Bài 4: Cánh đồng Mường Thanh - điểm quyết chiến của Na-va

20/03/2014 05:26

Thật ra trong kế hoạch ban đầu, Na-va không hề đề cập đến việc chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến với bộ đội Việt Minh.



>>Bài 1: Lần thay tướng thứ 7


Na-va đưa quân vào Điện Biên Phủ vì tin rằng Việt Minh chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn
 cứ điểm mạnh. Trong ảnh: Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ tháng 11-1953


Bởi khi quân ta mở chiến dịch giải phóng Lai Châu, Na-va mới vội vã ném 6 tiểu đoàn xuống cánh đồng Mường Thanh với lý do công khai ban đầu là để ngăn chặn chủ lực đối phương tiến quân sang Thượng Lào. Chừng nửa tháng sau Na-va đi đến một quyết tâm mới có tầm quan trọng đặc biệt, đó là xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tại sao vậy? Sau này viết trong cuốn Thời điểm của những sự thật, Tướng Na-va đã viện nhiều lý do chính trị, quân sự, kinh tế khiến ông ta chọn cánh đồng Mường Thanh. Nhưng thực chất của việc Na-va xây dựng tập đoàn cứ điểm trên cánh đồng diện tích 144 km2 này nhằm làm cái “nhọt hút nọc độc”, thu hút quân chủ lực đối phương lên, trước mắt là để đỡ đòn cho đồng bằng, sau nữa nếu đối phương dám húc vào đây chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Na-va tin vào điều đó vì cho rằng ông Võ Nguyên Giáp chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm mạnh.

Có thể trên đại cục Pa-ri đã nhìn thấy sự kém hiệu quả của Kế hoạch Na-va hay là trước sức ép và mâu thuẫn giữa các đảng phái “chính quốc” tăng cao nên đúng vào ngày Na-va ném quân xuống cánh đồng Mường Thanh, Pa-ri cử phái viên là Chuẩn đô đốc Ca-ban-ni-ê sang Sài Gòn nói thẳng với Tổng chỉ huy Pháp rằng, những cuộc ra quân mấy tháng vừa qua không phù hợp với khả năng quá hạn hẹp của nước Pháp. Hãy điều chỉnh kế hoạch, cốt sao chỉ đủ cho Việt Minh thấy rằng Pháp không đủ sức đánh bại họ nhưng họ cũng đừng mong đuổi được quân viễn chinh về nước. Về phần tướng quân đừng trông chờ tăng viện của “chính quốc”, bởi vậy nếu cứ ra quân như vừa qua thì sẽ hối không kịp.

Công bằng mà nói, Na-va là một viên tướng có lòng tự tin của người cầm quân. Từ ngày 3-12-1953 hạ quyết tâm xây dựng cánh đồng Mường Thanh thành tập đoàn cứ điểm để quyết chiến với đối phương dù không được Pa-ri công khai ủng hộ nhưng lại được ông bạn Hoa Kỳ đổ tiền, súng vào. Vậy nên Na-va có đủ cơ sở, tiềm lực để thực hiện quyết tâm của mình. Một sĩ quan cao cấp thuộc dòng dõi quý tộc rất đáng tin cậy được điều từ đồng bằng lên chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đó là Đại tá Đờ Ca-xtơ-ri đã từng 3 lần có mặt trên chiến trường Đông Dương. Đặc biệt viên đại tá luôn mang cái mũ ca-lô màu tiết dê, chiếc khăn quàng đỏ và chiếc gậy chỉ huy đã hết sức năng nổ, xông xáo từng lọt vào mắt xanh của Phó Tổng thống Mỹ Ních-xơn trong cuộc hành binh Hải âu ở tây nam Ninh Bình hồi tháng 10-1953.

Để quân đồn trú tự tin bảo vệ được tập đoàn cứ điểm bằng mọi giá Na-va thường xuyên đôn đốc Cô-nhi -Tư lệnh quân viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương vận chuyển khẩn trương mọi phương tiện vật chất theo yêu cầu của Đờ Ca-xtơ-ri để nhanh chóng hoàn chỉnh công việc bố phòng của tập đoàn
cứ điểm. Theo đó, hằng ngày có rất nhiều máy bay vận tải Mỹ DC3 hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh mang theo một khối lượng từ 200-300 tấn phương tiện vật chất để xây dựng công sự củng cố hệ thống phòng thủ. Ngoài chừng 30 lần/chiếc máy bay vận tải hạng lớn C119 do phi công Mỹ lái, mỗi buổi sáng Na-va còn yêu cầu thả dù tiếp tế từ 100-150 tấn hàng quân sự các loại. Do vậy tổng binh lực ở tập đoàn này vào lúc cao nhất là 16.200 người, gồm có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội tăng M24, 1 đại đội vận tải, 1 phi đội 12 máy bay thường trực được bố trí thành 3 phân khu, 49 cứ điểm tổ chức thành các cụm cứ điểm đề kháng có khả năng phòng ngự mạnh. Các tướng lĩnh và các chính khách Pháp, Mỹ đã đến tận nơi để kiểm tra đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” là một cái máy “nghiền” sẵn sàng nghiền nát đối phương nếu họ dám đụng vào đây.

Thật ra có một điều ít người biết trong thâm tâm của Na-va kể cả sau khi hạ quyết tâm chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ thì ông ta vẫn còn một ý định khác. Đó là vào khoảng cuối tháng 12 Na-va lệnh cho Cờ-re-vơ-cơ (Chỉ huy quân Pháp ở Thượng Lào) bố trí 6 tiểu đoàn dọc sông Nậm Hu hình thành một hành lang sẵn sàng hỗ trợ cho quân Pháp chạy từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào khi cần. Đêm 24-12, dự lễ Nô-en với các sĩ quan tại hầm của Đờ Ca-xtơ-ri, Na-va vẫn lớn tiếng động viên ba quân quyết chiến vì không những Việt Minh không có pháo mà chỉ riêng chuyện gạo ăn họ cũng không đủ để kéo dài trận đánh. Vậy mà chỉ một tuần sau, ngày 31-12, Na-va lại ký mật lệnh cho Cô-nhi và Cờ-re-vơ-cơ chuẩn bị để sẵn sàng có thể rút quân khỏi Điện Biên Phủ. Nhưng ý định sẵn sàng rút quân khỏi Mường Thanh của Na-va đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của tướng Cô-nhi và sự hung hăng của Đờ Ca-xtơ-ri. Lý do công khai mà Cô-nhi đưa ra là muốn quyết chiến với các đại đoàn chủ lực đối phương nhưng thực chất thì trong lòng vị tướng 3 sao này ngầm sợ rằng, nếu các đại đoàn của Việt Minh rút khỏi Điện Biên về xuôi thì thật đáng lo ngại cho vùng đồng bằng do ông ta đang trấn giữ… Nhưng có một sự thật là vào thời điểm này tướng Na-va và bộ sậu của mình cũng không hề hay biết rằng thời cơ rút chạy khỏi lòng chảo Điện Biên đã không còn nữa.

LÊ THÀNH VINH


(0) Bình luận
Bài 4: Cánh đồng Mường Thanh - điểm quyết chiến của Na-va