Bài 4: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

20/01/2016 09:46

Sau 30 năm đổi mới, thị trường lao động phát triển, tạo ra nhiều việc làm và đời sống người lao động ngày càng được nâng lên.

>> 30 năm đổi mới - đất nước đổi thay: Bài 2: Kinh tế phát triển vượt bậc
>> 30 năm đổi mới - đất nước đổi thay: Bài 1: Thành tựu to lớn



Các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả,
tăng cơ hội việc làm cho người lao động


Sau 30 năm đổi mới, nhận thức về kinh tế thị trường ngày càng sâu sắc và rõ nét hơn. Việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, thừa nhận sức lao động là hàng hóa, thị trường lao động trong nước được hình thành, phát triển đúng hướng, ngày càng năng động, mở rộng và hội nhập với thị trường lao động ngoài nước theo nguyên tắc thị trường. Hệ thống pháp luật về lao động, việc làm ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới của đất nước, tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Việc chuyển dần sang nền kinh tế thị trường bắt đầu từ năm 1986 là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để huy động mọi tiềm năng, khả năng vào phát triển kinh tế. Động lực kinh tế đã dẫn đến việc phân bổ tốt hơn các nguồn lực, kích thích sự cải tiến tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Với hàng loạt cải cách theo định hướng thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nền kinh tế tự cung tự cấp với thu nhập thấp sang nền kinh tế đa thành phần. Đặc biệt, sau khi Việt Nam gia nhập WTO (đầu năm 2007), đã tạo ra các cơ hội mới để tiếp tục cải cách về chính sách và môi trường kinh doanh, tạo tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Những chuyển hướng về tư tưởng, nhận thức và hành động trên đã tạo thành động lực to lớn để đưa Việt Nam "cất cánh", tăng trưởng nhanh và bền vững. Việc tăng trưởng đã hướng vào giải phóng sức sản xuất, phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người lao động có việc làm, chuyển dịch việc làm sang các ngành có thu nhập và an sinh tốt hơn; làm việc trong môi trường ngày càng được an toàn và vệ sinh; phân phối tiền lương và thu nhập ngày càng theo cơ chế thị trường. Nguồn vốn nhân lực ngày càng tăng: trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực phát triển nhanh (chỉ số HDI của Việt Nam cao hơn so với những nước có cùng mức thu nhập), điều kiện sống được tăng lên.

Hệ thống pháp luật từng bước được hoàn thiện đã tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển dần sang kinh tế thị trường, bảo vệ tốt người lao động trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hóa hình thức sở hữu. Hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương… một mặt thể chế hóa quyền và nghĩa vụ của người lao động trong làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, bảo đảm tiền lương được thực hiện theo cơ chế thị trường (thỏa thuận, thương lượng), song lại bảo vệ người lao động có mức tiền lương đầy đủ theo năng suất, chất lượng công việc, bảo đảm không bị rơi vào nghèo đói. Trong lĩnh vực việc làm, đã chuyển vai trò của Nhà nước từ người tạo việc làm trực tiếp sang tạo ra môi trường để giải phóng sức sản xuất, mở rộng, tăng cường cơ hội của người lao động có việc làm (trước kia việc làm chỉ được thừa nhận trong khu vực nhà nước), làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, tăng thu nhập.

Đến nay, các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động được tổ chức thực hiện hiệu quả. Thị trường lao động trong nước ngày càng phát triển, các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ trong cả nước. Hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động; các sàn giao dịch việc làm được tổ chức thường xuyên hơn, quy mô mở rộng hơn, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động cao hơn, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm. Xử lý hài hòa hơn các mối quan hệ thị trường lao động. Từ chỗ Nhà nước đứng ra tổ chức công tác hợp tác lao động (với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu) sang doanh nghiệp nhà nước thực hiện công việc này và hiện nay doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định.

Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục được củng cố và phát triển, một số thị trường trọng điểm có mức tăng trưởng hằng năm cao như Đài Loan, Nhật Bản... Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài từng bước được nâng lên; chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Công tác quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, đã triển khai kịp thời các giải pháp bảo đảm an toàn cho nhiều lao động đang làm việc tại nước ngoài về nước và có chính sách hỗ trợ kịp thời...

Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được thực hiện tốt. Từ năm 2013 đến nay, nhờ hoạt động có hiệu quả của Hội đồng Tiền lương quốc gia với vai trò tích cực trong cải thiện cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường và hội nhập, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng gần 2,3 lần so với năm 2011. Thu nhập bình quân/tháng của người lao động năm 2015 tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2011. Đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao.

Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 40 - 41% năm 2015, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Đối với việc làm ngoài nước, Việt Nam tiếp tục nối lại thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới. Năm 2014, lần đầu tiên, số lao động đưa đi vượt qua mốc 100.000 người. Hiện có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, gửi về nước hằng năm từ 1,6 - 2 tỷ USD.

Dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế. Cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh; từng bước đáp ứng được nhu cầu đa dạng về trình độ nhân lực kỹ thuật trực tiếp của thị trường lao động, trong đó có nhân lực trình độ kỹ năng nghề cao cho các vùng kinh tế trọng điểm, các ngành kinh tế mũi nhọn... Các hình thức dạy nghề được tổ chức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật học nghề, lập nghiệp. Năm 2015, tuyển mới dạy nghề khoảng 2.150.000 người; tổng 5 năm (2011 - 2015) tuyển mới dạy nghề hơn 9 triệu người, đạt 93,1% kế hoạch, tăng trên 20% so với giai đoạn 2006 - 2010. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2015 đạt 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010...

30 năm đổi mới, những thành tựu của Việt Nam đã đạt được là không thể phủ nhận. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế kỳ vọng Việt Nam tiếp tục có những chính sách về lao động, việc làm, dạy nghề hiệu quả, đồng bộ, để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

PHÚC HẰNG



(0) Bình luận
Bài 4: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực