Mặc dù được trang bị vũ khí tối tân, quân số đông, chuyên nghiệp, nhưng mỗi lần Tướng Giáp ra đòn là một lần Bộ chỉ huy Pháp phải tung quân đi chữa cháy...
Mỗi lần Tướng Giáp "ra đòn" là một lần Na-va phải tung quân đi "chữa cháy".Điều kiện quan trọng nhất để thực thi kế hoạch Na-va vẫn là viện trợ Mỹ và đây cũng là lần đầu tiên Oa-sinh-tơn hào phóng đảm nhận 78% chiến phí của Pháp ở Đông Dương. Do đó chỉ hơn nửa năm binh lực của Pháp và tay sai đã phát triển lên 48 vạn, gồm 286 tiểu đoàn các loại, trong khối cơ động chiến lược (báo chí phương Tây gọi là quả đấm chiến lược) lên tới gần 50 tiểu đoàn. Nắm trong tay một đội binh hùng, tướng mạnh, lắm súng, nhiều đạn như vậy nên tướng Na-va đã lớn tiếng tuyên bố: “Quyết chơi với ông Giáp một ván bài toàn hồng…". Thế nhưng mỗi lần Tướng Giáp ra đòn là một lần Bộ chỉ huy Pháp phải tung quân đi chữa cháy…
Trở lại Hội nghị Bộ Chính trị diễn ra hồi đầu tháng 10-1953, tại ATK (an toàn khu) Thái Nguyên, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Bộ Chính trị khẳng định kế hoạch Na-va tuy có thể gây cho kháng chiến những khó khăn mới, nhưng bản thân nó là một sản phẩm bị động nên chứa nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm không thể khắc phục được. Hội nghị xác định phương châm chiến lược là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên phạm vi toàn Đông Dương”. Chủ trương tác chiến của bộ đội ta trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở, đồng thời bằng đánh vận động tranh thủ cơ hội tiêu diệt sinh lực địch khi quân Pháp đánh sâu vào vùng tự do. Điểm mấu chốt của chiến lược là tập trung nỗ lực tìm cách phân tán các binh đoàn cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức, xây dựng.
Thực hiện chủ trương trên, bộ đội chủ lực của ta đã mở các chiến dịch với mục đích bắt buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng ra khắp chiến trường Đông Dương. Trên hướng chính tây bắc, Sư đoàn 316 được lệnh hành quân cấp tốc lên bao vây tiêu diệt địch, giải phóng Lai Châu. Trên hướng đường mòn nối Lai Châu - Điện Biên, quân ta kịp thời chặn và tiêu diệt địch rút chạy từ hướng Lai Châu về và cánh quân từ dưới Mường Thanh lên đón đồng bọn. Các trận đánh diễn ra ở vùng núi Phu San và khu vực Mường Pồn và ngay ở Bản Tấu cửa ngõ Điện Biên Phủ. Một bộ phận quan trọng trong tổng số hơn 2.000 lính ngụy người Thái xuyên rừng rút chạy cùng với 20 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp bị tiêu diệt. Lai Châu được giải phóng và vòng vây trên cánh đồng Mường Thanh cũng dần dần được hình thành. Đồng thời, Trung đoàn 36 thuộc đại đoàn 308 chốt chặn ở Pom Lót sẵn sàng chặn địch từ Điện Biên Phủ về Thượng Lào. Na-va đâu biết rằng chỉ một điểm chốt nhỏ tại Pom Lót đã cột chặt địch trên cánh đồng Mường Thanh khiến cho kế hoạch tháo chạy mang mật danh Xê-nô-phôn (tên một vị tướng nổi danh vì nghệ thuật lui quân ở thành A-then thời cổ Hy Lạp) từ Mường Thanh - Điện Biên Phủ - qua Tây Trang về Thượng Lào đã hoàn toàn bị vô hiệu.
