Bài 3: Thầy giáo mang quân hàm xanh

14/02/2014 03:44

Lớp học nhỏ tồn tại giữa trùng khơi nhờ tình yêu thương hết lòng của một thầy giáo “tay ngang”: thượng úy Trần Bình Phục của Đồn Biên phòng Hòn Chuối.





Một hòn đảo nhỏ chỉ có hơn 100 người dân sinh sống ngày ngày vẫn ê a tiếng trẻ học bài. Lớp học nhỏ tồn tại giữa trùng khơi nhờ tình yêu thương hết lòng của một thầy giáo “tay ngang”: thượng úy Trần Bình Phục của Đồn Biên phòng Hòn Chuối.


Thầy giáo - thượng úy Trần Bình Phục đã gắn bó với lớp học trên đảo Hòn Chuối hơn 4 năm qua


Lớp học "3 trong 1"

Đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chỉ có 34 hộ với 115 người dân sinh sống. Nghe qua địa chỉ của 34 hộ là: tổ 1 tự quản, khóm 1, thị  trấn Sông Đốc, không ai tưởng tượng được cái tổ đó lại nằm chơ vơ trên một hòn đảo nhỏ, cách đất liền tới gần 36 km, tương đương 3 giờ di chuyển bằng tàu, ghe. Những ngôi nhà lụp xụp bám vào chân núi, hướng ra phía biển xanh ngăn ngắt, xa xa bập bềnh những nhà bè nuôi cá bớp - nghề chính của những người dân nơi đây. Trong những ngôi nhà mái tôn, vách bưng bằng bạt đó, tối tối le lói ánh đèn dầu và tiếng trẻ con ê a tập đọc. Những đứa trẻ da nâu, mắt sáng như sao, thấy người lạ từ xa đã khoanh tay, chào vang: “Con chào cô, chú ạ!”. Ông Đoàn Thanh Phong, cư dân lâu đời nhất gắn bó với đảo Hòn Chuối từ khi nơi đây chưa có bóng người sinh sống, chỉ có những người đi ghe ghé lại nghỉ chân, cười nói: “Bọn chúng ngoan vậy là nhờ có lớp học của thầy Phục đấy. Người dân ở đây ai cũng kính cẩn thầy”.

“Lớp của thầy Phục” là một gian nhà nhỏ, cách xóm chài dưới chân núi hơn 120 bậc thang dốc đứng, nghĩa là tương đương với 1 tòa nhà 10 tầng. Sáng sớm nào thầy cũng đứng chờ các em ở chân núi, đủ 21 em mới đưa lên lớp học. Tan học, thầy lại dẫn các em xuống tận chân núi, vì sợ đám học trò nhỏ leo lên leo xuống gặp hiểm nguy. Lớp học của thầy thoạt trông giống như bao nhiêu lớp học khác, cũng bảng xanh phấn trắng, học sinh mặc đồng phục ngồi ngay ngắn. Nhưng để ý một chút nữa thì thấy thầy giáo vận bộ quân phục quân hàm xanh, còn tấm bảng thì chia làm 3 phần vì 1 lớp mà thực ra là 3 lớp. Cả đảo chỉ một lớp học này nên thầy Phục phải dạy kiểu lớp ghép, mỗi buổi học thầy xoay như chong chóng với 3 bài giảng khác nhau. “Bí quyết” của thầy để buổi học trôi chảy là sắp xếp thời gian hợp lý và bố trí môn học của 3 lớp không trùng nhau để học trò đỡ bị nhầm. Ví dụ lớp 1 học toán thì lớp 2 học tiếng Việt, lớp 3 học lịch sử; khi lớp 2 nghe giảng thì lớp 1, lớp 3 làm bài tập và ngược lại. Quen dạy và học kiểu này, cả thầy và trò đều có “kỹ năng lớp ghép” nên các buổi học diễn ra suôn sẻ và hiệu quả chẳng khác gì những lớp học thông thường.

Tất cả là tình yêu thương

“Ngày đầu mới ra đây, xuống dưới nhà người dân chơi, tôi rất sốc vì câu nói đầu môi của những đứa trẻ con là chửi thề. Tôi kêu từng đứa một hỏi, không đứa nào biết chữ. Tôi liền đề nghị với chính trị viên rằng trước tôi từng tham gia giảng dạy cho trẻ mồ côi, khuyết tật, giờ cho tôi đi dạy ở đây xem sao. Tôi xin 1 tháng dạy thử thôi, nếu được thì tiếp tục. Và lớp học duy trì đến giờ là hơn 4 năm rồi”, thầy Phục kể về lý do ra đời lớp học.

