Dù đã triển khai từ lâu nhưng việc thực hiện tiêu chí quy hoạch ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng yếu, dẫn đến việc triển khai xây dựng gặp khó khăn...
>>Bài 1: Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động
>> Bài 2: Cán bộ, đảng viên đi trước
Hồng Thái (Ninh Giang) là một trong những xã làm tốt công tác quy hoạch
Đã hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng việc thực hiện tiêu chí quy hoạch ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng yếu, dẫn đến việc triển khai xây dựng các tiêu chí thiếu cụ thể, khó khăn.
Quan trọng nhưng lại chậmQuy hoạch và thực hiện quy hoạch có vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. Đây là tiêu chí định hướng, kim chỉ nam cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Mặc dù có điều kiện kinh tế- xã hội khá nhưng kết quả xây dựng NTM ở tỉnh ta chưa cao, khó thực hiện các tiêu chí cụ thể. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch dẫn tới thực hiện các tiêu chí NTM theo hướng tự phát. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến nay trong 58 xã thực hiện giai đoạn I, mới có 53 xã đã phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết (91,4%); 48 xã đã phê duyệt đề án NTM.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đánh giá, kết quả xây dựng NTM ở tỉnh ta chưa cao chủ yếu do công tác phê duyệt quy hoạch và đề án xây dựng NTM quá chậm, điển hình là các huyện Ninh Giang, Kinh Môn, Kim Thành. Một số đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM chất lượng thấp, cơ quan thẩm định cấp huyện phải yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần, tiến độ phê duyệt chậm. Hoạt động của ban chỉ đạo các cấp còn bất cập, thiếu chủ động, nhất là ở cơ sở. Hầu hết các xã chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng bởi lĩnh vực này lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Ngoài ra, vấn đề tổ chức sản xuất, một số lĩnh vực xã hội và yếu tố con người để xây dựng NTM cũng còn hạn chế.
Trao đổi với một số người trực tiếp làm quy hoạch nông thôn, chúng tôi được biết, khó có đồ án quy hoạch bài bản cho nông thôn vì nguồn vốn ít, nhận thức hạn chế của chính quyền và người dân, trình độ của tư vấn chưa cao. Việc tìm kiếm và triển khai mô hình quy hoạch cho NTM cũng lúng túng. Dù cốt lõi của cấu trúc nông thôn đã được xác định là hòa hợp giữa các không gian sản xuất, công cộng và sinh hoạt của mỗi gia đình…nhưng sức ép của cơ chế thị trường, tác động của "đô thị hóa", các mô hình "nhà ống", quan niệm "nhà bám mặt đường để kinh doanh" xuất hiện khắp các vùng quê...
Đến tháng 7-2013, trong tổng số 228 xã, mới có 163 xã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM (71,5%), 18 xã chờ phê duyệt (7,9%) và 47 xã đang lập (20,6%). Về quy hoạch chi tiết, có 143 xã đã phê duyệt (62,7%), 5 xã chờ phê duyệt (2,2%) và có 80 xã đang lập (35,1%). Về đề án NTM, toàn tỉnh có 133 trong tổng số 228 xã đã phê duyệt (58,4%), 20 xã chờ phê duyệt (8,8%) và 75 xã đang lập (32,8%).
|
Tiến độ xây dựng NTM ở huyện Ninh Giang còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh, nhất là việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch, đề án NTM. Huyện mới có 5 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí, 19 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và còn 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ông Vũ Doãn Nhã, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Ninh Giang cho biết, đến ngày 16-8, Ninh Giang mới có 21 trong tổng số 27 xã hoàn thành công tác lập quy hoạch được phê duyệt. Tiến độ quy hoạch của huyện chậm do những xã còn lại chưa tập trung hoàn thiện hồ sơ. Cũng do lập quy hoạch diễn ra đồng loạt, nên lực lượng tư vấn thiếu và yếu. Ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Giang cho biết thêm: "Việc lập quy hoạch và đề án NTM còn chậm, chất lượng chưa cao còn do công tác đánh giá thực trạng tại một số địa phương chưa cụ thể, chưa sát với thực tế. Việc hướng dẫn của một số cơ quan chuyên môn chưa kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, kinh phí quy hoạch cũng chưa được bố trí kịp thời. Trong 2 năm (2011- 2012), tỉnh mới hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng trong tổng số hơn 8,2 tỷ đồng kinh phí lập quy hoạch cho các xã trong huyện. Để thực hiện đúng quy hoạch, nhất là trong khu dân cư phải thu hồi đất, giải tỏa nhiều công trình để làm đường. Việc này rất khó khả thi do địa phương không có kinh phí hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng".
