 với hơn 100 chiếc sẵn sàng đợi lệnh."
Trong khi anh em phi công của các phi đoàn đang rất náo nức chuẩn bị cho chiến dịch phản kích tái chiếm thì suốt ngày hôm đó, các phi cơ RF5A của phi đoàn 522 đã bay ra Hoàng Sa chụp không ảnh toàn bộ khu vực mang về căn cứ Đà Nẵng để chuẩn bị cho anh em phi công nghiên cứu.
Toàn bộ ảnh chụp khu vực quần đảo Hoàng Sa được phóng lớn. Tất cả anh em phi công đều nhìn thấy rõ cả số hiệu các tàu Trung Quốc đang đậu trên vùng biển Hoàng Sa. Có 41 chiếc tất thảy...
Chuẩn bị cho trận đánh tái chiếm Hoàng Sa với tinh thần “Trân Châu cảng” vừa khẩn cấp vừa náo nức. Trước ngày vào chiến dịch, tất cả anh em phi công của các phi đoàn F-5 đều ký dưới lá đơn “Xin được chết cho Hoàng Sa”.
Khi tất cả các phi đoàn F.5 được lệnh tập trung ở Đà Nẵng, người Mỹ vẫn chưa biết đến kế hoạch này. Nhưng chuẩn bị đến giờ G thì kế hoạch đã bị chặn lại. Cũng như trước đó, hạm đội 7 của Mỹ vẫn án binh bất động không hề có một động thái nào để cứu giúp binh sĩ Việt Nam Cộng hòa.
Tất cả hào khí háo hức, sự chuẩn bị chu toàn của anh em nhằm đánh một trận “sạch không kình ngạc” chiếm lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc bỗng chốc tan thành mây khói từ “lệnh của trên”!
Hoa Kỳ chính thức bỏ rơi Hoàng Sa từ lúc nào? Tài liệu mang mã số 1974STATE012641_b, đề ngày thứ bảy 19-1-1974 dưới đây chính là văn bản chính thức đầu tiên tỏ rõ lập trường của “đồng minh Hoa Kỳ” đối với Hoàng Sa: “Đụng độ vũ trang trên quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã dẫn đến một số thương vong về phía Chính phủ Việt Nam, với báo cáo của Chính phủ Việt Nam rằng hai pháo hạm có thể bị đánh chìm bởi tên lửa Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. 1. Tình hình phức tạp bởi sự hiện diện được báo cáo trên đảo Hoàng Sa (do Chính phủ Việt Nam chiếm đóng) của một nhân viên dân sự Mỹ trực thuộc văn phòng DAO (tùy viên quân sự Hoa Kỳ) tại Đà Nẵng. Chúng tôi không biết tại sao đương sự lại có mặt ở đó. 2. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ quốc phòng chỉ đạo cho hải quân Hoa Kỳ đóng bên ngoài khu vực. Cách đây hai ngày (17-1), chúng tôi đã thảo luận tình hình với đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ mối quan tâm của chúng ta trong việc làm dịu tình hình. 3. Thông cáo báo chí sẽ gồm những dòng chữ sau đây: Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa, song mạnh mẽ mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi hiểu rằng cả CHNDTH và Chính phủ Việt Nam đều đã từng chiếm đóng một số đảo khác nhau thuộc nhóm đảo Hoàng Sa trong một số năm. Chúng tôi không rõ vụ đụng độ này đã nổ ra trong hoàn cảnh nào. Lực lượng quân sự Mỹ không dính dự vào vụ này. 4. Chúng tôi đang bảo tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khuyên Chính phủ Việt Nam tiến hành những bước tối thiểu nhằm tự vệ và cứu cấp các công dân của mình (và nhân viên Hoa Kỳ chúng ta nữa), và cố gắng tối đa tránh những đụng độ trực tiếp nữa với lực lượng CHNDTH...”. Làm thế nào mà Nhà Trắng lại không biết tại sao nhân viên DAO nọ lại có mặt ở Hoàng Sa, lại không rõ đụng độ đã xảy ra trong hoàn cảnh nào, song lại “khuyên Chính phủ Việt Nam tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với CHNDTH” khi mà từ hôm 17-1, tức khi trận Hoàng Sa mới bắt đầu khởi sự (17-1), “chúng tôi đã thảo luận tình hình với đại sứ Martin qua điện thoại”? Một sự “đứng ngoài cuộc” chính thức. Không phải vì Hiệp định Paris mà từ cái bắt tay Mỹ - Trung năm 1972. HỮU NGHỊ |
Q.VIỆT - L.Đ.DỤC - L.NAM (Tuổi trẻ)