Thực ra, lớp học đầu tiên của các thầy giáo quân hàm xanh mở trên đảo Hòn Chuối từ năm 1995, tức là khi bắt đầu có người dân ra đây sinh sống. Nhưng trong suốt một thời gian dài, lớp học không được duy trì đều đặn, có những thời gian ngắt quãng tới 2 - 3 năm vì các thầy đang dạy thì nhận nhiệm vụ, luân chuyển đi nơi khác mà không phải ai cũng có khả năng sư phạm để đứng lớp nên lớp lại phải chờ tới khi có người thay. Cho đến nay, lớp học của thầy Phục là đều đặn và liên tục nhất, học trò lớn nhất lớp đã học lớp 5, dù cả thầy và trò đều gặp vô vàn những khó khăn “chẳng giống ai”.

Những ngày đầu tiên, lớp học đóng trong trụ sở cũ của Trạm Kiểm lâm, là ngôi nhà xập xệ làm bằng tôn, lá. Việc đưa học sinh tới lớp mới thật sự khó khăn. “Có đứa tới lớp rồi mà không chịu học, tôi mới dọa: Bây giờ con muốn học hay thầy đánh con hai cây? Tưởng nó sợ, ai ngờ nó tự động lên bàn nằm và bảo: Thầy đánh con hai cây đi để con còn về đi câu mực”, thầy Phục nhớ lại. Những tình huống dở khóc dở cười như thế không hiếm, nhưng vì tình thương với đám trẻ con mà thượng úy Phục quyết tâm làm “thầy Phục”. Anh xót xa khi thấy những đứa trẻ như những mầm xanh mới nhú mà không được ai chỉ bảo cho biết đúng sai, không biết đọc, biết viết để hiểu về cuộc sống, về thế giới xung quanh.

Những bài học đầu tiên đám trẻ con được học không phải là tập đọc, tập viết mà là những bài học làm người. Ròng rã một năm trời, anh huấn luyện học sinh còn hơn tân binh mới nhập ngũ, từ cách chào hỏi, ăn nói lễ phép, không được chửi thề tới cách cầm bút, đưa những nét viết đầu tiên. Anh quan niệm quan trọng nhất là giáo dục về nhân cách cho học sinh và phương pháp hiệu quả là nắm được tâm tư, nguyện vọng của trẻ để thuyết phục, định hướng, dạy bảo dần dần.

Với sự kiên trì và tâm huyết của anh, lớp học dần đi vào nền nếp. Học trò không những đọc thông viết thạo, tiếp thu bài học tốt mà còn ngoan ngoãn, tự tin hơn trước rất nhiều. Học trò của thầy bây

"Ở đây các cháu không biết 20-11 là ngày gì. Đa số người dân đều nghèo khó nên tôi cũng không muốn họ biết rồi lại quà cáp nọ kia".

giờ rất siêng lên lớp, học hành chăm chỉ. Tối tối các em chong đèn dầu học bài. Có những hôm trời mưa, thầy cho nghỉ học, các em vẫn kéo đến lớp, khiến thầy dù mệt đến mấy cũng gắng lên lớp giảng bài. Kể về ngày 20-11 vừa qua, thầy cười vui mà rưng rưng nước mắt: “Ở đây các cháu không biết 20-11 là ngày gì. Đa số người dân đều nghèo khó nên tôi cũng không muốn họ biết rồi lại quà cáp nọ kia. Tôi chỉ nói với học trò ngày mai là Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cho các con nghỉ. Và giải thích với các cháu rằng ngày này là ngày tôn vinh thầy cô, kể cho các cháu nghe các câu chuyện về tình thầy trò. Học trò lẳng lặng về, không nói gì cả, ngày hôm sau đùng đùng kéo nhau lên làm thầy rất bất ngờ. Mỗi trò mang lên 2 - 3 viên kẹo, chai nước khoáng, lon nước ngọt, có trò mua sữa tắm trắng cho thầy nữa. Tôi tập trung hết vào trong lớp, cho các con trao đổi với nhau, ngồi liên hoan luôn. Có những em hôm đó lần đầu tiên được uống lon nước ngọt. Những kỷ niệm như vậy sẽ theo tôi suốt đời, không thể nào quên được”.

Hơn 4 năm qua, thượng úy Trần Bình Phục đã gắn bó với những học trò của mình như thế. Khi được hỏi sẽ dạy học tới khi nào, anh cười bảo chắc chắn dạy tới khi mình rời đảo, giờ một ngày không lên lớp là thấy nhớ học trò. Trăn trở lớn nhất của anh là hiện chưa có cơ sở nào chứng nhận cho trình độ của các em, nếu vào bờ đi học các em sẽ phải học lại từ lớp 1. Anh chỉ mong có cách giúp học trò mình được công nhận, mong gia đình các em làm ăn khấm khá để các em có điều kiện học lên cao, những mầm xanh trên Hòn Chuối sẽ ngày một trưởng thành ngày một vươn xa…

Tình thương với những "mầm xanh" của đảo khiến thầy Phục mở lớp để uốn nắn các em. Rồi cũng chính tình yêu thương của học trò và người dân trên đảo là nguồn năng lượng giúp thầy kiên trì, bền bỉ vượt mọi khó khăn.

VIỆT HÒA


(0) Bình luận
Bài 3: Thầy giáo mang quân hàm xanh