Tại Trung Lào, trong những ngày 21 và 22-12 sau khi thắng 2 trận ở Khăm He và Ba-na-phào, quân ta tiến nhanh theo hướng Mê Kông giải phóng Thà Khẹt, đồng thời tiêu diệt một số vị trí quân địch trên đường số 9. Báo chí ở Pa-ri lại gào lên nguy cơ “Đông Dương bị chia làm đôi”, Na-va vội điều 4 tiểu đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ và một tiểu đoàn ở Nam Bộ ra cùng với lực lượng ở Trung Lào tổ chức ở Sê-nô một tập đoàn cứ điểm gồm 10 tiểu đoàn. Tại Hạ Lào mũi thọc sâu của tiểu đoàn 436 thuộc đại đoàn 325 giải phóng thị xã A-tô-pơ; phối hợp với lực lượng vũ trang bạn ở Hạ Lào phát động chiến tranh du kích trên nhiều vùng thuộc cao nguyên Pô-lô-ven. Đòn đánh bất ngờ này khiến Na-va phải lật đật điều 3 tiểu đoàn cơ động thuộc Trung đoàn 51 vừa mới xây dựng ở Cam-pu-chia sang cùng với một tiểu đoàn dù từ Bắc Bộ vào tăng cường cho Pắc-xế. Như vậy, sau đồng bằng Bắc Bộ và Điện Biên Phủ, Trung và Hạ Lào trở thành nơi tập trung quân thứ 3 của Na-va.
Ý đồ đánh chiếm Khu 5 được ghi rõ trong kế hoạch của Na-va và cụ thể hóa bằng cuộc hành binh Át-lăng cũng có kết cục cay đắng. Chỉ sau ít ngày khi quân ta nổ súng ở Tây Nguyên, tướng Na-va mới thấy nguy cơ mất cả một địa bàn rộng lớn từ vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên đến biên giới Việt - Lào và xuống tận cao nguyên Bô-lô-ven. Trong tình thế nguy cấp, Na-va đã hạ lệnh cho tướng Blăng rút binh đoàn cơ động GM100 và hai tiểu đoàn dù khỏi cuộc hành binh, đồng thời điều thêm hai binh đoàn cơ động chiến lược (GM21 và 11) lên cứu nguy cho tướng Đờ-bô-pho ở Tây Nguyên.
Ở chiến trường sau lưng địch, Đại đoàn 320 tiến sâu vào vùng địch hậu và đánh mạnh trên phòng tuyến sông Đáy. Các trung đoàn 42, 46, 50… đẩy mạnh hoạt động rộng khắp từ vùng trung du Sơn Tây đến vùng biển Thái Bình… Đường số 5, con đường huyết mạch nuôi sống hàng chục vạn quân viễn chinh cả miền Bắc thường xuyên bị uy hiếp khiến cho kế hoạch vận chuyển, tăng viện nhiều khi bị ngưng trệ. Trong những tháng cuối năm 1953, quân và dân tại vùng địch hậu Trung Bộ đánh lật nhào hàng chục đoàn tàu với hàng trăm toa; tiêu diệt, bức hàng, bức rút gần 200 đồn và tháp canh. Tại Nam Bộ sau khi binh đoàn cơ động (GM11) bị điều lên Tây Nguyên, địch phải co lại bảo vệ những vùng xung yếu buộc quân Pháp - Ngụy phải bỏ hàng ngàn đồn, bốt, tháp canh. Sau này chính Na-va đã thú nhận rằng, sức mạnh của chiến tranh du kích đã dẫn đến sự “ruỗng nát” tăng nhanh tới mức ông ta không còn nghĩ đến việc đánh chiếm vùng tự do Khu 9 như đã định trong kế hoạch chiến lược.
Đến khoảng thượng tuần tháng 1-1954, về cơ bản đợt 1 của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã kết thúc thắng lợi. Bằng những đòn tiến công xen kẽ hoặc đồng thời đánh vào những hướng chiến lược địch sơ hở, ta đã tiêu diệt hàng vạn tên địch, giải phóng nhiều địa bàn quan trọng, buộc Na-va phân tán lực lượng ra để đối phó và kế hoạch mang tên ông ta đang đứng trên bờ vực phá sản không gì cứu vãn nổi.
LÊ THÀNH VINH