Nguồn vốn cũng là vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện quy hoạch ở xã Tân Hồng (Bình Giang). Dự kiến, để hoàn thành các tiêu chí cơ bản của NTM, xã cần 151 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến khoảng 74 tỷ đồng lấy từ nguồn đấu giá đất nhưng do vướng quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nên chưa thể triển khai. Việc huy động vốn đóng góp của nhân dân và các nguồn khác cũng đang rất khó khăn do đời sống người dân còn thấp. Quy hoạch NTM và làm đường giao thông cũng khó thực hiện do hiện trạng, công trình (chủ yếu là nhà ở) xây dựng sát mặt đường nên không thể mở rộng được đường trong làng, nhất là đường ngõ, xóm.
Cách làm của Cẩm GiàngTheo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đánh giá, qua thực tế triển khai ở tỉnh ta cho thấy, các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác lập quy hoạch để định hướng phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý đầu tư một cách thống nhất. Muốn làm được việc này, đòi hỏi chất lượng quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu phát triển của từng địa phương, phải tạo ra nguồn lực và có tính khả thi cao. Công tác quy hoạch NTM liên quan, tác động đến nhiều tiêu chí khác. Vì vậy cần tổ chức thực hiện quy hoạch một cách bài bản, thận trọng. Phải xác định rõ thứ tự ưu tiên và có lộ trình thực hiện quy hoạch. Đặc biệt nên quan tâm đến các dự án đầu tư phát triển sản xuất để tạo ra nguồn lực và nâng cao mức sống của dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn, nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả.
Cẩm Giàng là một minh chứng. Từ một địa phương có tiến độ quy hoạch chậm, trong khoảng 1 năm nay, việc xây dựng NTM của huyện đã thực sự có chuyển biến tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Năng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng, đến giữa tháng 7-2013, cả 17 xã trong huyện đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng NTM. Quy hoạch không chỉ là một tiêu chí quan trọng, mà còn là khâu then chốt để thực hiện nhiều tiêu chí NTM khác, do đó huyện xác định "chậm, chắc". Mặc dù có thuận lợi là từ năm 2007, Cẩm Giàng đã triển khai quy hoạch trung tâm xã và định hình các cụm dân cư, nhưng khi triển khai xây dựng quy hoạch NTM, huyện vẫn đề cao vấn đề năng lực của các đơn vị tư vấn, đồng thời "kỹ càng và bài bản trong thẩm định". Theo kết quả kiểm tra và đánh giá của Sở Xây dựng, quy trình thực hiện ở huyện Cẩm Giàng tương đối bảo đảm, chất lượng các đồ án cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM... Nhờ bảo đảm chất lượng quy hoạch, Cẩm Giàng đã xác định được 119 vùng sản xuất chuyên canh từ 10-70 ha/vùng. Điển hình như các mô hình luân canh cà rốt-ngô-dưa chuột ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn; ớt-lúa ở Cẩm Sơn; bí xanh ở Cẩm Hưng; lúa chất lượng cao ở Kim Giang, Ngọc Liên, cá ở Cẩm Hoàng, Cẩm Đoài, Cẩm Đông...Bên cạnh đó, cũng nhờ quy hoạch xây dựng NTM, huyện đã tập trung đầu tư hơn 174 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng.
LONG BIÊN